Dòng chảy

TP.HCM xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai

HỒNG DUNG 24/01/2024 23:44

Chiều 24/1, UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới – World Bank tại Việt Nam (WB) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

img_6257.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố là hơn 60 triệu tấn CO2.

Trong đó, có 3 nguồn thải chính, là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang bị đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

TP.HCM đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: “Thông qua hội nghị, UBND Thành phố mong được lắng nghe, ghi nhận và đánh giá cao các chia sẻ thiết thực và hữu ích với tinh thần xây dựng của quý đại biểu và các chuyên gia tham dự. Đây là những bài học, kinh nghiệm, là cơ sở để Thành phố hoàn thiện hơn nữa việc triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ mà đồng chí Thủ tướng đã chỉ đạo. Từ đó, Chính quyền Thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng đồng lòng hành động khẩn trương hơn nữa, tăng cường phát huy sức mạnh hợp tác công tư để giúp Thành phố phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển xanh, bền vững”.

img_6280.jpg
Bà Carolyn Turk cho rằng "Thành phố cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh".

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng việc giảm 10% phát thải CO2 là một thách thức lớn, muốn thực hiện được phải có giải pháp thích hợp.

Bà Carolyn Turk cho rằng, thành phố cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Ở nhiều nước, việc sử dụng công cụ thuế để các doanh nghiệp phát triển xanh đã được áp dụng, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện, vì giới hạn ngân sách, và nhất là với các nước đang phát triển.

Ngân hàng thế giới mong đồng hành với TP.HCM thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải và cam kết hỗ trợ TP.HCM tiếp cận nguồn tài chính, thu hút nguồn lực nước ngoài để giảm phát thải carbon.

“Thị trường tín chỉ carbon là một nguồn lực tốt và hy vọng TP.HCM có thể bán được tín chỉ trên thị trường carbon tự nguyện. Những sáng kiến khá dễ thực hiện nhưng chi phí lớn, một mình tự làm tự bán thì chi phí giao dịch cao. Do vậy, WB muốn giúp TP.HCM tổng hợp lại các tín chỉ carbon, tạo khối lượng đủ lớn đem giao dịch quốc tế, để giảm chi phí”, bà Carolyn Turk nói.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động phát triển tăng trưởng xanh và bền vững tại TP.HCM của Nhóm công tác chung TP.HCM – Ngân hàng Thế giới (Nhóm HWG).

Hội nghị đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp từ trong và ngoài nước cùng với các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia.

HỒNG DUNG