Nhà giáo hơn 30 năm tâm huyết với sự nghiệp trồng người
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, nhà giáo Trương Thị Đẹp – Hiệu trưởng Trường Trường THCS Nguyễn Du (Quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn giữ tâm huyết cống hiến cho nghề và không ngừng trăn trở làm sao để có những sáng kiến phục vụ cho việc dạy – học hiệu quả nhất.
Là một trong 50 nhà giáo vừa nhận tuyên dương Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM tổ chức, nhà giáo Trương Thị Đẹp - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ cô rất vui và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng cao quý này. Đây cũng là sự động viên vô cùng to lớn cho phấn đấu không mệt mỏi của cô Trương Thị Đẹp trong việc chèo lái con thuyền mang tên “Trường THCS Nguyễn Du” vì sự nghiệp trăm năm trồng người.
“Tâm nguyện suốt đời sẽ cống hiến cho nghề giáo”
Xuất thân từ gia đình nông dân, có đông anh chị em đi học, mẹ mất sớm, bố mất sức lao động nên từ thời niên thiếu, cô Trương Thị Đẹp phải vừa học vừa làm để nuôi bản thân và tiếp tục học hành. Khi còn đi học phổ thông, cô dự định theo ngành kinh tế nhưng hoàn cảnh, cô đã có lối rẽ khác khi thi đậu ngành sư phạm. Chính ngã rẽ ấy, đã đưa cô đến với nghề giáo, để rồi đam mê và cống hiến cho nghề, cho học trò đến nay đã hơn 30 năm.
Trong hành trình 30 năm trồng người, cô Đẹp trải qua nhiều vị trí công tác tại Quận Gò Vấp, từ giáo viên (năm 1993) đến Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi và từ tháng 8/2020 là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du.
Cô Đẹp cho biết, may mắn của cô là khi đi học nhận được sự giảng dạy từ các giáo viên chuẩn mực về mọi mặt, tới khi đi dạy và trở thành quản lý cũng gặp được nhiều đồng nghiệp chuẩn mực chia sẻ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, người thầy giúp cô vững hơn trong chuyên môn ở vị trí giáo viên lẫn vị trí quản lý với 10 năm công tác cùng một đơn vị, đó là thầy Trịnh Vĩnh Thanh hiện đang là Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp. Cô học được nhiều ở thầy Trịnh Vĩnh Thanh bởi tính kỷ cương và tâm huyết với nghề của thầy.
Đối với cô, nghề giáo là một nghề cao cả, là nghề khai trí đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đất nước phát triển. Vì thế mỗi thầy cô giáo phải luôn tự học, nâng cao kiến thức, luôn là một tấm gương sáng về đạo đức để học sinh noi theo. Trong quá trình công tác, dù ở vị trí giáo viên hay cán bộ quản lý đều có lúc gặp khó khăn và áp lực, tuy nhiên với tính cầu thị, chịu khó học hỏi và kiên nhẫn, cô đều vượt qua mọi thử thách với suy nghĩ “mỗi lần khó khăn là giúp bản thân thêm nghị lực và thêm kinh nghiệm để làm việc”.
“Với kinh nghiệm lâu năm kinh qua nhiều vị trí từ giáo viên đến cán bộ quản lý, và đang đảm nhận vai trò ‘thuyền trưởng’, tôi luôn có định hướng, chiến lược hiệu quả để đưa tập thể nhà trường phát triển vững mạnh. Tôi tâm nguyện suốt đời sẽ cống hiến cho nghề giáo, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì sự nghiệp giáo dục tại đơn vị tôi nói riêng và quận Gò Vấp nói chung”, cô Trương Thị Đẹp chia sẻ.
Trăn trở thực hiện chương trình GDPT 2018 và chuyển đổi số
Là “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền mang tên Trường THCS Nguyễn Du, cô Trương Thị Đẹp luôn trăn trở, suy nghĩ những biện pháp, những cách thức quản lý hiệu quả đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) và chuyển đổi số trong dạy học, quản lý.
Theo cô Đẹp, Chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Để triển khai hiệu quả chương trình, nhà trường cần tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú, góp phần hình thành năng lực phẩm chất cho học sinh. Đó một quá trình đòi hỏi giáo viên và nhà trường phải có các giải pháp để thực hiện mục tiêu cá nhân hóa hoạt động học rèn luyện cho học sinh.
“Để thực hiện được điều đó, trường chúng tôi đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong dạy, học và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Đây là bước chuyển mình quan trọng của quá trình dạy và học nhằm giúp học sinh hình thành thói quen tự học, học theo hướng dẫn một cách hiệu quả, đồng thời trở thành người công dân của thành phố học tập với ý thức học tập suốt đời. Phương châm của nhà trường là chuyển đổi số không xa rời mục tiêu giáo dục năng lực và phẩm chất cho người học, tự hoàn thiện bản thân và thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội đang có nhiều thay đổi”, cô Trương Thị Đẹp cho biết.
Bên cạnh đó, Trường THCS Nguyễn Du cũng đã đẩy mạnh học tập, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thông tin an toàn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, qua đó thực hiện chuyển đổi số một cách đúng hướng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, nhà trường cũng triển khai các hoạt động tập huấn, hỗ trợ giáo viên để xây dựng học liệu số, bài giảng tương tác, hình thành kho học liệu dùng chung để dạy học.
Những nỗ lực để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 tại đơn vị của cô Trương Thị Đẹp đã được Sở GD&ĐT ghi nhận là sáng kiến hay. Bên cạnh đó, cô Đẹp cũng có nhiều sáng kiến khác như: hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích trong giờ học nhằm nâng cao hiệu quả học tập; xây dựng kế hoạch dạy - học trực tiếp và tổ chức công tác bán trú hiệu quả cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp tại TP.HCM…
Với hơn 30 năm nỗ lực không ngừng cho sự nghiệp trồng người, cô Trương Thị Đẹp đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND TP.HCM trong nhiều năm và nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học của Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Hy vọng, với cương vị người đứng đầu Trường THCS Nguyễn Du, cô Trương Thị Đẹp sẽ tiếp tục đưa tập thể nhà trường giữ vững chất lượng giáo dục và đạt thêm nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa.