Tìm giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp”, các đại biểu đã chia sẻ để tìm giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Ngày 28/10, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích thực trạng và các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Chi Lan, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, du lịch trở thành “chìa khóa” thúc đẩy phát triển, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, ngành du lịch cũng chịu nhiều tác động của khu vực và thế giới. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch hiện nay cần được quan tâm đặc biệt. Trước nhu cầu của thị trường, trong những năm gần đây, TP.HCM đã có nhiều nghị quyết về các chính sách và hướng phát triển nhân lực du lịch cho ngành kinh tế mũi nhọn.
Hội thảo nhằm bổ sung thêm những luận cứ quan trọng, làm rõ hơn những vấn đề về lý luận và thực tiễn, những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch, đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển của TP.HCM và Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Theo nhiều đại biểu, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay được đào tạo bài bản có tăng nhưng tỉ lệ chưa cao và chưa cân đối. Riêng tại TP.HCM, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch có những chuyển biến đáng ghi nhận nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Những hạn chế, bất cập của nguồn nhân lực du lịch hiện nay là yếu về ngoại ngữ, kỹ năng mềm và thiếu các kiến thức chuyên môn sâu.
Để nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế thì phải khắc phục được những hạn chế này. Các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo và tăng cường thực thập thực tế tại doanh nghiệp. Đặc biệt, cần liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch và các doanh nghiệp du lịch.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường đúng ngành nghề đào tạo. Nhà trường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn để đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng. Từ đó, đáp ứng cho doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt, giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục.
Với 38 tham luận, nhiều nội dung về đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch đã được phác họa một cách khá toàn vẹn, Hội thảo đã góp thêm những ý kiến, nhận xét, đánh giá của những nhà nghiên cứu, góp phần làm rõ hơn những vấn đề về lí luận và thực tiễn về nguồn nhân lực và việc Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch của Việt Nam và TP.HCM hiện nay. Đồng thời, thông qua Hội thảo, các cơ sở đào tạo cập nhật thêm những thông tin, xu hướng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường đạt chuẩn quốc tế trong tương lai.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2023 đạt hơn 1 triệu lượt người (giảm 13,4% so với tháng trước và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước). Tính chung 9 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Điều này cho thấy, ngành du lịch đang có nhiều khởi sắc sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.