Y học

Sớm đưa TP.HCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

An Quý 20/10/2023 - 21:52

Ngành y tế Thành phố tập trung ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ thế giới, hướng tới trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Bộ Y tế cùng báo Tiền Phong tổ chức hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” ngày 19/10 tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo, TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa Bệnh (Bộ Y tế), cho rằng Nghị quyết 31 đã nêu rõ mục tiêu ưu tiên đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, chăm sóc sức khỏe người dân, kể cả lĩnh vực y tế dự phòng…

khue.jpg
TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa Bệnh (Bộ Y tế)

"Chúng ta cần tập trung ý chí, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ hướng tới xây dựng TP.HCM thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh một cách toàn diện," Ông Khuê nói.

Việc phát triển y tế chuyên sâu, y tế kỹ thuật cao của TP.HCM và Việt Nam ra đời, bên cạnh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản cho người dân, phải đạt các mục tiêu góp phần phát triển du lịch y tế, giữ chân người Việt ở lại trong nước chữa bệnh, Việt kiều về nước chữa bệnh; đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thu nhập cao.

Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, tạo thế mạnh cạnh tranh

Bệnh viện Chợ Rẫy đã hợp tác quốc tế, phát triển y tế chuyên sâu, tạo thế mạnh cạnh tranh. Theo PGS.TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, từ các hợp tác quốc tế, bệnh viện đã tiếp cận nhanh với những tiến bộ mới nhất trong điều trị và kỹ thuật y khoa; nâng cao tay nghề và trình độ kỹ thuật.

bs-lam-viet-trung-bao-cao.jpg
Theo PGS.TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, từ các hợp tác quốc tế, bệnh viện đã tiếp cận nhanh với những tiến bộ mới nhất trong điều trị và kỹ thuật y khoa; nâng cao tay nghề và trình độ kỹ thuật.

“Từ đó chúng tôi nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị đối với sức khỏe cộng đồng; thu hút đầu tư nước ngoài về y tế; nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới...” PGS.TS.BS Lâm Việt Trung chia sẻ.

Trong một lần được mời báo cáo hội nghị ngoại khoa tại Philippines, đại diện cho Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS.BS Lâm Việt Trung đã báo cáo về chủ đề liên quan đến ung thư ở vùng tâm vị thực quản và để lại không ít ấn tượng với các bạn bè quốc tế.

Thông qua mối quan hệ cũng như chương trình hợp tác đào tạo phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Philippines đã giới thiệu bệnh nhân nam Sol Facun Asuncion (59 tuổi, đến từ Philippines) bị khối u ung thư ở vùng tâm vị thực quản tiến triển và đã được hóa trị tại Philippines đến với Bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành phẫu thuật sau những kỳ hóa trị.

bs-lam-viet-trung-voi-nguoi-benh-philippines.jpg
PGS.TS.BS Lâm Việt Trung cùng với bệnh nhân Sol Facun Asuncion (59 tuổi, đến từ Philippines) bị khối u ung thư ở vùng tâm vị thực quản tiến triển

PGS.TS.BS Lâm Việt Trung cho biết: “Bệnh nhân bị một khối u ở vùng tâm vị thực quản - vị trí khó nhất đối với phẫu thuật viên khi tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày. Với kinh nghiệm trong các kỹ thuật chuyên sâu, sự phối hợp hội chẩn đa chuyên khoa trong quá trình điều trị, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật nội soi hoàn toàn cho bệnh nhân để cắt khối u và chỉ cần cắt bán phần trên của dạ dày, kết hợp với nạo hạch triệt để.

Đây là một phương pháp phẫu thuật phức tạp và cũng là một kỹ thuật mới trên thế giới. Chúng tôi dùng phương pháp nội soi cắt dạ dày bán phần trên, xuyên qua cơ hoành để nạo hạch và cắt một phần thực quản. Cuối cùng, chúng tôi sử dụng máy nối thế hệ mới để phục hồi ống tiêu hóa, nối lại thực quản và dạ dày với ruột non... Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật. Mười hai ngày sau khi nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân xuất viện trở về Philippines.”

