Y học

GS. Françoise Barré-Sinoussi: Quan trọng nhất là phải tìm ra loại thuốc tách virus HIV ra khỏi con người

Công Chương 14/11/2023 09:09

Theo Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi – người tìm ra virus HIV, hiện đã có thuốc điều trị HIV nhưng không chữa khỏi hoàn toàn, sắp tới có thể cô lập virus HIV để nó không lây lan, phát triển. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra loại thuốc tách virus HIV ra khỏi con người...

Ngày 13/11, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi – nhà khoa học đạt Giải Nobel Y học năm 2008 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus HIV – đã có buổi tọa đàm giao lưu với sinh viên và giảng viên Trường ĐH Văn Lang (VLU).

gs-francoise-barre-sinoussi-2a(1).jpg
Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi phát biểu tại sự kiện.

Có thể cô lập virus HIV để không lây lan, phát triển

Tại buổi giao lưu, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi đã nhận nhiều câu hỏi đến từ lãnh đạo VLU, giảng viên, sinh viên VLU và các khách mời.

Trả lời câu hỏi về triển vọng trong điều trị và phòng ngừa HIV, GS. Barré-Sinoussi cho rằng hiện nay đã có thuốc điều trị HIV nhưng không chữa khỏi hoàn toàn. Người nhiễm bệnh có thể sống như người bình thường nếu được phát hiện và điều trị theo phác đồ từ rất sớm.

gs-francoise-barre-sinoussi-9.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo Giáo sư Barré-Sinoussi điều quan trọng nhất là phải tìm ra loại thuốc tách virus HIV ra khỏi con người nhưng hiện nay chúng ta chưa đạt được đến trình độ đó. Thực sự thì sẽ không thể nào tách virus HIV ra khỏi con người. Vì virus này hiện diện khắp các phần tử cơ thể, ở trong cả gene của con người. Nó sử dụng những phần tử của cơ thể con người để phát triển. Do đó nếu muốn loại bỏ nó thì phải loại bỏ tất cả phân tử nào của cơ thể có chứa virus. Chúng ta không thể nào làm được điều đó.

“Hiện nay các nhà nghiên cứu đang tìm cách để cơ thể con người có cơ chế phản vệ, hạn chế đưa quá nhiều thuốc vào cơ thể để chống lại virus này. Sắp tới có thể cô lập virus HIV để nó không thể lây lan, phát triển hơn được nữa. Có những trường hợp mang virus HIV trong người rất lâu, tuy nhiên cơ thể họ không cần thuốc nhưng vẫn tự ngăn chặn sự lây lan của virus. Tỉ lệ này rất thấp, dưới 0,5 % và họ là đối tượng nghiên cứu của khoa học...” - GS. Barré-Sinoussi chia sẻ.

gs-francoise-barre-sinoussi-3.jpg
Sinh viên Trường ĐH Văn Lang đặt câu hỏi với GS. Françoise Barré-Sinoussi

Trả lời câu hỏi liệu các nhà khoa học có tạo ra một loại vaccine để khống chế HIV như đã từng tạo ra vaccine để khống chế virus corona SARS-CoV-2 trong đại dịch Covid-19, GS. Barré-Sinoussi chia sẻ: “HIV có cấu trúc không đơn giản như virus corona SARS-CoV-2, người bệnh sẽ nhiễm vô số virus HIV với nhiều thể loại khác nhau. Trong quá trình nhiễm bệnh, virus lây lan và phát triển, liên tục thay đổi. Hiện nay điều các bác sĩ quan tâm không phải độ nặng nhẹ của bệnh mà là phản ứng của cơ thể đối với quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ đánh giá phản ứng này để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp với tiến triển của bệnh”.

Bên cạnh đó, GS. Barré-Sinoussi cũng cho rằng, hiện nay tại Việt Nam virus HIV đang phát triển rất nhanh ở nhóm đồng tính nam (MSM). Do đó, ngành y tế trong nước phải tiến hành việc tìm ra virus HIV sớm và theo dõi từng cá nhân để có những phát đồ điều trị phù hợp. Phát đồ điều trị ở Việt Nam và trên thế giới hiện chưa được khai thác triệt để. Nếu khai thác triệt để sẽ điều trị được hơn 90%.

