Ung thư buồng trứng ở bé gái
Ung thư buồng trứng ở bé gái chỉ chiếm khoảng 0,1% các trường hợp mắc bệnh dưới 15 tuổi. Hiện nay tỷ lệ này đang dần tăng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Có những trẻ 6 - 7 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng (UTBT) là sự hình thành các khối u ác tính tại buồng trứng. Đây là loại ung thư đứng hàng thứ hai trong ung thư phụ khoa ở nữ giới, gồm 3 nhóm mô bệnh học chính là ung thư biểu mô, ung thư tế bào mầm, u mô đệm - dây sinh dục.
Trong đó ung thư biểu mô buồng trứng chiếm 90 - 95% các khối u buồng trứng ác tính. U buồng trứng tế bào mầm và u buồng trứng mô đệm - dây sinh dục chiếm từ 5 đến 10% còn lại.
Ung thư buồng trứng thường xảy ra ở độ tuổi nào?
Bệnh có thể xảy ra ở mọi nhóm đối tượng, từ trẻ em đến phụ nữ mãn kinh. Trong đó, 85% ung thư buồng trứng xảy ra ở độ tuổi 40 - 55, khi buồng trứng đã suy giảm các chức năng hoạt động và phát triển tế bào tự do ác tính. Sau 55 tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng giảm thấp.
Ung thư buồng trứng bé gái là trường hợp hiếm gặp, tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 0,1% các trường hợp mắc bệnh dưới 15 tuổi. Mặc dù vậy, hiện nay tỷ lệ này đang dần tăng lên không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Có những trẻ 6 - 7 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng xảy ra ở bé gái chủ yếu là những khối u ác tính được hình thành từ tế bào mầm. Tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận cho đến nay là 2 - 4% trong tổng số 1 triệu trẻ em gái.
Đối với các bé gái ở độ tuổi vị thành niên hoặc thanh thiếu niên đang trong giai đoạn dậy thì, u tế bào mầm ở buồng trứng chiếm 60% u buồng trứng.
Các dấu hiệu thường gặp là gì?
Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết, khi phát hiện bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Những biểu hiện sau có thể xuất hiện:
- Cảm thấy đầy bụng, ợ nóng.
- Đau lưng, đau bụng vùng khung chậu.
- Ăn uống không ngon miệng.
- Sút cân không rõ lý do.
- Rối loạn đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, táo bón.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Bụng to nhanh.
- Sờ thấy khối u cứng ở bụng.
Khi có một trong các biểu hiện trên, đặc biệt ở những bé gái, cần đến cơ sở y tế khám ngay.
Các cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán ung thư buồng trứng là gì?
Dấu ấn huyết thanh học
CA 125 là một loại protein có trên bề mặt của các tế bào ung thư ác tính và một số mô lành tính. Thống kê cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân có nồng độ CA 125 cao hơn mức bình thường.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nồng độ CA 125 cao nhưng chưa đủ để kết luận chắc chắn bệnh nhân có bị ung thư buồng trứng hay không. Các tình trạng khác như lạc nội mạc tử cung, viêm ruột thừa vẫn có thể làm tăng nồng độ CA 125 trong máu.
Do đó, bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện thêm một số kỹ thuật khác nhằm tăng độ chính xác cho kết quả chẩn đoán.
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nghĩ UTBT dạng tế bào mầm, nên được làm các dấu ấn huyết thanh học: Beta-Human Chorionic Gonadotropin (β-hCG), Alpha-Fetoprotein (AFP), Lactate Dehydrogenase (LDH)
Siêu âm (SÂ)
Được coi như một hình ảnh học đầu tay để đánh giá một khối u vùng chậu.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh mang tính khách quan và chính xác. Nó không được xem là lựa chọn đầu tay cho đánh giá một khối u phần phụ. Tuy nhiên MRI sẽ được thực hiện khi SÂ có các dấu hiệu nghi ngờ ác tính, với mục tiêu đánh giá di căn, báng bụng, bệnh lý hạch.
Các cận lâm sàng khác
CTscan
Một số trường hợp u quái có thể cho các hình ảnh cản quang gợi ý do xương, răng trong khối u. Ngoài ra, còn có thể đánh giá các tổn thương nguyên phát trong UTBT di căn từ đường tiêu hóa.
XQuang ngực thẳng được thực hiện thường quy nhằm đánh giá di căn phổi.
XQuang bụng không sửa soạn khi UTBT có biến chứng tắc ruột.
Nội soi dạ dày, đại tràng bằng ống mềm để phân biệt với UTBT thứ phát di căn từ đường tiêu hóa.
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Phẫu thuật
Đây là phương pháp được ưu tiên lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng. Phẫu thuật giúp xác định chính xác giai đoạn ung thư, trong quá trình phẫu thuật có thể kết hợp kiểm tra tình trạng hiện tại của khối u, buồng trứng và các tổn thương hiện có bên trong ổ bụng.
Thông thường, đối với phụ nữ UTBT lớn tuổi: phẫu thuật bao gồm cắt toàn bộ tử cung, phần phụ hai bên, mạc nối lớn, loại bỏ hoặc phá hủy toàn bộ các khối u. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mặt dưới cơ hoành và toàn bộ phúc mạc, sau đó tiến hành sinh thiết nếu có nghi ngờ bất thường. Tiếp theo là kiểm tra hạch chậu, hạch chủ bụng để loại bỏ đi các hạch bị di căn. Thu mẫu dịch rửa ở ổ bụng để làm tế bào học.
Đối với bé gái, các bác sĩ sẽ ưu tiên phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản:
- Bóc u một bên hoặc 2 bên, chừa lại mô buồng trứng lành;
- Cắt phần phụ 1 bên (bao gồm buồng trứng và ống dẫn trứng 1 bên) hoặc bóc u 1 bên và sinh thiết buồng trứng còn lại khi nghi ngờ có sang thương.
Hóa trị
Sau điều trị bằng phẫu thuật, các tế bào ung thư có thể vẫn còn sót lại hoặc lan ra mà chưa được cắt bỏ hết. Lúc này, phương pháp hóa trị ung thư được sử dụng để tiêu diệt những phần tế bào còn sót lại đó.
Xạ trị, liệu pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, có thể lựa chọn.
Những lưu ý trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng ở bé gái
Tuân thủ theo phác đồ điều trị
Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của bác sĩ theo từng giai đoạn cụ thể của bệnh, tuân thủ các liệu pháp điều trị khác nhau của bác sĩ như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị để chữa khỏi bệnh ở giai đoạn sớm, tránh tái phát cũng như những biến chứng không mong muốn
Tái khám định kỳ
Bệnh nhân cần theo dõi để có thể phát hiện sự tái phát của bệnh để tiếp tục điều trị kịp thời cũng như tăng khả năng bảo vệ chức năng sinh sản cho bé. Không nên chủ quan không tái khám bởi khối u sẽ phát triển mạnh hơn gây khó khăn trong điều trị
Kết hợp dinh dưỡng, tâm lý, luyện tập
Gia đình cần tạo tâm lý thoải mái cho bé cũng như chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé trong giai đoạn này. Các bé thường chưa hiểu rõ về căn bệnh mình mắc phải nên bố mẹ hoàn toàn có thể giữ cho bé một tinh thần lạc quan, vui vẻ nhất trong quá trình điều trị.