Y học

22 năm phát triển cùng chủ trương xã hội hóa ngành y tế

Công Chương (thực hiện) 25/12/2023 - 08:11

Hơn 22 năm hình thành và phát triển cùng chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế của Đảng, Nhà nước, Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO (6/12/2001-6/12/2023) đã từng bước khẳng định là một thương hiệu mạnh trong hệ thống các bệnh viện tư nhân về điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp.

dong-1.jpg
Ông Phạm Thế Đồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO.

Xung quanh câu chuyện khởi nghiệp này, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thế Đồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO.

Từ chuyện cứu người nên cảm thấy yêu ngành y tế

Thưa ông, cơ duyên nào mà cách đây 22 năm, Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO ra đời?

- Ông Phạm Thế Đồng: Ông nội tôi có 10 người con, trong đó có 5 người theo ngành y tế, còn lại 5 người theo các ngành khoa học kỹ thuật cơ bản như giáo viên, kỹ sư. Bố tôi là tiến sĩ hóa học và ông muốn con theo ngành y. Nhưng lúc đầu, tôi lại không thích bởi tôi sợ máu. Vì thế, tôi học Bách Khoa. Tuy nhiên, sau khi ra trường đi làm nhiều năm, đến năm 2000-2001, có 2 trường hợp khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ.

Trường hợp thứ nhất, tôi có người bạn đi làm cùng cơ quan và có vợ là nhân viên của tôi. Anh ấy đi mổ sạn thận. Sau khi mổ, bệnh viện truyền máu nhưng thay vì truyền O Rh- thì lại truyền O Rh+ cho anh ấy khiến anh bị phá hết hệ bạch cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, may mắn, tôi có liên hệ tất cả các bạn hàng trên thế giới để hỗ trợ anh bởi vì máu O Rh- là máu hiếm và tỉ lệ trên thế giới, 2 triệu người thì chỉ có 1 người có máu đó ở phương Tây, còn ở Việt Nam rất hiếm. Khi tìm được máu thì không biết làm thế nào để chuyển về Việt Nam. Rất may, lại có 1 đối tác của tôi ở Hàn Quốc có anh ruột là giám đốc bệnh viện ở Thành phố Seoul, Hàn Quốc. Họ nói, ở bệnh viện có nhóm máu O Rh- nhưng họ không bán máu và phải liên hệ qua Hội chữ Thập đỏ TP.HCM để chuyển về. Chuyến bay Seoul về Việt Nam lúc 3 giờ sáng đã đem về được 3 đơn vị máu để truyền cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân đã bình phục và sống thêm được 10 năm.

Trường hợp thứ hai, cũng vì đi truyền máu mà tôi mới biết tôi thuộc nhóm máu AB. Năm 2001, tôi ra Hà Nội để xin Visa đi Ai Cập công tác. Đang lúc phỏng vấn tại Đại sứ quán Ai Cập thì có một người bạn gọi điện báo cho tôi là chị của người bạn đang mổ tim ở bệnh viện mà không có máu AB để truyền. Tôi liền xin phép vắng 1 tiếng để chạy từ Hồ Tây về Bệnh viện Việt Đức để hiến máu. Sau khi thử cùng nhóm máu, tôi được lấy máu để truyền cho chị, và chị đã sống đến bây giờ 80 tuổi.

Qua 2 trường hợp, tôi thấy trong ngành y tế, nếu mình biết cách thì mình sẽ cứu sống được một con người; cũng giống như mình cấp cứu kịp thời cũng cứu sống được một con người. Từ đó, tôi cảm thấy yêu ngành y tế. Và cũng trong năm 2001, nhà nước ban hành pháp lệnh hành nghề y tế tư nhân, cho phép bệnh viện tư nhân hoạt động. Đồng thời, giai đoạn này cũng có một số bác sĩ về hưu mong muốn mở bệnh viện và họ chỉ có nghề chứ chưa có đủ tiềm lực, vốn và kinh nghiệm quản lý. Họ có ngỏ ý với tôi và một số cán bộ quản lý. Tôi nhận ra nên mở bệnh viện tư nhân và đã cùng một số thành viên thành lập Bệnh viện Sài Gòn ITO vào năm 2001.

dong-3.jpg
Ông Phạm Thế Đồng tri ân các cá nhân đóng góp cho sự phát triển của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO.

Vì sao, ông đặt tên Bệnh viện Sài Gòn ITO?

