Đưa lớp học số đến các trường ở vùng sâu, vùng xa
Lớp học số không chỉ giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên tại TP.HCM, mà còn đưa công nghệ đến với học sinh, giáo viên các trường vùng sâu, vùng xa.
Ngày 25/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GD&DT) đã tổ chức lễ bàn giao 2 lớp học số cho Trường Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ).
Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn; Thiếu tướng Mai Hoàng - Phó Giám đốc Công an TP.HCM; Đại tá Nguyễn Văn Tiến - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM; Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu…
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết mô hình lớp học số đã được TP.HCM triển khai sau dịch Covid-19. Đây vừa là thách thức vừa là thời cơ giúp thầy cô, học sinh thay đổi mạnh mẽ tư duy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học.
"Lớp học số không chỉ giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên tại TP.HCM mà còn là đưa công nghệ về các trường vùng sâu, vùng xa, thay đổi quan điểm của giáo viên ứng dụng công nghệ trong dạy và học, chia sẻ đội ngũ giáo viên giỏi đến những trường còn nhiều khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học", bà Thuý cho biết.
Theo Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, lớp học số sẽ tiếp tục được TP.HCM đẩy mạnh triển khai ở tất cả các quận, huyện, cùng việc xây dựng trường học thông minh, nhân rộng ra thêm ở các môn như âm nhạc, mỹ thuật bên cạnh các môn tin học, tiếng Anh ở các trường còn thiếu giáo viên.
Tận dụng đội ngũ giáo viên giỏi ở các môn học này chia sẻ giảng dạy cho các trường tiểu học ở khu vực vùng xa. Đảm bảo 100% các học sinh lớp 3 và lớp 4 của trường được học môn tiếng Anh, tin học và các khối lớp được học mỹ thuật, âm nhạc theo quy định.
“Các trường tiểu học sẽ thực hiện rà soát, nếu trường còn thiếu giáo viên thì sẽ áp dụng lớp học số, trước hết là tự chia sẻ, thực hiện trong trường mình lớp học này sẽ chia sẻ giảng dạy trực tuyến cho lớp học khác. Nếu không đủ thì phòng giáo dục sẽ triển khai liên trường” - bà Thúy chia sẻ thêm.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá đây là nội dung thiết thực, gắn sát nhất với chủ đề năm 2024 của thành phố là thực hiện hiệu quả chuyển đổ số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Kết quả bước đầu này sẽ giúp kéo giảm khoảng cách giữa trẻ em xã đảo Thạnh An và trẻ em thành phố, bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em.
“Mong rằng Sở GD&ĐT, huyện Cần Giờ sẽ có thêm nhiều hình thức để hỗ trợ học sinh cả về vật chất, tinh thần, điều kiện học tập để các em trở thành những người công dân tốt của thành phố, thực hiện chủ trương của Đảng không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Tại lễ bàn giao lớp học số cho Trường Tiểu học Thạnh An, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, nhà tài trợ đã có những phần quà, học bổng dành cho 3 trường trên địa bàn xã đảo nhân dịp Tết đến, xuân về: Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS-THPT Thạnh An. Đồng thời, gửi lời chúc cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường đón một mùa xuân nhiều ấm áp bên gia đình.
Trong năm học 2022-2023, mô hình lớp học số lần đầu được TP.HCM triển khai thí điểm tại 2 trường là Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) và Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), cho 2 môn học tiếng Anh và Tin học. Tổng số tiết học được triển khai với lớp học số ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng là 62 tiết ở mỗi môn và 42 tiết tiếng Anh khối 4, 5 ở Trường Tiểu học Thạnh An.