Nghị quyết 98 mở đường băng cho tiến trình Xanh hóa nền kinh tế TP.HCM
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, chính Nghị quyết 98 đã mở đường băng cho tiến trình Xanh hóa nền kinh tế TP.HCM.
Trong vài năm gần đây, TP.HCM đã chủ động thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm đối mặt với thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và đô thị hóa. Riêng trong năm 2023, cùng với nhiều nỗ lực từ phía chính quyền thành phố, Nghị quyết 98 của Quốc hội chính là được xem là đòn bẩy quan trọng giúp TP.HCM thúc đẩy nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong dịp đón năm mới với nhiều kỳ vọng mới này, phóng viên Tạp chí Khoa học Phổ thông chúng tôi sẽ có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Hồng Quân để tìm hiểu về những thách thức và cơ hội của kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM.
TP.HCM được xem là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2021-2030 nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xin PGS. TS Nguyễn Hồng Quân có thể chia sẻ về một số hoạt động nổi bật của thành phố trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua?
PGS. TS Nguyễn Hồng Quân: Động thái quan trọng nhất chính là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền TP.HCM trong định hướng Xanh hóa nền kinh tế, trong thúc đẩy xây dựng kinh tế tuần hoàn. Lãnh đạo thành phố luôn xác định rõ TP.HCM là một thành phố lớn, năng động và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải. Kinh tế tuần hoàn là một giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức này và hướng tới phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho cả kinh tế, môi trường và xã hội.
Thành phố luôn bám sát và chủ động thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 22/12/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Về phía thành phố, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 đã nêu rõ nhiệm vụ thành phố cần tập trung là vào các chiến lược kinh tế trọng điểm. Một sáng kiến nổi bật là kế hoạch phát triển nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn. Sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao tăng trưởng bền vững, chất lượng và bối cảnh kinh tế tổng thể của thành phố, phù hợp với các nghị quyết của Đại hội Đảng. Giữa năm 2023, Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã được phê duyệt.
Các giải pháp tích cực, chủ động của thành phố đã tạo lập được môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố tham gia vào tiến trình xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, những năm qua, đặc biệt là năm 2023, sức nóng của kinh tế tuần hoàn tại thành phố không dừng lại ở một số lĩnh vực, ngành nghề cốt yếu nữa mà tỏa ra tất cả các ngành và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội theo chiều rộng và chiều sâu. Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực sang việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí tài nguyên. Các doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dựa trên các đặc điểm ngành đã thiết kế các quy định tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc các hoạt động sản xuất bước đầu tiếp cận mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Công tác tuyên truyền, cổ vũ các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế Xanh cũng sôi nổi hơn và nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2023, thành phố đã tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM” lần thứ nhất cho 90 doanh nghiệp xanh của thành phố.
Thưa ông, với những hành động quyết liệt, quyết tâm trên trong năm 2023 vừa qua, TP.HCM gặt hái được những kết quả như thế nào cho giai đoạn chạy đà trên đường đua kinh tế tuần hoàn, kinh tế Xanh?
Những kết quả đạt được trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM. Riêng trong năm 2023, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không" là một hoạt động tiêu biểu. Diễn đàn mang đến nhiều giá trị cho thành phố trong trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển bền vững, đại diện lãnh đạo địa phương một số quốc gia giàu kinh nghiệm, đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn.
Kết quả khả quan nữa tạo động lực quan trọng cho thành phố trong xây dựng kinh tế tuần hoàn là, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tài trợ 300 triệu USD cho dự án "Tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và cải thiện cơ sở hạ tầng bền vững tại TP.HCM". Dự án này nhằm hỗ trợ thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do ngập lụt, cải thiện chất lượng môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp thành phố giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Trong năm qua, kinh tế tuần hoàn cũng đã xuất hiện nhiều hơn, đa dạng mô hình hơn ở các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và giao thông. Đơn cử như ở lĩnh vực công nghiệp, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM đã và đang từng bước chuyển đổi từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, ưu tiên kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Bởi bản thân từng doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và mở đường cho hàng hóa vào các thị trường lớn như EU. Hiện nay, các tiêu chuẩn xanh của EU đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần phải bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và kinh doanh của họ.
