Đời sống

Sông Sêrêpôk chảy ngược và khúc quành Mêkông

Nguyễn Chấn Hùng và Trần Kim Liên 02/02/2024 - 11:33

Sông Sêrêpôk theo hướng Tây chảy sang Campuchia nhận thêm nước hai sông Tonle San, Tonle Kong rồi mới đổ vào dòng lớn Mêkông tại Stung Treng. Tới đây Sêrêpôk nhập vào Mêkông lại quành về Đông thành dòng Cửu Long tưới nhuần Đồng bằng trước khi ra biển lớn.

Những lũng núi của dãy Nam Trường Sơn trùng điệp là nơi dòng Sêrêpôk bắt đầu. Krông Nô (sông Cha) và Krông Na (sông Mẹ) hiền hòa cùng đổ vào sông lớn Sêrêpôk mạnh mẽ tại ngã ba Buôn Kuốp. Những ghềnh thác hùng vĩ Dray Sáp, Dray Nur... đẹp như tranh vẽ.

hai-tac-gia-tham-thac.jpg
Hai tác giả thăm thác Dray Nur

Thác Dray Nur ở đầu nguồn Sêrêpôk

Từ thành phố Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 14 đi khoảng 25km là đến thác Dray Nur (thác Vợ), tại đầu nguồn sông Sêrêpôk, hùng vĩ nhất Tây Nguyên.

Nhìn từ xa, thác như một bức tường thành tráng lệ đón chào du khách. Dòng nước đổ thẳng từ chiều cao khoảng 30m trải rộng độ 250m xuống một hồ nước rộng gần 150m. Trời xanh mênh mông, bên trên dòng thác cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa, bên dưới vẫn yên bình.

thac.jpg
Thác Dray Nur ở đầu nguồn Sêrêpôk
thac-1.jpg
...Dòng nước đổ thẳng từ chiều cao khoảng 30m trải rộng độ 250m xuống một hồ nước rộng gần 150m.

Sêrêpôk có dòng chảy mạnh và xiết với hàng loạt thác ghềnh. Cách thác Dray Nur chưa đầy khoảng km, nghe nói có thác Dray Sáp (thác Khói). Thế nào tôi cũng tìm dịp thăm để tận mắt ngắm bụi nước bay như màn sương khói. Và, thác Gia Long, thác Trinh Nữ... với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú.

Sêrêpôk sông dài chảy ngược

Giữa đại ngàn Tây Nguyên có một dòng sông huyền bí chảy qua nhiều buôn làng của tộc người Êđê và Mnông. Sêrêpôk (hay Srêpôk), tiếng dân tộc là Sê Rêpôk (“Sê” là sông), tiếng Khmer là Tonlé Srepok.

song-serepok.jpg
Sông Sêrêpôk tại buôn Đôn

Từ đầu nguồn trên địa phận Đắk Lắk, chảy qua huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Súp khoảng 120 cây số. Sang tiếp địa phận Campuchia sông dài gấp đôi chảy qua các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, rồi nhập vào sông lớn Mêkông.

Sêrêpôk là dòng sông chảy ngược độc đáo của núi rừng Tây Nguyên. Từ phía Tây Trường Sơn, không tuôn thẳng ra biển Đông như các dòng sông khác mà lại chảy sang đất Campuchia. Đến tỉnh Stung Treng, nhập vào sông lớn Mêkông quành về tưới nhuần Đồng bằng sông Cửu Long rồi theo chín cửa đổ ra biển Đông.

Một dòng sông ba cây cầu

Nối Đắk Lắk và Đắk Nông

Xe dừng lại ở đầu cầu thấy có bảng tên cầu Sêrêpôk. Lòng tôi rộn ràng, đây rồi cây cầu bắc ngang sông Sêrêpôk nối hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

cau.jpg
Cầu Sêrêpôk (Ảnh năm 2023)

Cầu Sêrêpôk nằm trên quốc lộ 14, được biết cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 15 km về phía Tây Nam. Một đầu cầu thuộc xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; đầu cầu kia thuộc xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Được biết cầu này xây xong đưa vào sử dụng từ năm 1992.

