Dòng chảy

TP.HCM kết nối cung cầu, bổ sung nguồn hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024

HOÀNG NGUYỄN 26/12/2023 - 20:47

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023 đem đến TP hàng nghìn đặc sản vùng miền và trình diễn 19 không gian văn hóa làng nghề đặc sắc của cả nước.

Ngày 21/12, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức khai mạc “Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2023” tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ (Quận 11).

Sự kiện có 45 tỉnh, thành tham gia với nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm của địa phương, từ ngày 21-24/12/2023. Chuỗi sự kiện Hội nghị Kết nối cung cầu năm nay tiếp tục nội dung quan trọng nhất là không gian kết nối B2B, trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối, 5 sàn thương mại điện tử và hơn 1.000 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp thị hiếu

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, chương trình Kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng nhằm cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo TP. Đây là hoạt động kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng TP, nhất là các dịp Lễ, Tết.

nguyen-van-dung-pho-chu-tich-ubnd-tp.hcm-.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thông qua sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đến nay người tiêu dùng TP đã được tiếp cận, có cơ hội trải nghiệm hàng nghìn đặc sản của cả nước. Nhiều hệ thống phân phối lớn tổ chức khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như Coopmart, BigC, Top Market, Satra, MM Mega Market…; nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận như Yến Đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi Bến Tre, hạt điều Bình Phước, mật hoa dừa Trà Vinh, bánh cốm Bình Định, miến dong Bắc Kạn…

Đồng thời, chương trình đã kết nối các hệ thống phân phối đồng hành, cùng hỗ trợ nhà cung cấp hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu… với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp thị hiếu. Song song đó, trước sự phát triển mạnh của Thương mại điện tử (TMĐT), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh phương thức bán hàng tiên tiến, Hội nghị năm nay tiếp tục tổ chức 3 hội thảo chuyên sâu về TMĐT do Amazon, Alibaba, Tiki nhằm trao đổi, chia sẻ về TMĐT xuyên biên giới, giải pháp tăng doanh số, logistics toàn trình trong TMĐT, giải pháp tìm hiểu nhu cầu khách hàng bằng dữ liệu lớn,…

chi-hoang-lan-thao-2.jpg
Chị Hoàng Lan Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lan Thảo giới thiệu đến khách các sản phẩm yến sào đóng hũ với hàm lượng 35% tại một gian hàng TP.HCM.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đồng thời là giải pháp hữu hiệu bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp cao điểm như tết Nguyên Đán.

“Do đó, Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành lần thứ 12 cùng chuỗi các sự kiện có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là động lực đẩy mạnh mẽ cho các tỉnh, TP trên địa bàn cả nước; là giải pháp hữu hiệu để cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên Đán”, bà Phan Thị Thắng khẳng định.

Cần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam

Bà Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của TP.HCM trong việc liên kết với các tỉnh, TP trong cả nước tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hoá và tăng trưởng bán lẻ hàng hóa.

“Qua 11 năm triển khai thực hiện, xét về quy mô, hiệu quả của Hội nghị Kết nối cung – cầu ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày một nhiều. Từ chỗ chỉ là Hội nghị kết nối hàng hoá đơn thuần, đến nay, Hội nghị đã được xây dựng một cách quy mô và phong phú, đa dạng với sự tham gia của khoảng 45 tỉnh, TP. Hội nghị đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến; góp phần cung cấp nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, phục vụ thị trường TP dịp Tết Giáp Thìn 2024”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

tham-quan-gian-hang.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng tham quan các gian hàng.
ong-bui-ta-hoang-vu-giam-doc-so-cong-thuong-tphcm.jpg
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM (thứ ba, từ trái qua) tham quan một gian hàng TP.HCM với các sản phẩm cà phê siêu âm và mật ong lượng tử tại sự kiện.

Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, bà Phan Thị Thắng đề nghị Lãnh đạo UBND TP, Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, kết hợp giữa phương thức phân phối trực tiếp và trực tuyến; tập trung nguồn lực để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; kết hợp chặt chẽ với chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới,…

HOÀNG NGUYỄN