Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM: 20 năm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
Ngày 5/12, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQT) - Đại học Quốc gia TP.HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường (5/12/2003 – 5/12/2023).
Sau 20 năm hình thành và phát triển, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu trong giảng dạy, nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam nói riêng và khu vực quốc tế nói chung.
Đặt mục tiêu trở thành một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Quốc tế cho biết, cách đây 20 năm, nhu cầu học tập với chất lượng quốc tế bằng tiếng Anh cũng như những ngoại ngữ khác gia tăng nhanh chóng trong cả nước. Các chương trình đào tạo quốc tế hoặc bán du học phát triển, đồng thời một số đại học nước ngoài đã hoặc chuẩn bị lập cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Nắm bắt tình hình đó, trong Chiến lược trung hạn xây dựng và phát triển giai đoạn 2001 – 2005, ngày 5/12/2003, ĐHQG-HCM đã mở đầu cho trang sử mới của trường đại học quốc tế với định hướng: “Thành lập Trường Đại học Quốc tế trên cơ sở liên kết với các trường nước ngoài có uy tín, tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên du học tại chỗ và qua đó, ĐHQG-HCM có thể học tập, đối chiếu kinh nghiệm và chất lượng đào tạo của mình”.
Với tầm nhìn là trường đại học nghiên cứu thuộc tốp đầu tại châu Á; là cơ sở giáo dục quốc tế, tự chủ, sáng tạo; là nơi vun đắp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế, từ những ngày đầu tiên, tập thể nhà trường đã làm việc hết mình với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, tập trung xây dựng chính sách, thu hút giảng viên tài năng và phát triển chương trình học tiên tiến. Sự nỗ lực đó đã đặt nền móng cho một môi trường học tập và nghiên cứu sáng tạo, nơi sinh viên có cơ hội phát huy sức trẻ, tính tự giác và tạo điều kiện để tự hoàn thiện mình.
“Nhà trường đặt mục tiêu trở thành một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực, có khả năng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Để đạt được mục tiêu đó, nhà trường không ngừng đổi mới cơ chế quản lý, nỗ lực kiên trì xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng”, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ chia sẻ.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, Trường ĐHQT hiện đang là một trong những cơ sở giáo dục đại học có thành tích công bố khoa học quốc tế được xếp hạng cao trong cả nước, với tỷ lệ hàng năm luôn đạt 1,4 – 1,7 bài báo tạp chí quốc tế ISI, Scopus/Tiến sĩ. Trường ĐHQT luôn xác định yếu tố con người là then chốt để phát triển KHCN. Trường ĐHQT đã thành lập được 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Từ những nguồn sinh viên khiêm tốn ban đầu đến thời điểm hiện tại (tháng 12/2023), Trường ĐHQT có hơn 11.000 sinh viên và gần 600 học viên, nghiên cứu sinh bậc Sau đại học.
Nhà trường đã thực hiện gần 200 Thỏa thuận hợp tác và 290 Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; đón gần 1000 đoàn đối tác trong và ngoài nước đến thăm và làm việc. Đồng thời, nhà trường đã và đang thực hiện 27 hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 14 tỉnh, địa phương khắp cả nước, kinh phí đạt hơn 21 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhằm gắn kết và phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với địa phương thì mỗi năm Trường ĐHQT tổ chức từ 12 đến 15 chuyến đi đến Sở, Ban, Ngành, Địa phương, doanh nghiệp để khảo sát, trao đổi, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác và báo cáo tiến độ, hội thảo, thực hiện các đề tài... Bên cạnh đó, mỗi năm nhà trường đã gửi khoảng 30-40 đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ đến các tỉnh, địa phương trải dài từ Thừa Thiên Huế đến mũi Cà Mau.
Là 1 trong 7 trường Đại học của Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế
Theo số liệu thống kê của nhà trường, sau 20 năm hình thành và phát triển, Trường ĐHQT đã trở thành một trong những trường đại học công lập có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA), 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ABET (Tổ chức Kiểm định các chương trình Đào tạo Kỹ thuật – Công nghệ Hoa Kỳ), 1 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN - DAAD, 4 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ASIIN và nhiều chương trình khác đang tiếp tục được kiểm định theo chuẩn này.