Rõ ràng nhiều xe cộ qua lại trên cây cầu, nhưng cầu có cả phần dành cho người đi bộ. Thích quá, tôi đi chầm chậm qua cầu ngắm dòng sông. Dòng nước trong hai bờ cây cối xanh rì gió thổi nhẹ cảnh thật êm đềm.

Cầu 14 trên đường 14

Qua đến đầu cầu bên kia tôi dừng lại ngắm nghía chợt thấy thêm một chiếc cầu dáng cũ kỹ. Nghe kể đây là cây cầu Sêrêpôk đầu tiên xây thời Pháp còn gọi là cầu 14 do nằm trên đường 14. Ôi! cầu xưa gợi dáng “lão cầu Long Biên” bắc qua sông Hồng. Có cây cầu mới chen giữa hai cầu kia. Nghe đâu cầu xây xong năm 2016 phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng.

Đi trở ngược lại đến đứng giữa cầu như tôi thấy dòng chảy từ thượng nguồn qua bao ghềnh thác. Rồi từ cầu này theo dòng Sêrêpôk xa tít mãi đến ngôi làng buôn Đôn trên sông.

nguyen-chan-hung.jpg
Tác giả Nguyễn Chấn Hùng thăm buôn Đôn. Ảnh chụp năm 2023

Thăm Buôn Đôn - Làng đảo”

Người Ê Đê và M’Nông giải thích, buôn Đôn có nghĩa là “làng đảo” - ngôi làng trên hòn đảo nổi Ea Nô của sông Sêrêpôk, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 cây số về phía Tây Bắc.

Cư dân ở buôn Đôn chủ yếu là các dân tộc Lào, Ê Đê, M’Nông. Nhờ con sông, buôn Đôn thành địa điểm giao thương, trao đổi và buôn bán hàng hóa giữa dân bản địa với Lào, Campuchia. Cuối thế kỷ 19, người Lào xây dựng một bản Đôn sầm uất, từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk.

cau-treo.jpg
Cầu treo buôn Đôn

Thác Bảy Nhánh. Gặp các ghềnh đá sông chia thành bảy nhánh. Nghe nói trên cao nhìn xuống, thác như một bàn tay xòe, nơi rộng nhất gần 2km.

Cầu treo buôn Đôn. Cầu bắc qua nhánh sông Sêrêpôk ra đảo Ea Nô. Tôi thích cảm giác phập phều qua cầu ngắm dòng sông. Cầu bằng tre nứa gắn vào cây gừa cổ thụ tàng rộng nhiều rễ lòng thòng.

Khu mộ vua săn voi Khun Ju Nốp: nơi chôn cất vị vua huyền thoại săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Buôn Đôn là quê hương của các dũng sĩ săn voi rừng trứ danh. Bản Đôn có truyền thống gắn liền với loài voi.

mo-vua.jpg
Mộ vua Khun Ju Nốp

Đặc sản buôn Đôn. Thơm phức mùi gà nướng buôn Đôn, ăn cùng cơm lam dẻo. Không kịp nhâm nhi chút rượu A Ma Công. Không kịp thưởng thức heo kho sả, nem bản Đôn, canh chua cá sông, gỏi cà đắng...

Thương nhớ Buôn Ma Thuột

Đặc sản cá sông

Sông dài nước lớn, sông suối lớn nhỏ đổ vào. Rừng cây bạt ngàn, sinh thái phong phú. Cá lớn cá nhỏ đa dạng. Cách cầu Sêrêpôk một quãng đoàn chúng tôi được giới thiệu vào một quán có nhiều món cá đặc sản.

Một hàng chậu kiếng to, mỗi chậu một con cá to đang bơi lội. Đặc biệt cá lăng và cá sọc dưa nổi tiếng. Một con cá lăng to thân dài, đầu dẹp, da trơn, 15kg. Cá sọc dưa hai bên mình có năm bảy sọc vẩy đen rất đẹp.

