Y học

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ: Y học cổ truyền vừa là duyên vừa là sự lựa chọn

An Quý 01/02/2024 - 13:20

Với BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 3, thảo dược được sử dụng với vai trò “Thức ăn là thuốc - thuốc là thức ăn” hay “Tủ thuốc xanh”.

Phóng viên tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh đã có cuộc trò chuyện với BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ xung quanh chuyên ngành y học cổ truyền đã trở thành niềm đam mê, lẽ sống của ông.

Người bệnh phải hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc, mới thấy hiệu quả điều trị của y học cổ truyền

Khi còn nhỏ, ông có nghĩ mình sẽ trở thành một bác sĩ không, đặc biệt là bác sĩ trong lĩnh vực y học cổ truyền?

Đối với tôi, y học cổ truyền (YHCT) là một cái duyên mà cũng là một sự lựa chọn. Từ nhỏ tôi cũng hay thắc mắc, ví như, tại sao thịt vịt lại ăn chung với mắm gừng mà không phải một loại khác, ba mẹ mới giải thích là do con vịt thường hay ở dưới nước, mà ở dưới nước nhiều dễ bị nhiễm hàn nên ăn chung với gừng mà gừng có tính ấm, vừa tiện có thể trung hòa tính hàn của thịt vịt, lại rất ngon.

bs-vu.jpg
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ đã theo đuổi chuyên ngành y học cổ truyền hơn 40 năm.

Tôi cũng thường trăn trở về câu tục ngữ “đói ăn rau, đau uống thuốc”, vậy nếu đói mình không ăn rau mà ăn thứ khác, hoặc đau không uống thuốc mà dùng phương pháp khác có được không?

Một lý do nữa là ba tôi có một đồng hương là người theo YHCT, tôi thường nghe ba tôi kể về ông với lòng ngưỡng mộ và tôi xem ông như thần tượng của mình để học tập noi gương ông.

Lâu dần, tôi sinh ra niềm yêu thích đối với YHCT và muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về lĩnh vực này.

Trong những năm làm nghề, câu chuyện bệnh nhân nào làm ông nhiều ấn tượng? Vì sao?

Đó là một bệnh nhân nam, khoảng 50 tuổi, bị teo cơ, yếu tứ chi do thoái triển cơ của hội chứng Cushing, các khớp bàn ngón tay, cổ tay cổ chân, khớp gối của bệnh nhân đang trong tình trạng sưng nóng đỏ và đã biến dạng nặng, thậm chí giữa 2 khớp không còn sụn nữa mà là khoảng trống.

Trước đó, bệnh nhân này đã lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm từ rất lâu rồi, hễ bị đau là cứ ra hiệu thuốc mua thuốc uống, hoặc ai chỉ ở đâu hay là đến mua thuốc chứ không hề biết thuốc mình uống là thuốc gì và có những biến chứng gì nếu lạm dụng chúng.

ong-la-mot-nguoi-theo-duoi-yhct-duoc-40-nam.jpg
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ mong muốn giúp mọi người có thể tiếp cận với nền Y học cổ truyền theo quan niệm mới là chẩn đoán bằng Y học cổ truyền (vọng, văn vấn, thiết) và Y học hiện đại (nhìn, sờ, gõ, nghe và cận lâm sàng).

Đến nay, bệnh đã quá nặng và bệnh nhân lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc giảm đau kháng viêm, đến cơ sở khám chữa bệnh nào mà không cho thuốc hoặc cho không đủ “phê” là bệnh nhân đổi chỗ khác trị, mặc kệ lời khuyên của bác sĩ. Giống như bệnh nhân bị nghiện, nghiện thuốc kháng viêm giảm đau, để lại hậu quả cực kì nặng nề.

Một câu chuyện khác về một bệnh nhân nữ, khoảng trung niên, đến khám và điều trị đau cổ vai gáy. Sau khi điều trị ở bệnh viện (châm cứu, xoa bóp…). Hôm sau bệnh nhân đến bệnh viện tiếp tục điều trị và than với bác sĩ là hôm nay tôi đau nhiều hơn nữa. Bác sĩ hỏi, mới biết là lúc về nhà bệnh nhân nhờ thêm chồng, con, cháu xoa bóp cổ vai gáy thêm nữa cho bệnh nhân. Qua đó cho thấy phải kiểm soát được hành vi của bệnh nhân ở nhà, mới thấy tin hiệu quả điều trị của YHCT.

