Sống xanh

Kinh tế tuần hoàn: chìa khóa và giải pháp hữu hiệu nhất để quản lý chất thải rắn

Tuyết Mai 21/12/2023 - 08:56

Theo các chuyên gia về môi trường, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu thế bắt buộc đối với mỗi quốc gia, doanh nghiệp. Có thể nói, KTTH là chìa khóa và giải pháp hữu hiệu nhất để quản lý chất thải rắn (CTR).

Ngày 19/12/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo: “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn, chất thải nhựa”. Lộ trình và kế hoạch phát triển KTTH của TP.HCM; một số mô hình KTTH trong quản lý CTR, chất thải nhựa tại các đô thị Việt Nam; giải pháp giải phóng bãi chôn lấp CTR đô thị Gò Cát theo hướng KTTH đã được các chuyên gia trình bày tại hội thảo lần này.

KTTH giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bài toán kinh tế và môi trường

Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” lần đầu tiên được nhắc đến trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sau đó được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2022, theo đó: “KTTH là mô hình kinh tế bao gồm các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm nguyên liệu thô, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, nền kinh tế tuyến tính hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến thiếu hụt tài nguyên, cùng với dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu gay gắt đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển dịch sang nền KTTH. KTTH được coi là mô hình kinh tế thúc đẩy xu hướng tách rời giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tác động môi trường, sử dụng hiệu quả vốn tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể nói, mô hình KTTH đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt trước các tác động của con người. KTTH là giải pháp cho cho bài toán giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Xuất phát từ lý do đó, việc thực hiện KTTH trong quản lý chất thải đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như: Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan…

Theo các chuyên gia, có 3 vấn đề mấu chốt để nền KTTH phát triển và thành công đó là: Phân loại và thu gom CTR; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Tài chính.

Ứng dụng hiệu quả mô hình KTTH trong xử lý CTR, chất thải nhựa

Báo cáo về giải pháp giải phóng bãi chôn lấp chất thải rắn (CTR) đô thị Gò Cát theo hướng KTTH, GS.TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM – nêu quan điểm, việc khai thác và phục hồi bãi chôn lấp Gò Cát phải đảm bảo cân đối lợi ích giữa 3 khía cạnh: môi trường – kinh tế - xã hội. Sau khi xử lý giải phóng bãi chôn lấp Gò Cát, diện tích quỹ đất của bãi chôn lấp sẽ được tái sử dụng để xây dựng khu đô thị sinh thái, cung cấp chỗ ở cho người dân của TP.HCM hoặc làm công viên, tạo mảng xanh cho đô thị.

thay-phuoc_19.12.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Phước (đứng) trình bày tại hội thảo

Theo GS. Phước, khai thác và phục hồi bãi rác là đào một phần hay toàn bộ diện tích đã chôn lấp chất thải, áp dụng kỹ thuật thích hợp để thu hồi tài nguyên và giải phóng diện tích đất hay không gian đã sử dụng. Đây là một công nghệ nhằm đạt một hay kết hợp các mục tiêu sau: phục hồi không gian bãi rác; giảm diện tích bãi rác; loại trừ các nguồn ô nhiễm; tái tạo năng lượng từ các chất thải thu hồi; tái sử dụng các chất thải thu hồi; giảm chi phí quản lý chất thải; tái phát triển trên diện tích bãi rác đã được hoàn trả quỹ đất sạch…

Giải phóng bãi chôn lấp là bóc dỡ lớp đất phủ trên bề mặt bằng máy đào kết hợp với phun chế phẩm sinh học, vi sinh để hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường không khí xung quanh. Sau đó, chất thải đào lên và được đưa tới sàn phân loại, cụ thể: nilon, nhựa, thủy tinh, kim loại (thu hồi và tái chế); đất, đá, gạch (vật liệu san lấp); mùn hữu cơ (cung cấp cho cây trồng phi lương thực); chất hữu cơ (tạo đất sạch); thành phần hữu cơ không thể phân hủy hay tái chế (nhiên liệu thay thế cho các lò nung xi măng); chất thải nguy hại (chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định) …

Việc khai thác và thu hồi vật liệu từ bãi chôn lấp Gò Cát được đánh giá có nhiều hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội và phù hợp với xu thế KTTH. Từ đây, GS. Phước cũng đề xuất mô hình bãi chôn lấp CTR đô thị tuần hoàn theo hướng bền vững. Mô hình được đề xuất gồm 6 ô chôn lấp có hệ thống thu hồi khí và tuần hoàn nước rỉ rác, mỗi ô có sức chứa khối lượng CTR trong 1 năm. Thời gian ủ cho rác phân hủy hoàn toàn là 5 năm. Sau 5 năm này, ô rác sẽ được mở ra và khai thác. Mô hình được đánh giá mang lại nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư và vận hành (chôn lấp) thấp; thu khí mêtan và không xả nước thải; tiết kiệm đất; thu hồi các thành phần có giá trị trong CTR; phù hợp với mọi quy mô chất thải.

“Cùng với CTR, ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa tại Việt Nam hiện đang là vấn đề báo động đỏ”, là lời khẳng định của TS. Nguyễn Thúc Bội Huyên (Trường Đại học Văn Hiến TP.HCM) Theo TS. Huyên, số lượng chất thải nhựa tại Việt Nam rất cao, đứng thứ 4 trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chỉ chiếm 27% và tỷ lệ tái sinh cực thấp chỉ 10%, nếu so với Na Uy là quốc gia đứng đầu thế giới về hệ thống thu gom rác nhựa và khả năng tái chế rác nhựa với tỷ lệ thu gom lên đến 97%, một chai nhựa tại Na Uy có thể tái chế đến 50 lần. Hiện Việt Nam nằm trong những quốc gia trên thế giới gây ô nhiễm môi trường với lượng chất thải lớn phát sinh hàng năm lên đến 3,3 triệu tấn/năm, trong đó, chất thải nhựa chiếm đến 1,8 triệu tấn/năm.

ts.-huyen_19.12.jpg
TS. Nguyễn Thúc Bội Huyên phát biểu tại hội thảo

Từ đây, một số giải pháp KTTH trong xử lý chất thải nhựa cũng được TS. Huyên chỉ ra, bên cạnh một số giải pháp văn hóa – xã hội – giáo dục trong cộng đồng là một số công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến: phát triển vật liệu nhựa xanh; sử dụng công nghệ tái sinh nhựa tiên tiến; công nghệ ép phun tiên tiến; kết hợp giữa phế liệu nhựa và phụ gia sinh học; phối trộn hỗn hợp - đùn tạo hình sản phẩm; phát triển vật liệu nhựa sinh học (bioplastics) từ các sản phẩm nông nghiệp như: tinh bột bắp, sắn, lõi bắp, khoai tây, bã mía, lá cây xương rồng, phế phẩm hoa tươi, phế phẩm lông gà, phế phẩm từ các nhà máy sản xuất nước ép trái cây v.v…

Tuyết Mai