Dòng chảy

Phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

Hoàng Nguyễn 07/11/2023 21:28

Tại Hội thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay”, các đại biểu đã trình bày và thảo luận nhằm phát huy giá trị của Đề cương trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Ngày 7/11, Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp với Ban tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc gia “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, Hội thảo nhằm mục đích công bố những kết quả nghiên cứu mới về văn kiện Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943; khẳng định lại giá trị, vai trò và ý nghĩa của Đề cương trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; rút ra những bài học kinh nghiệm về việc vận dụng sáng tạo Đề cương vào quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

ts-le-trung-dao-pho-hieu-truong-dh-tai-chinh-marketing.jpg
TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thành Nam.

“Xu thế toàn cầu hóa, sự hội nhập, giao lưu trên lĩnh vực văn hóa và sự bùng nổ của thông tin, nhất là mạng internet, đem lại nhiều thời cơ, vận hội mới, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách cho cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ định hướng phát triển đất nước, nâng cao tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng về phát triển nền văn hóa và xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên tính thời sự, tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tư tưởng trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay”, TS. Lê Trung Đạo khẳng định.

Ban tổ chức (BTC) Hội thảo đã nhận được 70 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, những người trực tiếp làm công tác văn hóa, nghệ thuật trong cả nước và đã phản biện, chọn đăng kỷ yếu 50 tham luận. Hầu hết các tham luận đều tập trung khai thác, làm rõ hai nội dung: Những vấn đề lý luận từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943; Ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với phát triển đất nước hiện nay.

ts-nguyen-thi-tuy.jpg
TS. Nguyễn Thị Túy đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Túy đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của đảng ta về văn hóa”. Tham luận nêu lên những nội dung như Ba nguyên tắc “Dân tộc hoá - Đại chúng hoá - Khoa học hóa được nêu ra trong bản Đề cương vẫn là những giá trị cơ bản, cốt lõi, là động lực phát triển văn hóa hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, những giá trị cốt lõi mang tính chiến lược, định hướng xây dựng nền văn hóa mới của Đề cương đã được Đảng ta tiếp tục kế thừa, bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, lý luận về văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển ở tầm cao mới, góp phần tích cực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

TS. Lê Quang Cần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận “Tư tưởng cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta trong hiện tại và tương lai” nhấn mạnh việc khai thác giá trị văn hóa để chuyển hóa thành giá trị kinh tế đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển mới; đồng thời, lợi nhuận kinh tế từ khai thác giá trị văn hóa sẽ quay trở lại tái đầu tư đối với ngành văn hóa, góp phần bảo tồn, tôn tạo, lan tỏa giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong hiện tại và tương lai. Nhóm tác giả cũng đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

ts-le-quang-can-ban-tg-tinh-uy-dong-nai.jpg
TS. Lê Quang Cần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đưa ra đề xuất các giải pháp giáo dục, bồi dưỡng thẩm mỹ và nhận thức đúng đắn về văn hóa cho sinh viên để nâng cao bản lĩnh, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Ông Lâm Hữu Đức, Trưởng phòng Văn hoá Văn nghệ, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề xuất các giải pháp để phát huy Đề cương nhằm phát triển văn hóa, con người TP.HCM hiện nay như: Nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức Đảng về vị trí, vai trò văn hóa, phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; tập trung phát triển toàn diện và đồng bộ về đời sống văn hóa, các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại các trường văn hóa, nghệ thuật của TP; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước,...

ong-lam-huu-duc.jpg
Ông Lâm Hữu Đức, Trưởng phòng Văn hoá Văn nghệ, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM cho biết, BTC sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội thảo để bổ sung, biên tập Kỷ yếu làm tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền ở trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng bộ Khối trong thời gian tới nhằm phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong thực tiễn.

ths-dang-thuy-khanh-van.jpg
Bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thành Nam.

Tháng 2/1943, khởi nguồn cho nền văn hóa cách mạng chính là “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí Thư Trường Chinh khởi thảo. Đề cương ra đời đã thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đề cương mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, cổ vũ, tập hợp đội ngũ trí thức thi đua tham gia vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Văn kiện lịch sử này được xem là bản tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, là cơ sở, tiền đề cho việc phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa trong suốt 80 năm qua. Những nội dung, giá trị cốt lỗi của Đề cương này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển nhằm từng bước hoàn thiện và nâng cao năng lực tư duy lý luận, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Hoàng Nguyễn