Giáo dục

TP.HCM đạt chuẩn xóa mù chữ quốc gia và phổ cập giáo dục

HOÀNG NGUYỄN 02/12/2023 06:04

Giai đoạn 2021-2023, TP.HCM có 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã hoàn thành đạt chuẩn xóa mù chữ quốc gia ở mức độ 2 và hoàn thành phổ cập giáo dục theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập 2021-2030” trên địa bàn từ năm 2021 đến 2023.

Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký cho biết, Đề án được thực hiện nghiêm túc với hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời và cụ thể, việc ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai được thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, của UBND các cấp, có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, đoàn thể từ phường, xã, thị trấn đến TP, tạo được sức mạnh tổng hợp trong quá trình triển khai thực hiện, lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm chỉ đạo kịp thời. Nhiều địa phương, cơ quan đã tích cực tổ chức cho công chức, viên chức và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các mô hình học tập được triển khai thực hiện theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng.

Năm học 2021-2022, TP.HCM có 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã hoàn thành đạt chuẩn xóa mù chữ quốc gia ở mức độ 2 (100%), hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 2 theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP.

hoc-sinh-truong-mam-non.jpg
Học sinh một trường mầm non tại TP.HCM.

Năm 2022, TP.HCM có 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã hoàn thành đánh giá xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã với kết quả xếp loại tốt là gần 93% và 1.035 cơ quan, đơn vị được xếp loại “Đơn vị học tập”, trong đó hơn 87% xếp loại tốt. TP có 2.185.012 người được học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng và tủ sách của 310 Trung tâm đã được bổ sung thêm hơn 173.000 đầu sách. Các Trung tâm đã tham gia nhiệm vụ xóa mù chữ cho 677 người dân.

UBND TP.HCM đánh giá, việc thực hiện Đề án vẫn có một số hạn chế về cơ chế phối hợp chưa mạnh mẽ, một số Trung tâm học tập cộng đồng kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dẫn và yêu cầu phát triển bền vững của các cộng đồng, địa phương.

Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả, bổ sung quy định và nghiên cứu xây dựng các phần mềm đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; Tổ chức sơ kết Đề án, giao lưu, học hỏi nhân rộng các mô hình học tập, các cách làm hay từ các địa phương trong nước. UBND TP.HCM cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm học tập cộng đồng.

HOÀNG NGUYỄN