Giáo dục

Nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh: Cống hiến với tinh thần 'Thép đã tôi thế đấy'

HOÀNG NGUYỄN 17/11/2023 17:23

Gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người cùng với những thăng trầm, nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp (TP.HCM) vẫn giữ tinh thần vượt khó và niềm tự hào được cống hiến như nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” mà ông yêu thích.

Trong không khí hân hoan chào mừng mùa Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11), Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập. Đây là ngôi trường ra đời từ ý tưởng là công trình thanh niên của Đoàn ngành Giáo dục quận Gò Vấp vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Thành phố (15/10/1983). Đặc biệt, từ ngôi trường ấy, nhiều thế hệ nhà giáo đã trưởng thành và gắn bó với nghề cho đến nay, trong đó có nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp.

thay-trinh-vinh-thanh-truong-p.gddt-quan-go-vap(1).jpg
Nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, TP.HCM.

Nhà giáo trưởng thành từ “trường Đoàn”

Nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh cho biết, ông chọn nghề sư phạm theo lời khuyên của cha, đây là “nghề trong sạch” và bản thân thầy cũng thấy thích. Năm 1986, ngay khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn), ông được phân công nhiệm vụ về ngành GD&ĐT quận Gò Vấp, giảng dạy tại Trường Nguyễn Văn Trỗi.

“Ngay ngày đầu tiên đến trường, tôi gặp lại cô giáo cũ là cô Lê Thị Tại - người hiệu trưởng đầu tiên của trường. Cô hỏi ‘đi đâu đây?’. Sau khi nghe tôi trình bày được phân công về giảng dạy tại trường, cô rất vui vì học trò cũ nay đã trở thành đồng nghiệp”, thầy Thanh nhớ lại ngày đầu bước chân vào nghề giáo. Với ông, cô Lê Thị Tại cũng chính là tấm gương nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, để lại dấu ấn sâu đậm mà thầy luôn nghĩ tới với sự kính trọng, ngưỡng mộ.

Nhớ lại quãng thời gian đầu vào nghề, thầy Thanh cho biết, thời điểm này đất nước vẫn còn bị bao vây, cấm vận, vì vậy nền kinh tế hết sức khó khăn và ngành giáo dục được hưởng ngân sách trực tiếp từ nhà nước nên cũng không tránh khỏi sự khó khăn, vất vả khi đó. “Thời điểm này, trường thiếu giáo viên nhiều nên ban ngày, chúng tôi phải dạy rất nhiều tiết, dạy chéo môn; ban đêm, chúng tôi phải làm công tác giáo viên chủ nhiệm, đi thăm nhà học sinh để động viên các em ra lớp học phổ cập giáo dục. Vì là trường Đoàn nên giáo viên chúng tôi còn phải thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến các chủ điểm, chiến dịch. Ban ngày đứng lớp, ban đêm có khi chúng tôi phải vào trường để thực hiện trang trí cho các chủ đề sự kiện. Dù công việc vất vả, lương thấp nhưng giáo viên chúng tôi rất vui vì nghĩ đã đóng góp một phần vào sự nghiệp giáo dục của đất nước”, thầy Thanh chia sẻ.

Chia sẻ về động lực để vượt qua những khó khăn ấy, thầy Thanh cho biết, đó chính là tinh thần như của chàng thanh niên Pavel Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” – tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn nước Nga - Nikolai Ostrovski, cuốn sách một thời được bao thế hệ thanh niên Việt Nam gối đầu giường.

Với lý tưởng cống hiến cho đất nước, thầy Thanh đã vượt qua mọi vất vả, tôi luyện bản thân để cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục.

thay-trinh-vinh-thanh-truong-p.gddt-quan-go-vap-1-.jpg
Nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh-Trưởng P.GD&ĐT Quận Gò Vấp cùng tập thể sư phạm, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường.

Nhiều trăn trở đối với ngành GD&ĐT Quận Gò Vấp

Sau 12 năm làm giáo viên, thầy Thanh tiếp tục được tín nhiệm đảm nhận vai trò quản lý tại các trường ở Quận Gò Vấp, lần lượt là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du. Năm 2016, thầy Thanh được sự tín nhiệm của Ủy ban Nhân dân Quận Gò Vấp bổ nhiệm làm Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Quận Gò Vấp và từ tháng 8/2022 đến nay đảm nhận vị trí Trưởng Phòng.

Nhìn lại suốt quá trình công tác gần 40 năm qua, thầy Thanh cho biết: “Nơi đầu tiên công tác, Trường Nguyễn Văn Trỗi đã để lại nhiều dấu ấn nhất đối với tôi. Từ sự khổ luyện, phấn đấu của bản thân cùng sự dìu dắt của các thầy, cô đi trước, tôi đã đi từ những bước chập chững trên bục giảng và dần dần trưởng thành, trở thành giáo viên giỏi, Bí thư chi đoàn giỏi và là cán bộ quản lý giỏi và trở thành người đứng đầu ngành giáo dục của Quận. Tôi cảm thấy tự hào vì mình cũng đã là một phần trong sự phát triển suốt 40 năm của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi”.

Dù ở vị trí giáo viên hay quản lý, thầy Thanh luôn tâm niệm phải làm tất cả vì học sinh thân yêu. Theo thầy, so với thời bao cấp, giáo viên hiện nay có nhiều thuận lợi như thu nhập cao hơn, công nghệ thông tin hỗ trợ tốt cho việc giảng dạy. Tuy nhiên, giáo viên cũng gặp những khó khăn khác, đó là học sinh hiện nay không dễ quản lý như trước đây và áp lực về đổi mới phương pháp giáo dục, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp giáo dục mới.

Nhà trường và giáo viên hiện nay cũng chịu nhiều áp lực. Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều phụ huynh đã tập trung nhiều vào kiếm tiền mưu sinh mà thiếu quan tâm, chăm sóc cho con. Do đó, áp lực giáo dục cho học sinh đổ về phía nhà trường. Bên cạnh đó, nghề giáo thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ không cao nhưng xã hội luôn đòi hỏi cao ở nhà giáo về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ… Ngành giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng cũng chịu thêm áp lực về yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chính vì vậy, ở cương vị người đứng đầu ngành GD&ĐT quận Gò Vấp, nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh cũng còn những trăn trở để làm sao ngành GD&ĐT của quận phát triển, không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau, làm sao để đội ngũ nhà giáo có cuộc sống ổn định để an tâm dạy học, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

thay-trinh-vinh-thanh-truong-p.gddt-quan-go-vap-2-.jpg
Nhà giáo Trịnh Vĩnh Thanh-Trưởng P.GD&ĐT Quận Gò Vấp (hàng sau, thứ 5 từ trái qua) cùng các chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, TP.HCM.

Với định hướng đúng đắn cùng sự nỗ lực của đội ngũ, sự quan tâm, lãnh đạo của Quận ủy, UBND, các ban, ngành đoàn thể và cha mẹ học sinh, ngành GD&ĐT quận Gò Vấp đã phát huy truyền thống “Dạy tốt – Học tốt” và gặt hái được nhiều thành tích. Nhiều giáo viên, học sinh đạt giải cao tại các Hội thi của Sở GD&ĐT và của Thành phố. Năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT Quận Gò Vấp đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của UBND TP.HCM.

HOÀNG NGUYỄN