Thành phố đã và đang xây dựng những chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Lĩnh vực giao thông xanh cũng là có khá nhiều đơn vị vận tải hành khách và hàng hóa tham gia từ xe buýt điện, đến xe taxi điện và xe máy điện. Ngoài ra, các chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài trong nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi Xanh.
Có thể nói, việc chuyển đổi đã có những kết quả nhất định, vấn đề đang đặt ra cho TP.HCM là rất lớn và hành trình xây dựng kinh tế tuần hoàn là hành trình dài. Kinh tế tuần hoàn hiệu quả, bền vững cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ. Trong đó, doanh nghiệp chính là điểm mấu chốt của tiến trình.
Trong năm 2023, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, được thông qua. Theo ông, TP.HCM có thể tận dụng Nghị quyết 98 để phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như thế nào?
Có, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã đề ra những đường hướng cụ thể cho TP.HCM phát triển kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, Nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách sau:
Cơ chế, chính sách về kết nối thị trường, cung cầu: Thành phố được chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm kết nối thị trường, cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Cơ chế, chính sách về tăng giá trị hàm lượng khoa học công nghệ: Thành phố được ưu tiên bố trí nguồn lực để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ tái chế, tái sử dụng trong sản xuất, kinh doanh.
Cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, dịch vụ xanh, du lịch bền vững: Thành phố được ưu tiên thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, dịch vụ xanh, du lịch bền vững.
Những cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM phát triển kinh tế tuần hoàn theo các hướng sau:
Thúc đẩy chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh: Các cơ chế, chính sách về kết nối thị trường, cung cầu, tăng giá trị hàm lượng khoa học công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu, sản phẩm đầu vào thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, dịch vụ xanh, du lịch bền vững: Các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ phát triển sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia phát triển các ngành này.
Điều quan trọng nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết 98 là TP.HCM cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Đồng thời, cần có sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp, người dân để tạo ra sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Cụ thể trong năm 2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn sẽ tập trung vào những mục tiêu và hoạt động nào để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM?
Năm 2024 là năm đầu tiên Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực. Nghị quyết này đã dành nhiều nội dung quan trọng cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố.
Trước yêu cầu đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM mong muốn được phối hợp với các Sở ngành Thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM hoàn thiện khung báo cáo tư vấn khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, TP.HCM tập trung 4 trụ cột: nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch - tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh); nhóm ngành/ lĩnh vực ưu tiên (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh - đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, Cần Giờ xanh). Đặc biện Khung chiến lược sẽ xác định lấy người dân và doanh nghiệp thành phố làm trung tâm của chuyển đổi.
Thứ hai, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM xây dựng bộ tiêu chí xanh cho các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Bộ tiêu chí này sẽ là cơ sở để các ngành, lĩnh vực phấn đấu, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ tiêu chí sẽ bao gồm các tiêu chí về sử dụng năng lượng, nước, nguyên liệu, chất thải... để đánh giá mức độ xanh của các ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, nghiên cứu chuyển giao các mô hình giải pháp kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Việc chuyển giao các mô hình giải pháp kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sẽ giúp các đơn vị này tiếp cận được với các công nghệ, giải pháp tiên tiến, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM. Để thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan, các trường đại học để triển khai các mô hình giải pháp kinh tế tuần hoàn cụ thể. Trong đó, mô hình phòng thí nghiệp tuần hoàn sống (circular living lab) sẽ được nghiên cứu xây dựng và triển khai tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giúp cho các đối tác những cơ sở khoa học và thực tiễn trong triển khai mô hình Kinh tế tuần hoàn.
Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Quân.