Bên cạnh đó, Trường ĐHQT là cơ sở giáo dục đạt chất lượng kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET - 2015). Đặc biệt, năm 2018, Trường ĐHQT đạt chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA. Và năm 2022, Trường ĐHQT vinh dự là 1 trong 7 trường Đại học của Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế (theo số liệu Bộ GD&ĐT công bố).
Trường hiện có 10 Khoa và 2 Bộ môn trực thuộc trường với 23 chương trình đào tạo bậc Đại học do Trường ĐHQT cấp bằng, 23 chương trình bậc Đại học liên kết với các đối tác uy tín, có thứ hạng cao trên thế giới ở Bắc Mỹ - Châu Âu - Châu Úc, 12 chương trình bậc Thạc sĩ và 05 chương trình bậc Tiến sĩ. Bên cạnh đó, trường còn có 21 chương trình đào tạo song ngành và 7 chương trình đào tạo liên thông từ Đại học lên Thạc sĩ BS-MS.
Kể từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã tiếp nhận gần 500 Sinh viên Quốc tế đến học tập trao đổi, lấy tín chỉ. Tiếp nhận hơn 2300 sinh viên, học sinh quốc tế đến theo dạng giao lưu văn hóa, học thuật với hơn 60 đoàn. Đã tiếp nhận gần 50 giảng viên, chuyên viên người nước ngoài đến trao đổi ngắn hạn, đồng thời gửi đi gần 300 sinh viên đi học trao đổi thường niên, gần 250 sinh viên đi trao đổi ngắn hạn, gửi gần 20 giảng viên, chuyên viên đi trao đổi tập huấn ở nước ngoài. Tổng giá trị học bổng chính phủ các nước đã cấp cho sinh viên Trường ĐHQT đạt 830.000 USD.
Trong 5 năm gần đây (2019 – 2023), nhà trường luôn chủ động thực hiện, kết nối, duy trì liên kết với Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM và quốc tế. Trường triển khai ươm tạo 6 dự án tiềm năng và hỗ trợ hơn 15 dự án hoàn thiện sản phẩm và tiếp cận thị trường; đã tổ chức hơn 50 chương trình, sự kiện, cuộc thi cho học sinh sinh viên trên địa bàn TP.HCM và toàn quốc, tổ chức các chuỗi tập huấn kỹ năng, cố vấn, hội thảo chuyên đề… Các chương trình thu hút tổng hơn 4,500 người tham gia và hàng ngàn lượt tiếp cận, gần 170 dự án, hơn 1,000 sản phẩm sáng tạo và ấn phẩm tuyên truyền được thực hiện, kết nối mạng lưới hơn 200 chuyên gia, tổ chức và vườn ươm. Trường đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế danh giá.
Với những thành tích về khoa học và công nghệ trong năm, giảng viên của nhà trường cũng đạt được nhiều giải thưởng về Khoa học và Công nghệ tiêu biểu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động Khoa học và Công nghệ của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng diễn ra sôi nổi và đạt được nhiều giải thưởng cao quý.
Phát biểu tại sự kiện , PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, từ việc thí điểm mô hình tự chủ (năm 2008), Trường Đại học Quốc tế đã triển khai chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, thu hút được đội ngũ giảng viên, nhà khoa học được đào tạo từ các trường uy tín trên thế giới. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường hiện hơn 60%.
Từ 44 viên chức, người lao động những ngày mới thành lập, nhà trường hiện có trên 530 viên chức. Cơ sở vật chất cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học khang trang, hiện đại.
"Hiệu quả từ mô hình tự chủ của Trường Đại học Quốc tế đã tạo tiền đề cho việc xây dựng và ban hành chính sách về tự chủ đại học sau này", ông Vũ Hải Quân nhận định.