Doanh nghiệp Việt lạc quan, tự tin tăng trưởng trong năm 2023
Đời sống - Ngày đăng : 13:19, 13/02/2023
Đơn hàng sẵn sàng
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần DH Foods, cho hay công ty đã bắt đầu sản xuất trở lại ngay sau Tết Nguyên đán để đáp ứng các đơn hàng nhận được trong và ngay sau nghỉ Tết với lượng nhân sự sản xuất ổn định.
Đơn hàng nội địa đầu năm về tốt vì sau đợt mua sắm Tết Nguyên đán, lượng hàng tại các hệ thống siêu thị, nhà phân phối được tiêu thụ đáng kể. Với thị trường xuất khẩu, đầu năm công ty khai xuân 1 container đi Hà Lan, đồng thời gấp rút chuẩn bị hàng đi Pháp đưa vào hệ thống siêu thị Pháp Carrefour, E. Leclerc. Hiện tại công ty cũng đang đàm phán để chốt deal với các khách hàng lớn tại thị trường Hà Lan, Nhật, Sec & Slovakia. Trong dịp năm mới này, công ty điều chỉnh tăng lương cho nhân sự, đặc biệt khối công nhân sản xuất, mức tăng trung bình 9,2% để người lao động có thêm thu nhập, an tâm sản xuất.
Ông Trần Minh Tú, Giám đốc Điều hành Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn, cho biết công ty đã bắt đầu sản xuất trở lại vào ngày 30/1 (mùng 9 âm lịch) với hơn 95% công nhân làm việc. Công ty có khoảng 1.800 công nhân, nhân viên và khá ổn định sau Tết. Đơn hàng trong quý 1/2023 rất khả quan, công ty đang đẩy mạnh sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang 35 nước trên Thế giới (Đức, Ý, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…).
Công ty Điện Quang cũng bắt nhịp vào công việc từ ngày 27/1 (mùng 6 âm lịch). Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất công ty, đánh giá, với xu hướng tiếp tục đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng về Việt Nam; chính sách thúc đẩy đầu tư công và ứng dụng chuyển đổi số của Chính phủ; nhu cầu ứng dụng các sản phẩm và giải pháp thông minh ngày càng tăng và dần trở thành nhu cầu tất yếu, tại các doanh nghiệp, khu đô thị, thành phố... là yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ngành ở hiện tại và tương lai.
“Chúng tôi đã nhanh chóng vạch ra nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với bối cảnh chung nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động. Cụ thể, Điện Quang thực hiện tái cấu trúc công ty theo mô hình Tập đoàn công nghệ với 5 lĩnh vực hoạt động bao gồm: chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị điện và năng lượng mặt trời, cùng với đó là 3 mảng kinh doanh chính: B2C phục vụ người tiêu dùng, B2B phục vụ doanh nghiệp và tổ chức và B2O - mảng công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu”, ông Linh cho hay.
Lạc quan tăng trưởng
Đánh giá về thách thức năm nay, ông Tú cho rằng đến quý 2/2023 mới dự báo được đến cuối năm, bởi biến động chính trị, kinh tế thế giới đang diễn biến khó đoán. Riêng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty trong 6 tháng đầu năm nay khá ổn định.
Hiện, năng suất sản xuất Kềm Nghĩa trung bình mỗi ngày đạt 38.000 cây kềm, chưa kể những sản phẩm khác. Kế hoạch năm nay, công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng 25% và mở rộng thị trường Quốc tế, đẩy mạnh dòng sản phẩm cao cấp.
Cơ hội của năm 2023 khi một số nước ở Trung Đông đối thủ cạnh tranh của công ty, sản xuất yếu đi, khách hàng chuyển dịch về Việt Nam. Công ty đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, tiên phong là nhà máy sản xuất kềm lớn nhất thế giới nên đã nắm bắt được ngay cơ hội này, nhiều thị trường chọn sản phẩm Kềm Nghĩa. Những sản phẩm mới được đầu tư bài bản, chất lượng tốt sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tăng trưởng mạnh”, ông Tú cho hay.
Theo lãnh đạo Dh Foods, năm 2023 theo xu hướng chung của thế giới chắc chắn sẽ là một năm khó khăn khi suy thoái kinh tế, lạm phát ảnh hưởng lớn đến sức mua của người tiêu dùng, ngoài ra biến động giá dầu, ngoại tệ cũng ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Mặc dù nhìn nhận còn nhiều thách thức, khó khăn trong năm 2023, song nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan “trong nguy có cơ”, tự tin đẩy mạnh sản xuất để đạt mức tăng trưởng hơn năm 2022.
Năm nay, DH Foods có kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm gia vị mới tiềm năng để phục vụ tốt hơn nữa tệp khách hàng hiện tại, đồng thời ấp ủ ra mắt dòng sản phẩm hoàn toàn mới để phục vụ tệp khách hàng trẻ. Song song đó khai thác mạnh hơn kênh bán hàng Truyền thống, Horeca, Xuất khẩu – những kênh có tiềm năng bán hàng lớn mà sản phẩm chưa phủ đến. Với kế hoạch như trên, DH Foods kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 30% so với năm 2022.
Ông Linh cũng cho biết năm 2023, Điện Quang thực hiện tái định vị thương hiệu với trọng tâm là chất lượng sản phẩm, dịch vụ; áp dụng những tính năng hữu ích theo nhu cầu hiện đại của người tiêu dùng mang đến sự tiện nghi, an toàn, tiết kiệm và định hướng lấy kết quả làm trọng tâm.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, đánh giá nửa cuối năm 2022, môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn do lạm phát cao hơn; chính sách tiền tệ thắt chặt, phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại và tổng cầu trên toàn thế giới suy yếu đã ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Những trở ngại vĩ mô nói trên và môi trường kinh doanh đầy thách thức khiến người tiêu dùng nhìn chung có tâm lý thắt chặt chi tiêu khi sức mua, thu nhập và giá trị tài sản của họ sụt giảm.
Bên cạnh những lo ngại về lương và thu nhập, người tiêu dùng cũng cảm thấy khó khăn hơn khi thị trường trái phiếu, vốn chủ sở hữu và bất động sản sụt giảm hoặc đình trệ. Do đó, các xu hướng tiêu dùng chính như cao cấp hóa sản phẩm và chuyển dịch từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại vào năm 2022 cũng chậm lại.
Lãnh đạo Massan nhìn nhận môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu có thể tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023.
Triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại (cả về hoạt động kinh tế và du lịch đến Việt Nam) kết hợp với những tín hiệu ban đầu về các chính sách mềm dẻo hơn của Fed cho thấy các chất xúc tác vĩ mô tích cực thúc đẩy cải thiện tâm lý tiêu dùng và từ đó hỗ trợ triển vọng kinh doanh của không ít doanh nghiệp trong nước.