Bệnh nhân nam, lớn tuổi, đến phòng khám điều trị phục hồi sau đột quỵ. Do lớn tuổi nên bệnh nhân hơi khó tính, có lúc hợp tác trong tập luyện, có lúc không hợp tác, bệnh nhân muốn làm gì thì làm, ít nghe lời bác sĩ, phải khéo léo thuyết phục tập luyện theo chuyên môn.

Sau 1 tháng tập luyện hồi phục, bệnh nhân cám ơn và hỏi bác sĩ là: “Bác sĩ, bộ tui khó tính lắm phải không?” Bác sĩ trả lời là: “Không, ông không phải khó tính, mà ông rất cá tính!!!”. Bệnh nhân nghe xong rất thích thú và chăm lo sức khỏe mình nhiều hơn theo lời bác sĩ.

Các bài thuốc dân gian cũng cần kiểm chứng chuyên môn bởi những nhà y học

Hiện nay, rất nhiều các phương pháp dân gian truyền miệng chữa nhiều loại bệnh như ung thư, đái tháo đường… Ông từng tiếp nhận bệnh nhân nào nhập viện vì những quan niệm hay sử dụng các phương pháp thuốc nam không có nguồn gốc, xuất xứ?

Hiện nay, một số bệnh nhân rất hay dùng các phương pháp dân gian truyền miệng chữa nhiều loại bệnh (ung thư, đái tháo đường…) như là dùng lá cây hay thuốc gia truyền, bí truyền, thuốc thành phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ mà không hỏi ý kiến bác sĩ hoặc tự ý kết hợp thuốc nam và thuốc tây cùng lúc hoặc tự ý bỏ thuốc tây đang điều trị mà chỉ dùng thuốc nam,… có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn, nặng hơn, phải tới bệnh viện cấp cứu.

Bệnh viện chúng tôi cũng từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường nhập viện vì đường huyết tăng cao quá mức. Bệnh nhân có tâm lý mong muốn chữa trị bệnh dứt điểm, không cần uống thuốc tây y nhiều tác dụng phụ... nên đã tin và mua dùng các thuốc theo quảng cáo, lời đồn. Sau thời gian tự ý sử dụng thuốc lá cây hoặc thuốc đông y điều trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc, bỏ thuốc bác sĩ, đường huyết tăng không kiểm soát được, gây nhiều biến chứng phải nhập viện cấp cứu.

Bài thuốc dân gian đã truyền nhiều đời là đúc kết của người xưa đến nay, tuy nhiên vẫn cần kiểm chứng chuyên môn bởi những nhà y học. Người dân không nên tự ý dùng thuốc, nghe theo những lời quảng cáo quá sự thật, bỏ thuốc đang điều trị đột ngột sẽ ảnh hưởng sức khỏe tâm thể.

Tính đến hiện tại, BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ đã xuất bản 3 quyển sách, bao gồm:

Sách Xoa bóp Bấm huyệt (năm 2020) giới thiệu về lịch sử môn xoa bóp, giải phẫu, sinh lý, cơ sở lý luận của xoa bóp theo Y học hiện đại, cơ sở lý luận của xoa bóp theo Y học cổ truyền, giới thiệu các thủ thuật xoa bóp - bấm huyệt cơ bản, xoa bóp 7 vùng cơ thể cơ bản và các phương pháp hỗ trợ khác (giác hơi, xông hơi,…). Qua đó giúp người XBBH và được người XBBH đạt mục tiêu cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

yoga-khi-cong.jpg
Ông đã viết Sách Yoga Khí công (2022) giới thiệu về lịch sử phương pháp Yoga Khí công, các vấn đề về thư giãn, luyện thở, luyện thể chất, luyện tinh thần… để nâng cao sức khỏe Tâm Thể.

