Độc Thư
Một số từ điển đã giải thích từ “độc thư” là “đọc sách”, cũng để chỉ việc học hành, bởi đã học thì làm sao không đọc sách cho được, và đã đọc thì ít nhiều cũng học được điều gì đó trong sách đó.
1. Một số từ điển đã giải thích từ “độc thư” là “đọc sách”, cũng để chỉ việc học hành, bởi đã học thì làm sao không đọc sách cho được, và đã đọc thì ít nhiều cũng học được điều gì đó trong sách! Bởi vậy, có điển tích “ánh tuyết độc thư”, để nhắc đến chuyện Tôn Khang đời Tần, người rất hiếu học, nhà nghèo nên đêm đêm phải ra đám tuyết gần nhà nhờ chút ánh sáng phản chiếu lại mà đọc sách… Cổ nhân cũng nói rằng: “Mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao thượng”, hàm ý coi việc đọc sách, việc học hành là điều nên làm, đáng làm và rất cao quý.
Trong bài Tặng nội (Tặng vợ), nhà thơ nổi tiếng đời Đường là Bạch Cư Dị (772 - 846) đã viết: “Mình dẫu đọc sách xưa không mấy,/ Các truyện kia hẳn thấy quen tai” (Tản Đà dịch). “Các truyện kia” đó là những chuyện mà Bạch tiên sinh đã nhắc trước đó: “Kìa như gã Kiềm Lâu cùng sĩ,/ Cảnh nhà nghèo vợ nghĩ như không./ Nông phu Ký Khuyết cày đồng,/ Vợ chàng quý trọng coi chồng khách sang./ Đào Tiềm chẳng lòng toan sinh lý,/ Củi nấu ăn, Địch thị kiếm dần./ Lương Hồng quan chẳng chịu mần,/ Mạnh Quang chỉ vải may quần cũng ưa…”. Ở Việt Nam ta, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) khi còn lưu lạc ở Đông Quan trước khi gặp minh chúa Lê Lợi thì đã từng thở than trong bài Ký hữu (Gửi bạn): “Đọc sách mười năm nghèo đến tủy,/ Ăn không rau đậu, chẳng chiên ngồi” (Trúc Khê dịch).
Tức là, nhờ đọc sách, nhờ học hành mà cũng biết ít nhiều chuyện trong thiên hạ, chuyện đời xưa nhưng người đọc sách thường nghèo túng. Thôi thì trong xã hội cũ, “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, để khẳng định vai trò của người làm nông trong đời sống nông nghiệp. Nhưng như Lê Quý Đôn nói: “Phi trí bất hưng”, không có tri thức, kiến thức, trí thức thì đất nước không thể hưng thịnh được. Một đất nước không có nhiều người đọc sách, không có nhiều người học hành thì đất nước đó khó mà phát triển, hoặc chỉ có phát triển vật chất mà khó đạt đến tầm văn minh, theo góc hiểu về sự tiến bộ thực sự.
2. Nhưng “độc thư” còn có thể hiểu là “quyển sách độc hại”. Chuyện xưa kể rằng, cha của Vương Thế Trinh (một trong số người từng được coi là tác giả của bộ tiểu thuyết Kim Bình Mai), là Vương Dư bị Nghiêm Tung ám hại. Lúc bấy giờ uy thế của cha con Nghiêm Thế Phồn (con trai duy nhất của Nghiêm Tung, đại gian thần triều Minh Thế Tông, trị vì 1521 – 1567) rất mạnh nên Vương Thế Trinh tuy căm giận không làm gì được. Biết Nghiêm Thế Phồn là người rất thích đọc truyện khiêu dâm, Vương bèn viết ra bộ Kim Bình Mai rồi tìm cách đưa đến. Ở mỗi góc tờ sách đều có tẩm thuốc độc, để khi Nghiêm lấy tay thấm vào môi lật sách thì sẽ bị ngộ độc mà chết…
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, “độc thư” ở đây không có nghĩa là cuốn sách bị tẩm độc mà là nội dung của nó độc hại, người đọc có thể bị nó dẫn dắt, sai khiến làm những điều xấu xa… Bởi nhiều đời qua, Kim Bình Mai vẫn được coi là một loại truyện “dâm thư”, bị người xưa phê phán rất nặng nề. Nay tuy đã nhìn khác hơn nhiều nhưng với nhiều phim chuyển thể từ truyện này vẫn thường được gắn mác 18+ bởi có quá nhiều cảnh… cấm trẻ em!
Nhìn chung, “dâm thư” là những chuyện lấy tính dục làm phương tiện và mục đích, hướng người đọc nghĩ đến tính dục hoặc có nghĩ đến chuyện khác thì cuối cùng cũng quay về tính dục. Trừ những truyện miêu tả chi tiết hoạt động làm tình không thể có gì biện giải thì chính những truyện tuy không nhắc gì đến điều đó nhưng toàn viết về chuyện yêu đương, cảm giác nhớ nhung, si mê, rạo rực, thèm khát nhục dục… thì cũng coi là “dâm thư”. Nhiều truyện ngôn tình hiện nay thuộc dạng đó. Mà loại truyện này không phải bây giờ mới có, hơn tám chục năm trước, ở nước ta cũng đã có, và đã được nhà văn Hồ Biểu Chánh miêu tả trong tiểu thuyết Cư Kỉnh (năm 1941, năm 2009 được chuyển thể thành phim Tình án). “Dâm thư” dĩ nhiên là “độc thư” không chỉ với phụ nữ mà với cả nam giới, không chỉ với người trẻ mà còn cả với người có tuổi!
3. Thực tế còn có nhiều loại “độc thư” khác. Một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn bậc nhất thế kỷ XX lại là một “độc thư” mà hàm lượng độc tố của nó thật kinh khủng. Đó là cuốn tự truyện, đồng thời là cương lĩnh chính trị của Adoft Hitler Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi), được mệnh danh nguy hiểm nhất thế giới, bởi từ khi ra đời vào năm 1925, tác phẩm đã đầu độc nhiều thế hệ người dân Đức để họ trở thành công cụ trong tay trùm phát xít. Trong Mein Kampf, Hitler trình bày tư tưởng của ông ta và những giải pháp cốt yếu không những phục hồi một nước Đức bị thất trận sau Thế chiến I mà còn tạo nên một đế chế Đức mới, quốc gia thuộc loại mới, một quốc gia dựa trên chủng tộc Aryan thượng đẳng và quy tụ mọi người Đức lúc này còn đang sống bên ngoài biên giới Đức. Quốc gia đó sẽ thiết lập chế độ độc tài tuyệt đối dưới quyền một lãnh tụ tối cao để ban hành mệnh lệnh cho một tầng lớp lãnh đạo thấp hơn, rồi những người này sẽ truyền lệnh xuống bên dưới. Sách cũng khẳng định tính ưu việt của chủng tộc Aryan; nếu người Aryan muốn vượt lên trên thì phải chà đạp trên những chủng tộc khác, những thứ cỏ rác – đó là Do Thái và Slav… Cuốn sách gieo cho thanh niên Đức một ảo vọng về một nước Đức, một dân tộc Đức để rồi lao mình vào cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của nhân loại, làm hàng chục triệu người thiệt mạng, trong đó có nhiều triệu người Do Thái bị giết hại dã man. Đến năm 1940, cuốn sách được bán hơn 6 triệu tại Đức và là thuộc loại sách “best-seller”; tác quyền đã đưa Hitler trở thành tác giả triệu phú đầu tiên của nước Đức. Đầu năm 2016, Mein Kampf đã được Viện Sử học Đương đại Munich phát hành với độ dày 1.948 trang, chia thành hai tập, kèm thêm 3.500 phân tích, bình luận của các chuyên gia, chỉ rõ những thiếu sót, xuyên tạc sự thật trong bản gốc.
Hay những cuốn sách có nội dung kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, xuyên tạc sự thật… cũng phải xem là những “độc thư”. Có một số cuốn sách về nội dung thể hiện thì tỏ ra rất khoa học, rất khách quan, nhưng ẩn bên trong là những ý đồ đen tối, những âm mưu nguy hiểm. Không chỉ có báo chí mới cần sự thật, sách cũng rất cần sự thật. Chẳng hạn, một cuốn sách nêu nhiều chi tiết có vẻ là đúng sự thật nhưng được cắt khúc, chỉ giữ lại những chỗ có lợi cho quan điểm của tác giả, thì có thể gây mơ hồ cho người đọc, vì thiếu các chi tiết trước đó hoặc sau đó để phản ánh một cách trung thực và toàn diện sự kiện. Đúng như nhiều người vẫn thường nói: Một nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật!
4. Người ham đọc sách nhưng không biết chọn lựa, đọc nhầm những cuốn sách độc hại thì nguy hiểm còn hơn người không đọc sách bao giờ. Nhà văn Mỹ Mark Twain (1835 – 1910) từng cảnh báo: “Hãy cẩn thận khi đọc sách về sức khỏe. Bạn có thể bỏ mạng vì một lỗi in ấn”. Nhà văn chỉ nói đến một lỗi in ấn cũng có thể làm chết người, nếu lỗi về tư tưởng, về mục đích thì sẽ hại bao nhiêu người và kéo dài bao lâu, khi sách vốn được lưu truyền từ đời này sang đời khác? Còn nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga Vissarion Bielinsky (1811 – 1848) còn nhấn mạnh hơn: “Đọc một cuốn sách xấu thì thà không đọc còn đỡ tệ hại hơn”. Rõ ràng là thế, đọc một “độc thư” nó sẽ tác động tiêu cực đến lý tưởng, nhận thức, lý trí, tình cảm và từ đó dẫn đến những hành động ngu xuẩn hoặc sai lầm.
Vậy đó, người ta có thể rất ham đọc sách, dùng đèn đom đóm, ánh trăng mờ, ánh tuyết, để thỏa mãn nhu cầu đọc sách, rộng hơn, là nhu cầu học tập. Nhưng nếu ta học tập với một phương pháp sai lầm, học với một ông thầy kém cả về tài năng và tư cách, cũng như đọc những cuốn sách tệ hại mà không tự nhận thấy được điều đó, lại tin tưởng theo nó, làm theo nó, thì kết quả cũng sẽ rất tệ hại. Người “độc thư” phải biết chọn sách hay, sách tốt, cả về tư tưởng, nội dung, cách hành văn, hình thức…, để tránh bị đầu độc!