Tinh thần đổi mới trong lĩnh vực kinh tế xanh nhìn từ Du lịch Xanh Cần Giờ
Tour “Trải nghiệm Du lịch Xanh” Cần Giờ không chỉ giới thiệu các mô hình kinh tế xanh, mà còn thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và cộng đồng; đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.
Trong chương trình góp sức cùng TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi xanh và xây dựng kinh tế xanh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng Cao (DN HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) xây dựng một chương trình tổng hợp để quảng bá những hoạt động này.
Mới đây, Hội DN HVNCLC đã tổ chức một chương trình, gồm nhiều hoạt động: Tour khảo sát các công trình xanh, tham quan, trải nghiệm… tại huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM.
Trải nghiệm du lịch xanh
“Tour trải nghiệm Xanh” thể hiện sự cam kết, đồng hành và thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tái chế trong cộng đồng và doanh nghiệp, mà Hội DN HVNCLC đang hướng đến, và đã thực hiện nhiều hoạt động trong thời gian gần đây.
Qua đó, ban tổ chức mong muốn chia sẻ thông tin, kiến thức và trải nghiệm thực tế về các mô hình và thực hành xuất sắc liên quan đến tài chính, kinh tế tuần hoàn, và kinh tế xanh - bền vững từ những thông tin, hình ảnh thực tế nhất tại các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương về các mô hình hay, sáng tạo, cùng cách làm hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Với mục tiêu nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn, UBND huyện Cần Giờ đã thí điểm phân loại và thu gom rác thải nhựa tại khu du lịch Lata Camping, với sự phối hợp triển khai giữa Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Duy Tân Recycling…
Đó là điểm phân loại và thu gom rác thải nhựa tại khu du lịch Lata Camping theo xu hướng du lịch xanh, bền vững. Dự án này nhằm quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả, đóng góp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tại khu vực này, Duy Tân Recycling trao tặng những thùng rác tái chế phục vụ cho việc phân loại rác, đồng thời tổ chức đào tạo cho cán bộ nhân viên Lata Camping phân loại rác đúng cách để hướng dẫn khách du lịch thực hành phân loại góp phần cho việc tái chế thuận tiện hơn.
Đây là một trong những bước đầu tiên trong đề án Cần Giờ xanh, với mong muốn lan tỏa mô hình đến nhiều hơn các khu du lịch trên địa bàn với sự hưởng ứng của đông đảo khách du lịch trải nghiệm du lịch xanh du lịch bền vững.
Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại, tái chế rác, từ đó giảm lượng rác thải ra cả bãi biển và đất liền giúp sạch hóa Cần Giờ.
Doanh nông trẻ sản xuất xanh: Những kết nối đầu tiên của chuyển đổi xanh
Có mặt trong tour khảo sát và tham quan đầu tiên tại Cần Giờ, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA cho biết, tour trải nghiệm đầu tiên này là khởi đầu chương trình về ủng hộ thành phố chuyển đổi xanh và xây dựng nền kinh tế xanh.
Bà Hạnh cho biết, tới đây, trong diễn đàn Kinh tế Mekong Connect 2023, tổ chức tại Hội trường TP.HCM, vào ngày 15 và 16 tháng 11 này, sẽ có nhiều thành phần tham dự gồm có doanh nghiệp của 13 tỉnh đồng bằng, lực lượng doanh nông trẻ toàn quốc…
Bên cạnh đó, theo bà Vũ Kim Hạnh, tham gia Mekong Connect còn có các doanh nghiệp hiện nay đang làm trong lĩnh vực năng lượng mới, như xe điện, điện áp mái, điện gió ở các địa phương cũng sẽ tham gia…
Cùng với đó là những doanh nghiệp HVNCLC, các doanh nghiệp mạnh lâu nay chuyên sản xuất và chế biến nông sản. Đặc biệt nữa là lực lượng chuyên gia quốc tế sẽ mang tới những kiến thức mới cũng như những cơ hội thị trường mới.
“Cho đến nay, chúng tôi đã xây dựng một lực lượng khoảng 100 doanh nông trẻ, nổi bật ở tất cả các địa phương từ Bắc tới Nam. Những bạn doanh nông này đã sử dụng tài nguyên bản địa, cùng với ứng dụng cái công nghệ để đưa ra nhiều sản phẩm mới, như anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) là một ví dụ điển hình trong đó”.
Công ty Sản xuất Mật dừa nước Vietnipa là một ví dụ về sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững để sản xuất mật dừa và đóng góp vào nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Hay như Công ty Yến Đảo Cần Giờ là một doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy các giải pháp kinh tế xanh và bền vững liên quan đến sản xuất và thương mại của sản phẩm yến đảo.
