Y học

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM triển khai chương trình Nha học đường

Ngọc Duy 20/12/2023 08:29

Chương trình Nha học đường mô hình trường - trạm, được thực hiện theo Đề án Nâng cao năng lực khám chữa bệnh và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.

img_1840.jpg
Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM - Lê Trung Chánh (áo trắng bên trái) đang nói về mô hình Nha học đường với lãnh đạo, cơ quan chuyên môn tỉnh Bến Tre.

Ngày 19/12, tại Trường Tiểu học Tân Bình (xã Tân Bình, H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), Sở Y tế tỉnh Bến Tre phối hợp Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, tổ chức lễ ra quân chương trình Nha học đường mô hình trường - trạm, theo Đề án Nâng cao năng lực khám chữa bệnh và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Đề án 5628).

Đề án do Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM phụ trách tại các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Tham dự chương trình có ThS.BS.CKII Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Phó ban Chỉ đạo quốc gia Đề án 5628; bà Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre; ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Oanh - Giám đốc Sở y tế tỉnh Bến Tre...

img_1725.jpg
ThS.BS.CKII Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, ThS.BS.CKII Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Đề án 5628, cho biết, trong khuôn khổ của dự án, bệnh viện đã đào tạo cho 30 nhân viên y tế cơ sở và y tế trường học tại Bến Tre và 11 nhân viên y tế tại An Giang về cả lý thuyết và thực hành các kỹ thuật về chăm sóc, điều trị răng miệng; khám và theo dõi bằng phần mềm... thông qua bộ tài liệu đã được thẩm định.

Chương trình này sẽ giúp quản lý sức khỏe răng miệng học sinh bằng công nghệ số, giúp nhà trường, Bộ Y tế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Sở Y tế các tỉnh... có dữ liệu về bệnh lý răng miệng của học sinh bằng số hóa, có thể theo dõi liên tục trong thời gian dài. Từ đó xây dựng nên mô hình về bệnh lý răng miệng của các em học sinh trên cả nước.

img_1703.jpg
ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Oanh - Giám đốc Sở y tế tỉnh Bến Tre chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện mô hình Nha học đường.

Cũng tại buổi lễ, ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Oanh - Giám đốc Sở y tế tỉnh Bến Tre, cho biết, chương trình Nha học đường là chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng vẫn đang thực hiện tại Bến tre, nhưng nguồn nhân lực, kinh phí vẫn còn hạn chế.

Một số địa phương chỉ hoạt động giáo dục sức khỏe răng miệng; súc miệng với Flour và chải răng với kem có Flour. Không thực hiện được khám và điều trị; trám bít hố rãnh.

"Để khắc phục hạn chế cần có nhiều giải pháp phù hợp, đó chính là sự kết hợp của nhà trường với cơ sở y tế tại địa phương . Đây chính là mô hình trường- trạm được triển khai tại Bến tre với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM", ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Oanh chia sẻ.

img_1668.jpg
Các em học sinh sẽ được khám, chữa bệnh răng miệng và lập nha bạ theo dõi trong thời gian dài.

Thông qua hoạt động của mô hình này, học sinh sẽ được hướng dẫn chăm sóc răng miệng; súc miệng với Flour; trám ngừa sâu răng, lập nha bạ; giúp các em học sinh hiểu hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, phòng ngừa sâu răng. Đặc biệt các em được khám và điều trị và lập nha bạ để theo dõi về sức khoẻ răng miệng được liên tục và hiệu quả.

Tại tỉnh Bến Tre, đến nay đã chọn được 9 điểm trường với 8820 học sinh để thực hiện thí điểm, tổng số tiền 850 triệu đồng. Tính đến nay, đội Nha học đường lưu động và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM đã khám và lập nha bạ cho hơn 2000 học sinh tại 3 trường tiểu học trong tỉnh.

Mô hình này sẽ tiếp tục triển khai cho các trường còn lại và sẽ có đánh giá hằng năm về kiến thức, thái độ, hành vi về sức khỏe răng miệng của học sinh và hiệu quả phòng ngừa sâu răng.

Ngày 18/12, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đồng ý về việc cho phép Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, triển khai thí điểm mô hình trường – trạm trong công tác nha học đường và cho phép thí điểm đào tạo cấp giấy chứng nhận kỹ thuật dự phòng sâu răng không xâm lấn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, sau đó báo cáo lại kết quả.

Ngọc Duy