Y học

Việt Nam cần ngân hàng người hiến tủy xương hoặc hiến tế bào gốc tạo máu

An Quý 27/11/2023 - 12:45

Việt Nam chưa có ngân hàng người hiến tủy xương hoặc người hiến tế bào gốc tạo máu khi cần. Hiện chúng ta lấy nguồn ngân hàng người cho trên thế giới do vậy xác suất tìm được tế bào ghép phù hợp không cao do xa về di truyền học (gene).

"Tốt nhất nên tìm người ghép thuận hợp trong cùng gia đình là người cho, Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình người Việt ít con nên khả năng tìm người ghép phù hợp cùng huyết thống rất thấp," TS.BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyền học TP HCM, cho biết trong Hội nghị Ghép tủy xương - Tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp lần 7.

khai-mac-hn-2023.jpg
TS.BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyền học TP HCM, (bên trái) chào mừng các vị khách quý trong hội nghị Khoa học Truyền máu Huyết học Khu vực Phía Nam

Hội nghị này nằm trong hội nghị Khoa học Truyền máu Huyết học Khu vực Phía Nam vừa diễn ra vào ngày 24/11.

Việt Nam thực hiện được các kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu

Theo TS.BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyền học TP.HCM, ghép tế bào gốc tạo máu nói chung, trong đó có ghép tủy xương từ 3 loại chính gồm tế bào gốc máu ngoại biên, tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu cuống rốn. Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường.

“Ở Việt Nam, ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 1995 được thực hiện tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM. Đó là ca dị ghép tủy xương, đến nay người bệnh hết bệnh và sống tốt. Sau đó chúng ta triển khai các kỹ thuật khác như ghép tế bào gốc tạo máu ở máu ngoại biên, ghép các tế bào gốc máu cuống rốn...

Hiện giờ, các kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu gần như đã thực hiện được hết từ tự ghép, ghép đồng loại (dị ghép), ghép nửa thuận hợp... Và các nguồn tế bào gốc đã ghép gồm tủy xương, máu ngoại biên, máu cuống rốn,” BSCKII Phù Chí Dũng cho biết.

mot-bn-ghep-te-bao-goc.png
Một ca ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, năm 2017. Ảnh: Bệnh viện

Từ năm 2021, Việt Nam chữa khỏi ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài, phối hợp phác đồ hóa xạ trị (TBI). Bệnh nhân được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư, sau đó xạ trị toàn thân quét sạch các tế bào còn sót lại rồi ghép các tế bào máu mới. Đó là kỹ thuật cao chúng ta đã thực hiện để điều trị ung thư. Nhìn chung đến giờ với ghép tế bào gốc tạo máu, hầu hết các kỹ thuật Việt Nam đã có thể thực hiện được.

Việt Nam cần xây dựng một ngan hàng người hiến tủy hoặc hiến tế bào gốc tạo máu

Nói chung trong ghép tế bào gốc tạo máu, vấn đề khó khăn thứ nhất là với dị ghép (ghép đồng loại). BSCKII Phù Chí Dũng chia sẻ trong hội nghị rằng tốt nhất nên tìm người ghép thuận hợp trong cùng gia đình là nguời cho. Tuy nhiên, hiện một số gia đình Việt Nam có xu hướng ít con, khả năng tìm được nguồn ghép phù hợp chỉ 25%, rất thấp. Nếu gia đình có 4 đứa con, tìm được 1 người phù hợp là khá cao, còn gia đình 2 đứa con khả năng tìm chỉ còn 50%.

phong-thu-thuat.png
Số ca ghép tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM ngày càng tăng lên, năm nay dự kiến gần 80 ca, tăng hơn năm 2022 60 ca.

“Vậy chúng ta phải có nguồn tế bào gốc không liên hệ huyết thống. Ở tại Việt Nam chưa có ngân hàng người hiến tủy xương hoặc người hiến tế bào gốc tạo máu khi cần, chúng ta chưa xây dựng được, đó là một khó khăn. Hiện chúng ta lấy nguồn ngân hàng người cho trên thế giới, tập trung nhiều ở Đài Loan. Xác suất tìm được tế bào ghép phù hợp không cao do họ xa về di truyền học, về gene nên khả năng tìm thấp hơn nếu có ngân hàng người cho tại Việt Nam.”