Chúng tôi trầm trồ rằng cá to, người hướng dẫn kể các sát thủ thỉnh thoảng bắt được cá khủng nặng trên 100kg. Được giá lắm! Các “cá thần” ngày càng hiếm! Nhớ một dịp ở Cần Thơ tôi được xem cá tra dầu gần 150kg, hỏi ra, tôi được biết cá tra dầu cũng là cá quý trong dòng Sêrêpôk gặp dịp đi chơi xa.

Nhớ hoài hồ Lắk

Chỉ thăm hồ Lắk một lần mà sao nhớ hoài. Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 60km, nhận nước sông Krông Ana, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai của nước ta (chỉ sau hồ Ba Bể). Núi rừng bao quanh, thiên nhiên hùng vĩ. Nghe kể Hồ Lắk xinh đẹp chứng kiến mối tình vương giả của “thứ phi” tuyệt sắc Lê Thị Phi Ánh và vua Bảo Đại.

ho-lak.jpg
Hồ Lắk - hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau hồ Ba Bể

Ngôi nhà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Đại ngày xưa nằm cạnh hồ, trên đỉnh đồi, nơi vua Bảo Đại thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi lên Đắk Lắk. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao có góc nhìn rất đẹp bao quát gần như trọn mặt nước của hồ Lắk.

Thương mến xứ cà phê

Buôn Ma Thuột điểm đến của cà phê thế giới. Nhớ bao kỷ niệm. Săm soi mãi các hột cà phê chín trong các khu vườn rộng. Nhâm nhi tách cà phê đặc sánh thơm ngát ở vài quán nhỏ.

bs-nguyen-chan-hung.jpg
GS Nguyễn Chấn Hùng tại lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ 8 từ ngày 10 - 14/3/2023.

Thật sung sướng được dịp dự lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ 8 từ ngày 10 - 14/3/2023. Dù chỉ được tham dự một thoáng lễ hội mà lòng tôi đã thấy rộn ràng.

Khúc quành của dòng sông

Kỳ thú chảy ngược rồi quành lại

Tôi theo dòng Sêrêpôk ngắm thác Dray Nur, một thoáng trên cầu Sêrêpôk, dừng lâu thăm buôn Đôn... rồi dò bản đồ theo miết dòng sông. Trên đất Campuchia. Sêrêpôk nhận thêm nước hai sông Tonle Kong và Tonle San rồi đổ vào sông lớn Mêkông tại Stung Treng.

song-hau.jpg
Sông Hậu và Cù lao Dung từ cảng cá Trần Đề

Từ đây, Sêrêpôk theo dòng Mêkông làm một khúc quành chuyển dòng về Đông hơn 300 cây số đến thủ đô Phnôm Pênh nước bạn.

Sông Cửu Long tưới nhuần

Gần biên giới Việt, dòng Mêkông rẽ thành hai nhánh lớn tưới nhuần Đồng bằng. Sông Tiền từ Hồng Ngự Tân Châu, qua Cao Lãnh, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho. Sông Hậu từ Châu Đốc, Long Xuyên, qua Cần Thơ đến Sóc Trăng.

tham-cua-co-chien.jpg
GS Nguyễn Chấn Hùng thăm cửa Cổ Chiên - một cửa sông đổ ra biển trên dòng sông Mêkông

Ôi! duyên may nào cho tôi được ngược xuôi bươn chải khắp chốn, có dịp thăm nhiều khúc sông Tiền, sông Hậu và thăm các cửa sông ra biển (Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An và Trần Đề). Mê say dòng chảy tuôn tràn kỳ diệu bồi đắp nuôi dưỡng vùng đất lành.

Sêrêpôk thân thương ơi! Từ trên non cao ngược dòng về Tây lo cho đại ngàn, quành về Đông phụ dòng Mêkông tưới nhuần Đồng bằng sông Cửu Long!

Nguyễn Chấn Hùng và Trần Kim Liên