Người mở đường cho sự hiểu biết của thế giới về HIV

Tham dự tọa đàm với vai trò làm người dẫn chuyện, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cách đây hơn 1 năm, ngày 23/7/2022, nhà trường đã kết nối với GS. Françoise Barré-Sinoussi thực hiện bài giảng đại chúng “Bài học từ HIV/AIDS: Điểm mạnh và điểm yếu trong ứng phó với đại dịch Covid-19”, chia sẻ góc nhìn thú vị về những vấn đề y học lớn của thời đại, với sự tham dự động đảo của sinh viên, giảng viên, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu và quản lý y tế.

gs-francoise-barre-sinoussi-1.jpg
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang phát biểu khai mạc sự kiện.

“Ngày hôm nay không chỉ đánh dấu kỷ niệm một cột mốc quan trọng trong lịch sử y học mà còn là cơ hội để chúng ta hiểu nhiều hơn về hành trình đầy cảm hứng của một nhà khoa học đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu một trong những căn bệnh truyền nhiễm phức tạp nhất của thời đại. HIV/AIDS đã từng là một căn bệnh bí ẩn và từng được xem là một căn bệnh không thể cứu chữa. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ và tinh thần đeo đuổi tri thức của một nhà khoa học, GS. Barré-Sinoussi đã mở đường cho sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS, cũng như phát triển các phương pháp phòng chống và điều trị góp phần cứu sống hàng triệu bệnh nhân trên thế giới...” - PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ.

gs-francoise-barre-sinoussi-5.jpg
Từ trái qua: PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, GS. Françoise Barré-Sinoussi TS.Võ Sáng Xuân Lan (phiên dịch).

Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, khi nói về GS. Barré-Sinoussi, bên cạnh thành tựu khoa học vượt bậc, điều làm bà ấn tượng không kém chính là tinh thần dấn thân vì cộng đồng của nhà khoa học này. Như lời của GS. Barré-Sinoussi được trích dẫn bởi Ủy ban Nobel, "We are not making science for science. We are making science for the benefit of humanity" (Tạm dịch: “Chúng ta không làm khoa học chỉ vì khoa học. Chúng ta làm khoa học vì mang lại lợi ích cho nhân loại”).

GS. Françoise Barré-Sinoussi là nhà virus học người Pháp nổi tiếng với phát hiện virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người vào năm 1983 tại Viện Pasteur Paris.

Bà đạt Giải Nobel Y học năm 2008 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus HIV.

Năm 1988, bà đã đến Việt Nam trước khi Việt Nam phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên. Bà tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về HIV/AIDS cho các nhà khoa học Việt Nam. Bà cũng trực tiếp tham gia đào tạo cán bộ khoa học, hỗ trợ xây dựng mạng lưới hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Là người ủng hộ mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng và tích cực đồng hành cùng các nước đang phát triển, từ năm 1985 đến nay, GS. Barré-Sinoussi đã hỗ trợ nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á tiếp cận các khóa đào tạo về HIV/AIDS, nỗ lực thay đổi thái độ kỳ thị phân biệt đối xử trong xã hội, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, tham gia các hoạt động cộng đồng và đấu tranh chống kỳ thị,...

“Cho đến nay, cuộc đấu tranh chống HIV/AIDS vẫn là một thách thức y tế to lớn của nhân loại. Kỷ niệm cột mốc 40 năm tìm ra HIV, buổi tọa đàm với GS. Françoise Barré-Sinoussi là dịp để sinh viên, giảng viên các ngành khoa học sức khỏe của Trường nói riêng, cộng đồng Văn Lang nói chung, hiểu hơn về cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ mấy thập kỷ qua ở Việt Nam và trên thế giới, cũng như được truyền cảm hứng về hành trình nghiên cứu khoa học để giải quyết các thách thức y tế toàn cầu...” - PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ.

Với mục tiêu trở thành một trong những trường đại học trẻ được ngưỡng mộ ở Châu Á, trong những năm qua, nhà trường chú trọng phát triển nghiên cứu khoa học với việc thành lập các nhóm nghiên cứu mũi nhọn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Trong lần thăm này, GS. Françoise Barré-Sinoussi đồng thời chứng kiến việc thành lập nhóm nghiên cứu mũi nhọn của Khoa Dược – Trường ĐH Văn Lang, tập trung giải quyết các bài toán khoa học về hóa dược, ứng dụng công nghệ nano trong bào chế dược phẩm và vi khuẩn đề kháng thuốc..."

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang

Công Chương