Sách Yoga Khí công (2022) giới thiệu về lịch sử phương pháp Yoga Khí công, các vấn đề về thư giãn, luyện thở, luyện thể chất, luyện tinh thần… để nâng cao sức khỏe Tâm Thể, giúp bạn đọc phần nào hiểu được sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình, từ đó có sự chủ động trong chăm sóc sức khoẻ bản thân.

Sách Y học Cổ truyền Cơ sở (2023) giới thiệu về cơ sở y học cổ truyền là âm dương - ngũ hành và Y học hiện đại là cơ sở về hình thái học và thiết kế theo công thức 8 - 6 - 4 - 3 - 3 - 2. Bao gồm 80 cây thuốc, 60 huyệt, 40 động tác dưỡng sinh, 30 thủ thuật xoa bóp bấm huyệt, 30 bài thuốc cổ phương, 30 bài thuốc tân phương, 20 bệnh chứng thường gặp; áp dụng, thực hiện và triết lý khi đi theo con đường YHCT.

Người viết mong muốn giúp mọi người có thể tiếp cận với nền Y học cổ truyền theo quan niệm mới là chẩn đoán bằng Y học cổ truyền (vọng, văn vấn, thiết) và Y học hiện đại (nhìn, sờ, gõ, nghe và cận lâm sàng). Theo đó, khi có chẩn đoán, điều trị bằng Y học cổ truyền nhưng kiểm chứng bằng Y học hiện đại, so sánh trước và sau tư vấn, điều trị tạo cách nhìn mới về sự kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại.

Vào những ngày đầu năm mới, ông có lời khuyên gì đối với người dân?

Sức khỏe là của mỗi người và chính mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm với sức khoẻ của chính mình. Tốt nhất, khi có bệnh, nên đến gặp bác sĩ, người có chuyên môn thăm khám, tư vấn và có điều trị thích hợp (có thể kết hợp Đông Tây y để tăng hiệu quả điều trị), không nên tự ý mua thuốc uống, tự ý điều trị theo lời đồn, mạng xã hội… để tránh những hậu quả nặng nề như một số trường hợp bệnh nhân tôi vừa kể ở trên và cũng không nên xem Đông y là cứu cánh cuối cùng (khi bị Tây y từ chối điều trị mới tìm đến Đông y).

Người bệnh nên tư vấn nhiều chuyên gia để có cái nhìn toàn diện về sức khỏe của mình góp phần cải thiện, chăm sóc, điều trị để cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ - Hơn cả một người “Thầy”

Với một cô gái quê Vĩnh Long lên TP.HCM học Bác sĩ nội trú Y học cổ truyền (YHCT), tôi có một người thầy đặc biệt, không chỉ truyền đạt kiến thức cho tôi, dạy tôi cách sống, cách làm người, mà còn tận tình chỉ dạy, làm tôi thêm tự tin vững bước trên con đường YHCT, đó chính là BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ.

Tôi may mắn gặp được thầy khi học môn Dưỡng sinh
- Xoa bóp. Trong buổi giới thiệu đầu tiên khi thầy trò gặp nhau, tôi được biết thầy cũng quê ở Vĩnh Long.
Thầy tôi là một người thầy thuốc YHCT. Ông đã gắn bó với nghề y hơn 40 năm, là người có kiến thức sâu rộng về y học, đặc biệt là YHCT. Cả cuộc đời thầy chỉ có mục tiêu cống hiến hết mình cho sự phát triển Y học cổ truyền, đặc biệt là phương pháp xoa bóp - bấm huyệt.

Thầy tôi luôn dạy tôi rằng, thầy thuốc không chỉ ngồi khám bệnh hay dạy học, còn phải thâm nhập vào đời sống, sinh hoạt của dân bản địa để hiểu rõ hơn cuộc sống, bệnh tật… để có phương pháp chia sẻ, tác động, cải thiện, phải am hiểu về hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân, hiểu người mà mình tiếp xúc để có thể phương pháp cải thiện tốt nhất về tâm thể cho người bệnh.

ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Mộng Kha - Bệnh
viện Hoàn Mỹ Cửu Long - Cần Thơ

Thức ăn là thuốc - Thuốc là thức ăn

Vai trò của y học cổ truyền và thảo dược trong xã hội hiện đại?

Tác dụng của thảo dược và YHCT không chỉ gói gọn trong lĩnh vực điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe, mà nó còn đi vào trong đời sống hằng ngày của người dân:

Trong điều trị bệnh, việc sử dụng thảo dược trên thực tế không đơn giản, phải tùy giai đoạn bệnh, tùy triệu chứng, qua thăm khám, thầy thuốc sẽ có hướng dẫn cụ thể trên từng người bệnh và sẽ gia giảm về thuốc và liều lượng phù hợp mới an toàn và có hiệu quả.

Trong đời sống hằng ngày của người dân, thảo dược được sử dụng với vai trò “thức ăn là thuốc - thuốc là thức ăn” hay “tủ thuốc xanh”. Thức uống có nước sâm, chè dưỡng nhan, trà thảo mộc, các loại nước thanh nhiệt… Món ăn như gà ác hầm thuốc bắc, cháo đậu xanh bồ câu…

bsckii-huynh-tan-vu-tai-tuong-dai-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-1724-1791-o-nghe-an.jpg
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ tại tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) ở Nghệ An.

Tuy nhiên, không nên xem thảo dược như một giải pháp thay thế cho một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng cũng như lối sống lành mạnh. Để tăng cường sức khỏe, nên có một chế độ ăn uống đa dạng nhóm thực phẩm và cân bằng, kết hợp với vận động hợp lý.

Ngoài ra, thảo dược còn có các loại tinh dầu dược liệu giúp an thần thư giãn… Thảo dược dùng để gội đầu, xông hơi, ngâm, tắm, chườm thảo dược, làm túi thơm, …; và các sản phẩm chăm sóc da, mặt nạ làm đẹp từ thảo dược… Thảo dược có thể mang lại những lợi ích về mặt sức khỏe, tuy nhiên, tùy nhu cầu, tình trạng sức khỏe mà dùng cho tốt và cần có thầy thuốc tư vấn để dùng cho đúng.

Trong hành nghề bác sĩ y học cổ truyền, ông có những tâm đắc nào?

Theo YHCT, quan niệm người khỏe là “cân bằng âm dương”, cụ thể “khí huyết lưu thông (Thể), tinh thần thoải mái (Tâm) đó là sức khỏe”. khi điều trị chú ý cân bằng âm dương, cân bằng tâm thể. Hãy giao sức khỏe của mình cho thầy thuốc, người có chuyên môn!

Khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ phải kiểm soát được hành vi của bệnh nhân khi ở nhà mới thấy hiệu quả và yêu thích y học cổ truyền. Và khi có chỉ định làm thêm ở nhà, bác sĩ chú ý số động tác, số lần tập, thời gian, liều lượng phải có chỉ định cụ thể tránh tập tự phát, tập thêm các phương pháp ảnh hưởng sức khỏe và kết quả điều trị.

Đau không uống thuốc, phải làm sao?

Trong những lĩnh vực của y học cổ truyền, bác sĩ tâm đắc lĩnh vực nào?

Cả cuộc đời tôi chỉ có mục tiêu cống hiến hết mình cho sự phát triển Y học cổ truyền, đặc biệt là phương pháp xoa bóp - bấm huyệt.

Vì trăn trở về câu “Đau uống thuốc”, vậy nếu “đau không uống thuốc “mà dùng phương pháp khác có cải thiện đau hay giải quyết hết đau được không? Và khi học tập chuyên môn, tôi được gặp thần tượng của mình là GS Bùi Chí Hiếu - người đồng hương, người ông đã tận tình chỉ dạy và chỉ cho tôi hướng đi trong YHCT làm cho tôi thêm tự tin vững bước trên con đường YHCT và đặc biệt phương pháp không dùng thuốc.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành Y học cổ truyền năm 2005. Hiện, Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ đang là giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cơ sở 3.

