Đời sống

Các bảo tàng thành phố phải là địa chỉ được nhiều người đến thăm

Minh Phương 25/10/2023 - 15:32

Theo cách hiểu của nhiều người, bảo tàng là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một địa phương hay một giai đoạn lịch sử nào đó.

Mục đích xây dựng và tổ chức các bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu về quá khứ. Vì vậy, bảo tàng không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học mà còn nhằm phục vụ rộng rãi các nhóm công chúng.

Ý nghĩa của các bảo tàng

Khi đến thăm viếng một địa phương, người ta thường tìm đến bảo tàng của địa phương đó, để hiểu thêm về đặc điểm lịch sử, văn hóa, đời sống của địa phương. Có khi, một bảo tàng đặt ở một địa phương mang ý nghĩa truyền tải những giá trị không chỉ của địa phương mà còn của vùng đất đó, thậm chí của đất nước đó. Chẳng hạn, khi đến Thái Lan, du khách hay đến thăm Bangkokian Museum, còn được gọi là Bảo tàng dân gian Bangkok, nơi đây không chỉ giới thiệu văn hóa của thủ đô Bangkok mà còn của cả đất nước Thái Lan. Hay đến Nga, rất nhiều người xếp hàng vào thăm Bảo tàng Hermitage ở thành phố Saint Petersburg, không chỉ để tìm hiểu về các triều đại phong kiến Nga đóng đô ở thành phố này mà còn hiểu thêm về đất nước Nga rộng lớn…

TP.HCM hiện có khá nhiều bảo tàng, có thể giới thiệu nhiều khía cạnh về văn hóa, lịch sử của riêng thành phố và của đất nước.

Muốn tìm hiểu về lịch sử của vùng đất Nam bộ và thành phố, có thể đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay Bảo tàng TP.HCM; muốn tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống xâm lược của người dân Nam bộ và thành phố thì có thể đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, Dinh Thống Nhất...

Muốn tìm hiểu về mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật thành phố nói chung thì có Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, Bảo tàng Tranh 3D Artinus, Bảo tàng Áo dài; muốn tìm hiểu về y dược thì có Bảo tàng Y học cổ truyền; muốn tìm hiểu về các danh nhân thì có Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng…

Nói chung, các bảo tàng ở thành phố khá phong phú; bên cạnh hệ thống bảo tàng của nhà nước thì còn có nhiều bảo tàng tư nhân.

Tuy nhiên, tính phong phú cũng có mặt trái là làm hệ thống bảo tàng ở TP.HCM còn khá dàn trải. Một số bảo tàng nằm ở vị trí cách xa nhau, muốn thăm một lượt cũng rất khó. Hầu hết các bảo tàng có quy mô khá nhỏ, chưa có những dấu ấn đặc sắc về kiến trúc, trừ một số bảo tàng là các dinh thự lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Mức độ lan tỏa, độ thông hiểu, dễ tìm kiếm của các bảo tàng đối với nhiều người dân thành phố còn thấp, gây khó khăn cho việc tiếp cận, nhất là khách du lịch.

Không gian văn hóa của một số bảo tàng còn khá hạn chế; khách khi đến thăm bảo tàng thì ít được kết nối với các địa chỉ văn hóa khác để có thể hình thành một chuỗi tham quan. Ở một số bảo tàng, việc bày trí, trưng bày còn khá đơn điệu cả về số hiện vật lẫn cách thức trình bày… Một số bảo tàng có thu phí nhưng giá thấp nên hạn chế nguồn thu để thực hiện việc mở rộng, quảng bá...

b-o-tang-h-chi-minh-ben.jpg
Bảo tàng TP.HCM

Để bảo tàng là địa chỉ được nhiều người đến thăm

Từ thực tiễn đó, thành phố quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng hệ thống bảo tàng thành phố.