Anh Phan Minh Tiến - CEO Vietnipa cho biết: “Công ty đã liên kết với hơn 10 hộ nông dân trên địa bàn trồng và thu hoach hơn 10ha dừa nước. Từ mật dừa nước, Vietnipa đã nghiên cứu và phát triển thành công các sản phẩm đường ăn kiêng hữu cơ, có chỉ số đường huyết thấp để đáp ứng xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Hiện Vietnipa đã đạt được các chứng nhận hữu cơ từ Mỹ, EU, Nhật Bản…”
Phan Minh Tiến cho hay, Vietnipa đã và đang tạo thêm nhiều công việc ổn định cho bà con nông dân, mang lại sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông không chỉ của huyện Cần Giờ - “lá phổi xanh” của TP.HCM, mà còn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
“Khai thác dự án này, chúng tôi còn hướng tới chương trình mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) của TP.HCM. Có nghĩa là, dự án sẽ góp phần hấp thụ khí carbon. Theo thống kê của chúng tôi, 1 héc ta dừa nước sẽ hấp thụ khoảng 137 tấn carbon, nhưng nếu khai thác tốt mật dừa nước này sẽ góp phần lượng hấp thụ sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.
Trong 1 tháng, một cuống dừa nước sẽ cho ra khoảng 30 lít mật, trong mật này có hàm lượng Carbohydrate, thành phần này được chuyển đổi từ CO2 mà thành, để tạo ra loại đường. Cho nên, chúng tôi cho rằng, cây dừa nước như một cỗ máy hấp thụ CO2… góp phần cùng thành phố có những chỉ tiêu về xanh, bền vững, giảm phát thải…,” anh Tiến chia sẻ.
Theo anh Tiến, các nước láng giềng như Philippines và Thái Lan đã phát triển một ngành công nghiệp từ mật dừa nước, và họ sản xuất nhiều sản phẩm từ dừa nước như đường, dấm, rượu và các sản phẩm khác. Trong khi Việt Nam là quê hương của cây dừa nước, tại sao chúng ta lại chưa phát triển một ngành công nghiệp tương tự?
Anh Tiến cho biết, với mô hình kinh tế tuần hoàn xanh này, công ty không chỉ bảo vệ rừng dừa nước, tạo công ăn việc làm cho nông dân, nâng cao giá trị cây dừa nước mà còn hướng đến phát triển và bán chứng chỉ carbon (giao dịch giấy phép khí nhà kính) từ việc phát triển cây dừa nước.
Theo chị Phan Ngọc Diệu, Giám đốc Quản lý nhà máy Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Yến Đảo Cần Giờ, Cần Giờ - huyện đảo duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của Thế giới, là “lá phổi” xanh, “quả thận” sạch của thành phố mang tên Bác.
Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp mắt, mà còn ẩn chứa một kho báu quý giá: Tổ Yến Cần Giờ - một sản phẩm OCOP tiềm năng vươn tầm quốc tế. Doanh nghiệp đã tiên phong trong việc thúc đẩy các giải pháp kinh tế xanh và bền vững liên quan đến sản xuất và thương mại của sản phẩm yến đảo.
“Vùng đất này đã được chứng minh là môi trường lý tưởng cho chim yến sinh sôi và phát triển. Không bị tác động bởi khói bụi từ công nghiệp, các loài chim yến tại Cần Giờ có điều kiện sống tốt quanh năm. Với diện tích rừng ngập mặn ven biển rộng lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hòa, Cần Giờ cung cấp nguồn thức ăn dồi dào và chất lượng cho chim yến, là nơi thuận tiện cho chim yến xây tổ. Hiện nay, Cần Giờ đang có có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân 11-12 tấn/năm,” Chị Ngọc Diệu cho biết.
Nguồn yến của Cần Giờ là nguồn yến xanh, yến sạch từ rừng sinh quyển nên chất lượng được đảm bảo, được nghiên cứu và kiểm định từ các chuyên gia Trường Đại học Công Thương TP.HCM.
Bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh: "Nếu không đặt sự tập trung vào yếu tố xanh, doanh nghiệp sẽ khó duy trì cân bằng giá thành của sản phẩm theo tiêu chuẩn xanh, đặc biệt khi giá sản phẩm tăng do sử dụng nguyên liệu gần thiên nhiên, nguyên liệu tái chế và yếu tố bảo vệ môi trường.
Điều này đồng nghĩa rằng, để kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần phải quản lý chi phí một cách nghiêm ngặt, và nên tập trung vào một số sản phẩm quan trọng và thiết yếu theo hướng tiêu chuẩn xanh".
Để quảng bá và đưa sản phẩm của doanh nghiệp Cần Giờ ra thị trường trong nước và thế giới, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện đã tổ chức và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, quảng bá sản phẩm OCOP (Sản phẩm nông nghiệp, làm thủ công và thôn quê) của huyện Cần Giờ đến du khách. Những sản phẩm này sẽ trở thành quà tặng hấp dẫn cho du khách khi đến tham quan Cần Giờ và TP.HCM nói chung.
Theo ông Triển tại huyện Cần Giờ hiện có có 18 sản phẩm được công nhận, trong đó có 12 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 4 sao như tổ yến, xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa một nắng, tôm khô, tôm sú tự nhiên, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, mật dừa nước...