Đời sống

Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn: Ngành du lịch kiếm tỉ đô trong tương lai

Đăng Khoa 13/12/2023 - 11:05

Sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông TP.HCM, kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam với các tỉnh thành Đông Nam Bộ.

Hệ thống sông ngòi dày đặc hình thành từ xa xưa đã cho phép Thành phố phát triển mạnh giao thông đường thủy, xây dựng bến bãi giao thương hàng hóa thuận lợi. Ngày nay dòng sông còn mang lại nhiều giá trị, tiềm năng để khai thác thương mại, logistics, du lịch… và quan trọng nhất là tạo nên dấu ấn riêng biệt của TP.HCM.

h1.jpg
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng thư ký Câu lạc bộ Du Thuyền TP.Thủ Đức chia sẻ mô hình taxi nước chạy bằng điện và năng lượng mặt trời với tên gọi “Green Water Taxi” với Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An tại buổi tọa đàm.

Nét đẹp văn hóa đa sắc màu

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, dọc theo bờ sông Sài Gòn ngày nay là những địa điểm quan trọng của Thành phố, trong đó có nhiều điểm là di tích lịch sử, di sản văn hóa như Bến Nhà Rồng, Chợ Lớn, cột cờ Thủ Ngữ, bến Bình Đông… đến những công trình hiện đại. Sông Sài Gòn cho chúng ta tận hưởng một không gian du lịch độc đáo, trải nghiệm nét đẹp văn hóa đa sắc màu với cảnh quan thiên nhiên thú vị và hệ thống công trình xây dựng đẹp mắt.

Để phát triển kinh tế ven sông, TP.HCM đang triển khai đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Thành phố năm 2023 - 2024. Thành phố sẽ có các chính sách khuyến khích nhà đầu tư ưu tiên trên triển khai những hạng mục công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên… hướng đến một hệ sinh thái kinh tế ven sông, sạch, bền vững…

Đối với ngành du thuyền, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có điều kiện lý tưởng về địa lý để khai thác thế mạnh của ngành công nghiệp tàu thuyền và du lịch sông nước. Trên thế giới, ngành công nghiệp này đang tạo ra doanh thu hàng trăm tỉ đô la nhưng ở Việt Nam con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển, mức sống người dân được nâng hạng, dịch vụ vui chơi, giải trí bằng các loại hình tàu thuyền du lịch như du thuyền, cano… đã không còn xa lạ.

Tại TP.HCM, ngoài việc phát triển ngành đóng tàu là yêu cầu mở rộng, nâng cấp hệ thống cảng, bến thủy, nhà xưởng, kéo ngành công nghiệp phụ trợ đi lên… Qua đó, góp phần phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn. Chủ trương xây dựng mô hình hợp tác công - tư để phát triển du thuyền sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành này.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới, nhiều cơ hội, thuận lợi và cả những khó khăn thách thức mới được đặt ra đối với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gia tăng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Thành phố. Đồng thời phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố nhằm giữ chân du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn ở Thành phố.

h2.jpg
Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn.

Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến Thành phố bằng đường tàu biển trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100 ngàn lượt khách và tăng khoảng 12% – 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.

“Và từ tiềm năng đó, phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của Thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Thành phố. Phấn đấu tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết thêm.

kinh-te-dem.jpg
Phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 1, TP.HCM.

Trong khi đó, về hạ tầng, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nêu, hiện quỹ đất và hành lang ven và trên kênh rạch phục vụ khai thác du lịch còn hạn chế, trong khi, hạ tầng như bến đón trả khách, các bến neo đậu tàu thuyền… thiếu và chưa đồng bộ. Ngành Giao thông Thành phố cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học về việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và 4 về việc thiết kế tĩnh không cầu phải đảm bảo chiều cao để các tàu du lịch lớn có thể tiếp cận sâu vào nội đô, qua đó phát triển du lịch đường sông cũng như kinh tế ven sông trong tương lai.

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng thư ký Câu lạc bộ Du Thuyền TP.Thủ Đức cho rằng, để tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế ven sông cũng như ngành du thuyền, Thành phố cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nối liền với các tỉnh lân cận. Đồng thời, phát triển bến du thuyền và các trung tâm dịch vụ ven sông để thu hút du khách. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du thuyền bằng cách giảm thuế và phí liên quan; khuyến khích các chương trình hợp tác công tư (PPP) để xây dựng và quản lý các tuyến du thuyền.

“Đề án kinh tế ven sông khá thú vị, vừa làm giảm áp lực giao thông đường bộ, vừa góp phần phát triển du lịch đường thủy. Dịch vụ này cung cấp phương tiện vận chuyển hiệu quả, thuận tiện và thân thiện với môi trường. Việc phát triển taxi trên sông Sài Gòn chạy bằng điện và năng lượng mặt trời mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống và hỗ trợ trong việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo”, ông Thắng chia sẻ.

Đăng Khoa