Hướng dẫn học sinh quản lý cảm xúc và rèn luyện sức khỏe trong môi trường học đường
Hướng đến kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), sáng 13/11, Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM tổ chức chương trình Truyền thông giáo dục sức khỏe và trao học bổng “Cùng em đến trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP.HCM).
Tham dự chương trình có bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM; ông Nguyễn Duy Tuyển - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến.
Phát biểu tại Chương trình, bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM chia sẻ, một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình hướng đến là tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, các kỹ năng cho học sinh về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chú trọng rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và duy trì các mối quan hệ lành mạnh... Từ đó làm giảm các tình trạng trầm cảm, lo âu, bạo lực, bắt nạt, giận dữ đối với học sinh.
"Đồng thời, chúng tôi mong muốn thông qua buổi truyền thông giúp giáo viên, học sinh nâng cao khả năng quản lý cảm xúc, góp phần giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong các nhà trường. Đặc biệt là các em học sinh lớp 12, cần chuẩn bị tâm lý thật tốt để tham gia các kỳ thi quan trọng có giá trị bước ngoặc lịch sử của bản thân..." - bà Đặng Thùy Khánh Vân chia sẻ.
Tại chương trình các em học sinh đã nghe ThS. Trần Thị Tâm Nhàn - Trưởng Đơn vị Tâm lý Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày chuyên đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần, cách quản lý cảm xúc và rèn luyện sức khỏe trong môi trường học đường.
Theo ThS. Trần Thị Tâm Nhàn chắc chắn ai trong chúng ta đều bị stress. Stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, stress ở lứa tuổi THPT có những điểm giống và khác với stress ở độ tuổi người lớn.
Đồng thời, ThS. Trần Thị Tâm Nhàn lưu ý các học sinh về cách nhận biết, đối diện và ứng xử với những tác nhân gây stress trong cuộc sống. Trong đó, một số biểu hiện stress ở lứa tuổi thanh thiếu niên là dễ bị kích động, dễ giận hờn, dễ nổi nóng, ăn ngủ nhiều, hay quên, hay gây hấn với bạn bè...
ThS. Trần Thị Tâm Nhàn ví von stress trong cuộc sống con người như muối trong chế biến thức ăn. Nếu nêm nhiều thì món ăn sẽ bị mặn không ăn được, còn ít quá thì bị nhạt. Do đó, stress làm cho cuộc sống thêm phần gia vị, tuy nhiên nếu mặn quá thì không ổn mà nhạt quá cũng không xong. Đồng thời, nếu để stress kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cảm xúc, thể chất và hành vi, gồm: Trầm cảm và lo âu; Tư duy và trí nhớ; Hệ thống thần kinh trung ương và nội tiết; Bệnh tim và tăng huyết áp; Tiêu hóa; Hệ cơ; Sinh sản; Hệ miễn dịch...
Dịp này, Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và chi hội Truyền thông giáo dục sức khỏe - Hội y tế công cộng TP.HCM đã trao tặng 30 suất học bổng “Cùng em đến trường” (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 30 em học sinh của Trường THPT Nguyễn Khuyến.
Chương trình góp phần chia sẻ và đồng hành cùng các em học sinh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tiếp thêm động lực cho các em trong học tập.