Đô thị

Việt Nam là một trong 5 quốc gia ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu

Đăng Khoa 20/12/2023 - 20:38

Sáng 19/12, Sở GTVT TP.HCM và Đại học GTVT phân hiệu TP.HCM tổ chức “Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải” (SDCAT2023) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

trieu-cuong.jpg
Đường Trần Xuân Soạn quận 7 (TP.HCM) biến thành sông mỗi khi triều cường dâng.

Phát biểu khai mạc, Phó GS.TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho biết, trong những năm gần đây phát triển bền vững trong xây được và thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề lớn, có tính toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các quốc gia. Giao thông vận tải, cả khía cạnh kỹ thuật xây dựng và tổ chức quản lý vận tải là lĩnh vực tác động chính đến biến đổi khí hậu, chiếm đến 60% lượng phát thải nhà kính trên toàn cầu. Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những vùng trọng điểm của khu vực đối phó với biến đổi khí hậu.

Hơn 80 bài nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…cũng như từ các trung tâm, các trường đại học về giao thông vận tải lớn tại Việt Nam trình bày tại 5 phiên chuyên môn tập trung vào các lĩnh vực như vật liệu, Kỹ thuật công trình, Kỹ thuật giao thông và Kinh tế trong giao thông. Đây là những nguồn tài liệu tham khảo và tài nguyên quý giá cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, và các nhà quản lý trong việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề liên quan thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong giao thông vận tải.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng, chủ đề của hội thảo mang tính thời sự cả trong nước và quốc tế. Theo ông Bằng, từ các nghiên cứu này sẽ mở rộng hơn các vấn đề, đa dạng hơn các các giải pháp nhằm giúp các nhà quản lý điều hành hiệu quả hơn, và công chúng điều chỉnh hành vi tích cực hơn trong việc phát triển xã hội. Việc nghiên cứu để thích ứng với biến đổi khí hậu trong giao thông vận tải là rất quan trọng để hạn chế mức độ của biến đổi khí hậu, hướng tới giải pháp giao thông xanh, giảm thải carbon:

Các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu đánh giá về mức độ diễn biến của biến đổi khí hậu để có những giải pháp về công trình, giải pháp phi công trình. Cái này trong các lĩnh vực như là giao thông, kể cả vận tải và lĩnh vực khoa học công trình thì chúng tôi cũng đều có những cái nghiên cứu. Ví dụ như trong cái lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt thì chúng ta cũng đều có những cái nghiên cứu để làm sao có những giải pháp mà có thể đáp ứng được diễn biến của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Kiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, Chính phủ Việt Nam liên tục có những cam kết nổi bật đối với thế giới và với khu vực.

Đặc biệt tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một cam kết cả về chính trị, về kinh tế là đến năm 2050 Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia thực hiện phát thải bằng “0”; có nghĩa là chúng ta sẽ cân bằng phát thải và áp dụng khoa học công nghệ.

Trong COP 28 vừa mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại cam kết của Việt Nam, đồng thời cũng nhắc lại với phương châm của Việt Nam là sẽ làm hết sức mình để thực hiện những cam kết của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, trong việc triển khai thực hiện các cam kết thì một trong những vấn đề nổi bật được đặt ra là phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Kiên, biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu không của riêng quốc gia nào, nhưng đặc biệt Việt Nam lại là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cụ thể, nếu tính theo kịch bản đến năm 2030 mà nước biển dâng đến 0,5 mét thì chúng ta bị mất khoảng 40% diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long; và nếu kịch bản 0,8 mét thì ngay cả TP.HCM cũng có rất nhiều quận, huyện bị tác động mạnh mẽ bởi nước biển dâng.

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các tham luận tại hội thảo đã đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện về phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Đây là những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý và tạo sự đồng thuận trong xã hội để việc triển khai các chính sách, công trình dự án được thuận lợi hơn:

Chống biến đổi khí hậu không chỉ là ngăn nước tác động đến các công trình giao thông, không chỉ là ngăn nước ảnh hưởng đến đời sống mà còn đi cả về những khâu rất là căn cơ. Như là nếu như thế thì sử dụng vật liệu gì, dùng công nghệ gì để góp phần chống biến đổi khí hậu, làm cho tác động biến đổi khí hậu và tác động của các công trình hạ tầng giao thông đến đời sống của người dân trong khu vực được ít nhất và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ.

Đăng Khoa