Cả đời ông đam mê Y học cổ truyền, với phương châm “Vui tuổi trẻ, khỏe tuổi già”.

Thế mạnh của ông trong điều trị: Điều trị các bệnh lý đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể bằng các phương pháp không dùng thuốc, đặc biệt là xoa bóp bấm huyệt.

Sau khi học và làm việc, sống với đam mê Y học cổ truyền, tôi nhận thấy phương pháp xoa bóp bấm huyệt là phương pháp có thể giải tỏa được điều trăn trở của tôi bấy lâu nay. Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị không dùng thuốc đơn giản, hiệu quả, tiện lợi, có thể dùng trong bất kể hoàn cảnh nào mà không bị lệ thuộc vào các phương tiện khác (chỉ cần dùng đôi bàn tay là chính), lại có phạm vi chữa bệnh rộng, có giá trị phòng bệnh lớn, tạo cảm giác dễ chịu và dễ chấp nhận đối với bệnh nhân, cũng như ít xảy ra tai biến khi thực hiện.

Để làm một bác sĩ y học cổ truyền tốt, bản thân ông quan niệm ra sao?

Y học cổ truyền là nghề đặc thù hơn so với các ngành nghề khác nhất là trong hệ thống ngành Y. Người muốn tiếp bước trên con đường YHCT phải thực hiện phương châm: “Vững y đạo, sáng y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật mới bền về y nghiệp”.

bs-vu-tu-van-cho-nguoi-benh.jpg
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cơ sở 3, đang khám và tư vấn cho người bệnh.

Thầy thuốc cần có trái tim nhân ái, giàu tình cảm và tâm huyết với nghề. Theo Hải Thượng Lãn Ông, Thầy thuốc là nghề cao thượng, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch... Ông từng nhấn mạnh rằng: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công”. Chia sẻ cho mọi người phương pháp phòng chữa bệnh và hạn chế lão hóa giúp cho mọi người có cuộc sống tâm thể viên mãn, hạnh phúc.

Không chỉ chữa bệnh, thầy thuốc còn phải là thầy giáo chia sẻ, hướng dẫn cho mọi người sống hài hòa âm dương cân bằng trong cuộc sống, còn biết nhìn người và sử dụng hiệu quả mọi thứ xung quanh ta.

Thầy thuốc còn là thầy đời trong các hoạt động đời sống, cộng đồng chớ không phải ngồi 4 bức tường để khám bệnh, dạy dỗ người khác. Phải thâm nhập vào đời sống, sinh hoạt của dân bản địa để hiểu rõ hơn cuộc sống, bệnh tật… để có phương pháp chia sẻ, tác động, cải thiện để mọi người sống cho khoa học, từng bước cải thiện sức khỏe. Phải am hiểu hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân, am hiểu những người mà mình tiếp xúc, đối ẩm.

YHCT vừa là niềm yêu thích, đam mê vừa là một nghề nuôi sống bản thân, gia đình, trân trọng và phát triển YHCT theo khả năng của mình là mục tiêu là lẽ sống cuộc đời tôi.

Xin cảm ơn BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ

Với khoảng thời gian em có cơ hội được tiếp xúc, quan sát cũng như học hỏi từ BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, em nhận ra thầy luôn làm gương cho chúng em noi theo thông qua cách hành xử, phát ngôn và hành động của thầy. Thầy luôn quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tư của mỗi chúng em nhằm tháo gỡ khúc mắc, đưa ra giải pháp cũng như hỗ trợ tối đa không quản khó nhọc.

Nhờ thầy, em được tiếp thêm động lực cho niềm đam mê của mình và đặc biệt thầy còn giúp em cảm thấy bản thân đã đúng khi chọn đi theo
con đường trở thành một bác sĩ YHCT.

Đầu năm mới, em xin được gửi tới thầy lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất, mong thầy có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục dìu dắt những
thế hệ sau cũng như tiếp tục vững bước trên con đường chữa bệnh cứu người.

Nguyễn Trường Nghĩa - Sinh viên năm thứ 5 khoa YHCT, Đại học
Y Dược TP.HCM

An Quý