Còn Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM đã ứng dụng quy trình kỹ thuật số trong chuyên khoa răng hàm mặt nhằm thu hút khách quốc tế.

giao-su-ahlering-trao-doi-voi-cac-bac-si-benh-vien-binh-dan-ve-cach-dat-trocar-trong-ca-phau-thuat-robot-dieu-tri-ung-thu-tuyen-tien-liet-1-.jpg
TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Chúng ta cần tập trung ý chí, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ hướng tới xây dựng TP.HCM thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với nhiều kỹ thuật chuyên sâu"

“Bệnh viện tiếp nhận điều trị từ nha khoa phục hồi, phẫu thuật miệng - hàm mặt, cấy ghép nha khoa, chỉnh hình răng mặt, răng trẻ em, điều trị răng cho người cao tuổi cho đến các lĩnh vực thẩm mỹ vùng hàm mặt.

Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trên thế giới như điều trị các ca chấn thương hàm mặt phức tạp, thực hiện vi phẫu ghép nối thần kinh, ghép vạt da, cơ, thay khớp thái dương hàm toàn bộ hai bên bằng vật liệu nhân tạo, ứng dụng tái tạo mẫu 3D trong phẫu thuật chỉnh hàm, điều trị toàn diện dị tật khe hở môi - vòm miệng,” ThS.BSCKII Hồ Hữu Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, nói.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, Bệnh viện thành lập các trung tâm lâm sàng chuyên sâu: cấy ghép nha khoa, trung tâm chỉnh hình răng mặt… với cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ nhân lực y tế chất lượng, đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại để đáp ứng công tác điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế ngang tầm khu vực.

Ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân Việt Nam

BSCKII Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cũng đã chia sẻ về những phát triển chuyên sâu ngang tầm khu vực của một trung tâm đột quỵ TP.HCM.

“Đột quỵ là một trong những gánh nặng bệnh tật. Ước tính, thế giới có 12,2 triệu người bị đột quỵ và 6 triệu người tử vong/năm. Hiện có 80 triệu người đột quỵ sống trong tình trạng tàn phế. Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ mới/năm. Tử vong do đột quỵ đã đứng hàng thứ nhất, vượt trên nguyên nhân tim mạch, trong số đó có Việt Nam,” BSCKII Trần Văn Sóng chia sẻ.

bs-tran-van-song-bao-cao-tai-hoi-thao.jpg
BSCKII Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, đã chia sẻ về những phát triển chuyên sâu ngang tầm khu vực của một trung tâm đột quỵ TP.HCM.

Mỗi 30 phút có 01 người bệnh đột quỵ có thể sẽ bị tử vong hoặc di chứng kéo dài do điều trị tại các bệnh viện không phù hợp. Tỷ lệ người bệnh đột quỵ có cơ hội được cứu sống cao hơn khi được điều trị ở những trung tâm có đơn vị đột quỵ hoàn chỉnh. Bệnh viện Nhân dân 115 được giao nhiệm vụ và quyết tâm phát triển chuyên sâu lĩnh vực điều trị đột quỵ.

Cấp cứu đột quỵ chuyên sâu bao gồm các chuyên khoa: Cấp cứu, Đột quỵ, Chẩn đoán hình ảnh, Can thiệp mạch máu thần kinh, Ngoại thần kinh, Gây mê - Hồi sức, Phục hồi chức năng.

“Vào năm 2007, Bệnh viện Nhân dân 115 thành lập Đơn vị Đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2009, bệnh viện thành lập Khoa Bệnh lý mạch máu não. Hiện nay, Bệnh viện Nhân dân 115 phát triển theo hướng Trung tâm đột quỵ chuyên sâu quy mô 180 giường. Số bệnh nhân đột quỵ nhập viện trung bình mỗi năm từ hơn 10.000 đến hơn 16.000 ca,” BSCKII Trần Văn Sóng cho biết.

Các kỹ thuật chuyên sâu điều trị đột quỵ được thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân 115 gồm tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch; tiêu sợi huyết qua đường động mạch; lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học; Mở rộng cửa sổ điều trị lên 24h.

Ngoài ra, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ từ năm 2019. Bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng (từ 6 - 24 giờ) nhờ phần mềm RAPID giúp chọn 56% bệnh nhân được can thiệp nội mạch kết quả có 51,2% người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường.

Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, tự hào khẳng định, sau gần 3 thập niên không ngừng nỗ lực, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã phát triển ngang tầm các nước trong khu vực.

bs-hoang-thi-diem-tuyet.jpg
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, tự hào khẳng định lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong gần 3 thập niên qua, phát triển ngang tầm các nước trong khu vực

“Đến nay, hệ thống hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã có đến 53 trung tâm trên toàn quốc. Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam hiện nay đạt hiệu quả cao ( 40 - 60%) ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt chi phí điều trị tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam tuy đi sau thế giới nhưng hiện nay hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về hỗ trợ sinh sản đều được triển khai tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến.” PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết khẳng định.

Một trong những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản phải kể đến việc nuôi cấy phôi với hệ thống quan sát liên tục (Time lapse) giúp cho việc đánh giá phôi được chính xác hơn so với việc đánh giá phôi bằng 1 hình ảnh vào các thời điểm, góp phần gia tăng tỷ lệ có thai và tỉ lệ sinh sống.

“Ngoài ra, cùng với sự phát triển di truyền y học, việc chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ đã giúp cho các trường hợp lớn tuổi, sẩy thai liên tiếp, bất thường di truyền... có thể sinh thiết phôi và chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ, sàng lọc được những phôi khỏe mạnh để chuyển vào buồng tử cung giúp các cặp vợ chồng đặc biệt này có thể thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số, hạn chế việc chấm dứt thai kỳ do thai dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường di truyền từ lệch bội, đến đột biến gene,” PGS.TS.BS Diễm Tuyết chia sẻ.

Nuôi trưởng thành trứng non giúp các trường hợp buồng trứng đa nang hạn chế biến chứng nguy hiểm là quá kích buồng trứng khi kích thích buồng trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trữ rã mô buồng trứng nhằm bảo tồn khả năng sinh sản cho các bệnh nhân ung thư trước khi phải điều trị hóa trị, xạ trị. Từ đó nếu điều trị ung thư thành công, họ vẫn có thể thực hiện thiên chức làm mẹ.

“Đặc biệt, Việt Nam là một những quốc gia ít ỏi trên thế giới đồng thuận cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với một hệ thống luật và các quy định hướng dẫn chặt chẽ đã giúp rất nhiều bệnh nhân được làm mẹ mà tưởng chừng như vô vọng trước đây như bệnh nhân bị bất sản tử cung, bị các bệnh của tử cung mà không thể giúp thai làm tổ như lạc nội mạc tử cung, tổn thương nội mạc tử cung hay các trường hợp bị các bệnh nội khoa không ổn định nếu mang thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ (suy tim, suy thận giai đoạn cuối...),” BS Diễm Tuyết nói.

Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã được Tổ chức Children’s HeartLink, một tổ chức Phi Chính phủ của Hoa Kỳ chuyên hỗ trợ, giúp đỡ các nước đang phát triển phát triển chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch trẻ em, công nhận là Trung tâm Tim mạch Xuất sắc.

trung-tam-tim-mach.jpg
Suốt hành trình 15 năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thực hiện hơn 5.100 ca phẫu thuật tim hở và hơn 7.100 ca thông tim can thiệp, với tỷ lệ sống còn 98%.

Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã trở thành Trung tâm Xuất sắc (Center of Excellence) thứ bảy trên thế giới và là Trung tâm Tim mạch Xuất sắc đầu tiên của Children’s HeartLink tại Việt Nam.

Suốt hành trình 15 năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thực hiện hơn 5.100 ca phẫu thuật tim hở và hơn 7.100 ca thông tim can thiệp, với tỷ lệ sống còn 98%.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Nghị quyết 20 nêu rõ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện; tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện… đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện xanh, sạch đẹp.

ngay-hoi-viec-lam-cac-bac-si-tre.jpg
Theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, để TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế

TP.HCM không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước. Ngoài ra, TP.HCM hiện có điểm đánh giá chất lượng bệnh viện tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước, không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,5 điểm.

"Để TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh; đồng thời đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế", PGS.TS Khuê nhấn mạnh.

An Quý