- Thời điểm đó, chúng tôi không có khái niệm làm thương hiệu, chỉ mong muốn làm một bệnh viện chấn thương chỉnh hình chất lượng, vươn tầm quốc tế. Đồng thời dịp đó, có một số đối tác bên Mỹ sang hỗ trợ điều trị cho trẻ em Việt Nam bị dị tật bàn chân, có một số bác sĩ tham gia đồng hành cùng chúng tôi. Chính vì vậy, mọi người mới nghĩ ra là đặt tên Bệnh viện Quốc tế Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn với mục đích là xây dựng bệnh viện trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, có sự hợp tác quốc tế để làm sao có chất lượng dịch vụ tốt cho trẻ em và các bệnh nhân Việt Nam. Tên tiếng Anh viết tắt của bệnh viện là ITO (International Trauma Orthopedics) nên viết tắt là Bệnh viện Sài Gòn ITO, chỉ đơn giản là như vậy, rất ngẫu nhiên.

“Thời điểm đó, chúng tôi may mắn bởi tâm lý tiêu dùng, người ở miền Nam như TP.HCM, khi bị bệnh, họ thường có tâm lý đến các bệnh viện hay phòng khám tư nhân. Trong khi đó, người miền Trung và miền Bắc thì chỉ tin tưởng vào hệ thống y tế nhà nước. Vì vậy, khi thành lập bệnh viện, chúng tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là làm được những gì tốt nhất để phục vụ người bệnh làm sao đỡ phải chờ đợi lâu, đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân. Khi mở bệnh viện, số ca điều trị thành công ngày càng nhiều và bệnh nhân đến càng đông thì chúng tôi mới mở rộng bệnh viện...”

- ông Phạm Thế Đồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO.

Trong quá trình triển khai chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các bệnh lý về cơ xương khớp, theo ông vì sao?

-Theo số liệu điều tra, ở Việt Nam, có trên 60% người dân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp. Trong cơ thể con người, hơn 70% là cơ xương khớp. Chính vì thế, trong lĩnh vực chuyên khoa, lĩnh vực cơ xương khớp có rất nhiều bệnh lý liên quan. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn được lĩnh vực để có thể phát triển.

Trong lĩnh vực y tế, tôi cũng nhận thấy bệnh viện đa khoa có khả năng thu hồi vốn nhanh nhất. Tuy nhiên, bệnh viện đa khoa muốn làm tốt thì phải tập trung được các bác sĩ giỏi. Mà để tập trung đủ các bác sĩ giỏi trong bệnh viện đa khoa thì rất khó. Các cụ ngày xưa nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, vì vậy, tôi chọn lĩnh vực chuyên môn mà mình giỏi nhất để có thể làm tốt và giúp ích cho nhiều người.

Tôi cũng có tâm linh. Đối với ngành y tế, làm sản thì phải làm kế hoạch hóa nên tôi không làm; tôi cũng không làm chạy thận nhân tạo vì bệnh nhân rồi cũng chết mà người nhà tán gia bại sản, cũng giống như ung thư là bệnh không thể chữa được, nếu có làm thì chỉ giảm nhẹ cho họ chứ cũng không cứu được. Vì vậy, tôi lựa chọn lĩnh vực cơ xương khớp, an toàn và ít rủi ro. Tôi cũng muốn xây dựng bệnh viện đủ tầm cỡ để bạn bè biết đến.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm, việc hợp tác triển khai chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” với Tạp chí Khoa học phổ thông đến từ ý tưởng của nhà báo Bùi Hương (Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí). Trước đây, nhà báo Bùi Hương có chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng làm một chương trình cộng đồng nhằm nâng cao việc trang bị các kiến thức cho người dân trong việc phòng tránh các bệnh lý thường gặp. Khi nghe tôi đồng ý ngay. Trong suốt quá trình triển khai vừa qua, tôi thấy hiệu ứng rất tốt, chương trình mang lại nhiều giá trị thiết thực với cộng đồng. Sài Gòn ITO cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tạp chí trong những năm tiếp theo.

Con người là điều quan trọng nhất

Trong hơn 22 năm hình thành và phát triển Hệ thống Bệnh viên Sài Gòn ITO, nhìn lại ông thấy thế nào?

- Nhìn lại lúc khởi điểm, chúng tôi là những người tiên phong làm bệnh viện tư nhân trong lĩnh vực cơ xương khớp. Khi đó, TP.HCM chỉ có Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình nhưng cũng chưa phải là một trung tâm lớn và cả nước cũng chưa có bệnh viện nào chuyên về cơ xương khớp. Thời điểm đó cũng nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư, đưa bác sĩ đi học chuyên sâu về lĩnh vực này. Điển hình, chúng tôi cử các bác sĩ sang Hàn Quốc học về phẫu thuật đầu gối, khớp vai, liên quan đến cột sống.