Việc xây dựng ngân hàng phụ thuộc vào vấn đề chính sách, đòi hỏi phải có luật về người cho tế bào gốc. Sau khi xây dựng luật, chúng ta sẽ có người hiến tủy xương, tế bào gốc.

“Khoảng 10 năm trở về trước, nhiều người bệnh chưa tin tưởng kỹ thuật ghép trong nước, đi qua nước như Singapore, Thái Lan, Đài Loan... Tuy nhiên gần đây số ca đi nước ngoài giảm nhiều. Ví dụ, chúng tôi tiếp nhận một số ca đi điều trị ở Singapore, khi về lại TP.HCM, họ thấy phác đồ giống với chúng ta.

Khó khăn ở đây là chúng ta cố gắng sớm có luật “người cho tế bào gốc tạo máu”, là căn bản để xây dựng nghị định thông tư và triển khai ngân hàng của người cho sẵn sàng hiến tủy xương và người cho tế bào gốc máu ngoại vi để trong trường hợp không tìm được người cho trong gia đình,” TS.BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM chia sẻ.

Người cho tốt nhất là người trong gia đình phù hợp 10/10, loại thứ hai là người cho không cùng huyết thống phù hợp 10/10, cuối cùng mới đến máu cuống rốn. Do đó nếu không tìm được người trong gia đình 10/10, tìm người không cùng huyết thống phù hợp 10/10 là ưu tiên số 2.

BS Phù Chí Dũng hy vọng khi Việt Nam có ngân hàng, số ca ghép sẽ tăng, vì bệnh nhân có nhu cầu nhưng vấn đề khó nhất là người cho. Gần đây ở Đài Loan, số ca ghép tăng lên rất nhanh, sau khi người ta có ngân hàng người hiến. Ở Việt Nam, người hiến máu luôn sẵn sàng, người hiến tế bào gốc, hiến tủy xương chắc sẽ không thiếu.

Số ca ghép tế bào gốc tạo máu ngày càng tăng lên

BSCKII Phù Chí Dũng chia sẻ thêm, tỷ lệ thành công tùy theo kỹ thuật ghép, tùy theo bệnh mắc phải của người bệnh. Ví dụ trong trường hợp kỹ thuật ghép đồng loại ở người cho bạch cầu cấp dòng tuỷ, ở người nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ sống đạt được thành công sau ghép là khoảng 50% bệnh nhân sống trên 5 năm. Thứ hai, nhóm bệnh lành tính như suy tủy xương, tỷ lệ sống 10 năm lên tới 70%.

Số ca ghép tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM ngày càng tăng lên, năm nay dự kiến gần 80 ca, tăng hơn năm ngoái 60 ca.

hanh-lang-khoa-nhi-2.jpg
Theo TS.BSCKII Phù Chí Dũng, Việt Nam đã làm hầu hết các kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu như trên thế giới, điểm khó là thiếu ngân hàng người cho...

“Chi phí ghép tùy loại bệnh, đã được bảo hiểm y tế thanh toán nhiều khoản. Đơn vị ghép 30 giường bệnh, hiện hoạt động chưa đến 50% công suất, nên sẽ đáp ứng nhu cầu người bệnh. Việt Nam đã làm hầu hết các kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu trên thế giới, điểm khó là thiếu ngân hàng người cho, một số thuốc hiếm, thuốc đặc trị nên đôi lúc gặp khó khăn trong vấn đề nhập khẩu,” TS.BSCKII Phù Chí Dũng cho biết.

Hiện nay, các bác sĩ trong lĩnh vực truyền máu - ghép tế bào gốc tạo máu đã phát triển nhiều kỹ thuật ghép mới, các trung tâm ghép mới ra đời nhiều hơn. Cả nước có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép.

Tại TP.HCM trong năm 2023, BSCKII Phù Chí Dũng cho biết, TP.HCM có thêm trung tâm ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Ung bướu TP.HCM, với nhiều kỹ thuật ghép tiên tiến, ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.

An Quý