Trước hết, có thể tập trung một số bảo tàng cùng nhóm chủ đề để hình thành một số bảo tàng lớn hơn, có quy mô bề thế hơn, số lượng hiện vật nhiều hơn, mức độ lan tỏa rộng hơn… Chẳng hạn, về nhóm bảo tàng liên quan đến lịch sử thành phố nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung, có thể hình thành một bảo tàng lớn, mang tên chung là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, để giới thiệu quá trình hình thành, phát triển, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm…

Đây có thể coi là bảo tàng chính của thành phố, là điểm đến gần như phải chọn lựa của du khách. Bảo tàng này cần có dấu ấn đặc biệt về kiến trúc, nằm ở một khu vực rộng rãi, thuận tiện giao thông, thuộc trung tâm hoặc gần trung tâm thành phố, có sự gắn kết với các địa chỉ văn hóa khác. Có thể nghiên cứu xây dựng một bảo tàng như vậy tại khu vực Thảo cầm viên hiện nay, sau khi di dời Sở Thú về Củ Chi. Tương tự như vậy, nên có một bảo tàng về văn hóa TP.HCM, tập trung các chủ đề về mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc...

Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng các bảo tàng (có quy mô nhỏ) nhằm gìn giữ các nét đặc sặc trên một số lĩnh vực đang có dấu hiệu mai một.

Chẳng hạn, tuy TP.HCM là một đô thị lớn nhưng thành phố bắt đầu phát triển từ một vùng nông nghiệp, người dân thành phố có một bộ phận đáng kể xuất thân từ nông dân; do đó, có thể hình thành một bảo tàng về nông nghiệp TP.HCM để giới thiệu các loại hình sản xuất nông nghiệp đặc sắc của địa phương mà hiện dần mai một, như nghề trồng lúa nước, trồng trầu, trồng cau, làm muối, nuôi bò sữa, nuôi cá, đánh bắt cá…, đồng thời lưu giữ và giới thiệu các loại nông cụ truyền thống hiện gần như đang thất truyền dần. Hay gắn với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM để xây dựng một bảo tàng sách, là nơi giới thiệu kỹ thuật in ấn sách từ buổi đầu xây dựng thành phố, giới thiệu các loại sách quý của thành phố, các công đoạn tạo ra một cuốn sách…, từ đó khơi gợi và phát triển văn hóa đọc trong dân cư thành phố… Tương tự, có thể có bảo tàng tiền Việt Nam, bảo tàng trang phục, bảo tàng giao thông…

Xây dựng “văn hóa bảo tàng”

Ngành văn hóa và giáo dục nên phối hợp để xây dựng, giáo dục một hình thức văn hóa có thể gọi là “văn hóa bảo tàng”, tức là tạo thói quen, lòng yêu thích, sự quan tâm đến bảo tàng của người dân thành phố, đặc biệt từ học sinh. Hiện nay, học sinh có phong trào “Hành trình đến với bảo tàng” nhưng sức hút chưa nhiều, ý nghĩa chưa sâu, lại thực hiện không thường xuyên nên giá trị của hoạt động này chỉ có mức độ. Một bộ phận đáng kể người dân thành phố ít quan tâm đến các bảo tàng, ít kiến thức về các bảo tàng. Điều này cần được khắc phục quyết liệt. Do đó, công tác truyền thông về bảo tàng cần được thực hiện tốt hơn để thu hút được nhiều người đến với bảo tàng hơn. Chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên nhất thiết phải có nội dung đến thăm các bảo tàng và thực hiện việc tìm hiểu, ghi chép, viết thu hoạch về các bảo tàng, tùy theo điều kiện lứa tuổi, nội dung môn học...

Để thực hiện được điều đó, thành phố có nhiều giải pháp khuyến khích hình thành các bảo tàng tư nhân và đổi mới phương thức hoạt động để có thêm nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển các bảo tàng. Nên xem hoạt động bảo tàng tư nhân vừa là một hình thức kinh doanh vừa là một hoạt động văn hóa để có các chính sách phát triển phù hợp nhằm tạo sự đa dạng về các loại bảo tàng. Riêng các bảo tàng thuộc quản lý của nhà nước cần được đầu tư thường xuyên chứ không nên xem đây là một hình thức hoạt động tự cân đối ngân sách hoặc khuyến khích tự cân đối, bởi hoạt động bảo tàng mang tính giáo dục văn hóa, truyền thống đặc sắc có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội của thành phố và giá trị, lợi ích của nó mang lại không thể quy đổi bằng tiền.

Thành phố nên xem công tác xây dựng và phát triển hệ thống bảo tàng là một nội dung quan trọng về phát triển văn hóa của thành phố, bởi đây vừa hoạt động mang lại lợi ích kinh tế (gắn với hoạt động du lịch) vừa có ý nghĩa quảng bá hình ảnh của thành phố vừa có giá trị giáo dục truyền thống tích cực cho nhân dân.

Minh Phương