Giai đoạn này, các trang thiết bị để chuẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp thì không có nhiều. Tôi ấn tượng nhất là chiếc máy C-Arm là thiết bị tốt nhất mà chúng tôi đã đầu tư. Thời đó, chuẩn đoán các bệnh cơ xương khớp hầu hết dựa vào kinh nghiệm của các bác sĩ vì chưa có máy MRI.

Đến bây giờ, sau 22 năm, các lĩnh vực chuẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp đã tiến một bước dài, đã có hệ thống định vị cho việc làm khớp; in 3D để tái chế khớp, xương; có hệ thống chụp hình, chuẩn đoán hình ảnh để đánh giá mức độ tổn thương của các khớp... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo tôi vẫn là con người. Rô-bốt có thể phẫu thuật nhưng điều khiển vẫn cần đến con người. Vì thế, một trong những lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm nhất trong suốt hơn 22 năm qua là đào tạo cho các bác sĩ làm việc ở bệnh viện, tập trung vào chuyên khoa cơ xương khớp. Đây cũng là lĩnh vực mà chúng tôi cảm thấy thành công nhất cho đến bây giờ.

dong-2.jpg
Ông Phạm Thế Đồng phát biểu tại một sự kiện.

Ông có gặp khó khăn trong tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực?

- Đối với Sài Gòn ITO thì nguồn bác sĩ nội trú và điều dưỡng là hai vấn đề chúng tôi luôn quan tâm và tạo điều kiện để đội ngũ phát triển. Hiện chúng tôi tuyển chọn từ nguồn các bác sĩ trẻ, điều dưỡng tốt nghiệp từ những trường đào tạo chuyên ngành Y, như: ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Hà Nội, Khoa Y - ĐHQG TP.HCM... Sau khi tuyển dụng về Sài Gòn ITO thì chúng tôi tiến hành đào tạo và đào tạo lại. Ở Sài Gòn ITO chúng tôi có một hội đồng giáo sư, bác sĩ chuyên ngành về chấn thương chỉnh hình. Hội đồng này sẽ lo việc đạo tạo, đào tại lại đội ngũ y bác sĩ khi mới tuyển dụng về. Song song đó, chúng tôi cho các y bác sĩ trẻ đi học tập nâng cao ở trong và ngoài nước để đạt trình đội tối thiểu BS.CKII. Tôi quan niệm “nếu mình không đầu tư cho đội ngũ y bác sĩ để có lực lượng tinh nhuệ thì mình sẽ không chủ động được trong công việc và bị động nhiều thứ”.

“Đến nay đã 22 năm, tôi nhớ nhất là 3 sự kiện. Sự kiện đầu tiên là năm 2008, chúng tôi đã mua được chiếc máy MRI 0.3 Tesla đầu tiên với giá khoảng 10,5 tỉ đồng để phục vụ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh của cột sống và các loại khớp. Đó là niềm mơ ước của những người làm chấn thương chỉnh hình, là công cụ rất tốt cho bác sĩ để chẩn đoán bệnh tốt nhất.
Sự kiện thứ hai là chúng tôi được UBND TP.HCM cho phép mua lại căn nhà số 305 Lê Văn Sỹ (Quận Tân Bình) để làm bệnh viện.
Và sự kiện thứ 3 là sau 5 năm thuê đất ở 140C Nguyễn Trọng Tuyển (Quận Phú Nhuận), năm 2012, chúng tôi được phép xây dựng bệnh viện và hoàn thành vào năm 2014. Đấy là những niềm vui, niềm tự hào cũng như bước ngoặt đáng nhớ mở ra chương mới cho Sài Gòn ITO...”

- ông Phạm Thế Đồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO.

Đến nay, ông thấy sự đóng góp của bệnh viện tư vào cuộc sống của người dân ra sao?

-Theo tôi được biết hiện cả nước có khoảng 250 bệnh viên tư nhân trên cả nước, đóng góp nhiều cho người dân trong việc khám chữa bệnh ở tuyến đầu. Trong số các bệnh viện tư nhân này, có rất nhiều bác sĩ có tay nghề cao, giúp cho người dân có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh, đỡ phải chờ đợi, đỡ phải đi ra nước ngoài chữa bệnh.

Xin cám ơn ông.

Công Chương (thực hiện)