Y học

Bánh su kem có kem tươi dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm

An Quý 06/10/2023 21:49

Bánh su kem chỉ có vỏ bánh được nướng, phần kem tươi làm từ sữa và trứng - môi trường “ưa thích” của các loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn Salmonella spp, dễ gây bệnh, ngộ độc thực phẩm...

Bánh su kem: Đối tượng nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, tất cả các loại thực phẩm đều là đối tượng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Bánh su kem được xem là một trong những thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

bs-diep(1).jpg
Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, bánh su kem được xem là một trong những thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

“Bánh su kem giàu chất dinh dưỡng, có độ ẩm cao, đặc biệt có nhiều trứng, kem tươi và sữa trong phần nhân của bánh là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn Salmonella tăng sinh và gây bệnh, ngộ độc thực phẩm…,” BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp giải thích.

Vì thế, theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, do đây là loại thực phẩm có nguy cơ cao nên tất cả các công đoạn trong quy trình làm bánh su kem đều có thể dẫn đến nhiễm bẩn nếu chúng ta không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tác nhân là vi khuẩn có thể đến từ bản thân người làm bánh, người tham gia vào quá trình bảo quản, vận chuyển kinh doanh bánh; từ các dụng cụ chế biến, chứa dựng bánh; từ chính bánh su.

“Người tham gia chế biến, kinh doanh bánh phải không mắc bệnh lây qua thực phẩm, không phải người lành mang trùng, phải đội mũ che lín tóc, đeo khẩu trang, mang găng tay, mặc tạp dề trong quá trình làm bánh, bán bánh. Môi trường làm bánh và kinh doanh bánh phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nhưng nếu dụng cụ làm bánh không rửa sạch, nhiệt độ bảo quản bánh không phù hợp, bánh không được để trong tủ tránh bụi bẩn, côn trùng... đều sẽ khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng rất cao,” BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp cảnh báo.

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - Giảng viên Bộ môn Nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cũng cho biết thêm, các con đường có thể làm thực phẩm nói chung, bánh su kem nói riêng, bị nhiễm các loại vi khuẩn kể cả Salmonella, gồm: thức ăn đã hết hạn sử dụng, thức ăn sau chế biến để lâu trong môi trường bên ngoài, bàn tay của đầu bếp nấu ăn bẩn, dùng chung thớt thái thịt chín và thịt sống… Bên cạnh đó, dù thức ăn không bị nhiễm vi khuẩn nhưng khi đặt cùng với rau sống, chúng cũng có thể bị nhiễm khuẩn, còn gọi là ngoại nhiễm.

Theo BSCKII Ngọc Diệp, vi khuẩn Salmonella tăng sinh rất nhanh và có thể gây nhiễm trùng tại đường tiêu hóa, nhiễm trùng toàn thân.

img_3354.jpeg
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh su kem vào đêm Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), đến nay, khoảng 50 trường hợp cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau như đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu phân lỏng...

“Vi khuẩn Salmonella có thể gây tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, với các triệu chứng ồ ạt như nôn ói, tiêu chảy… dẫn tới mất nước, rối loạn điện giải; trên những cơ địa sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, dễ dẫn đến các rối loạn nước điện giải, rối loạn chức năng tim mạch, thận và có thể đe dọa tính mạng ” BSCKII Ngọc Diệp nói.

Chia sẻ thêm về độc lực của vi khuẩn Salmonella, BS Vân Anh cho hay mức độ độc lực còn tùy theo sự tương tác về hàm lượng nhiễm độc, độc tố vi khuẩn, vi khuẩn đã đến dạ dày chưa... Nếu vi khuẩn đã qua dạ dày, tấn công vào nhiều cơ quan có thể gây nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, BS Vân Anh khuyến cáo cần lựa chọn thực phẩm sạch, ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng cách. Đối với các bếp ăn chế biến thức ăn với số lượng lớn phải tuân thủ nghiêm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phân của trẻ ngộ độc sau đêm trung thu nhiễm Salmonella spp

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh su kem vào đêm Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), đến nay, khoảng 50 trường hợp cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau như đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu phân lỏng nhiều lần (bao gồm cả nhân viên, nhà thầu và người thân của nhân viên); trong đó có 1 trẻ (sinh năm 2017) tử vong.

Tại sự kiện này, 230 bánh su kem nhãn hiệu Givral đã được nhà tài trợ mua tại cửa hàng bánh Givral trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 22 (quận Bình Thạnh), có địa chỉ sản xuất tại quận Tân Phú.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM ngày 5/10 cho biết, qua báo cáo của Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra sau đêm trung thu tại chung cư Palm Heights, ngoài những trẻ được đưa đến các bệnh viện, còn có 2 trẻ có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy sau khi dự tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights đi khám tại một phòng khám tư.

Nhận được thông tin này, Tổ công tác Sở Y tế TP.HCM đã đến phòng khám đó để tìm hiểu và xác định rõ. Đúng như báo cáo của Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, 2 trẻ (người nước ngoài) được gia đình đưa đi khám tại Phòng khám đa khoa số 03 (thuộc Công ty Cổ phần Phòng khám Gia đình TP.HCM).

Cụ thể, vào ngày 1/10, phòng khám tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nam đến khám (6 tuổi và 12 tuổi), là anh em ruột, quốc tịch Nga, sinh sống tại chung cư Palm Heights. Cả 2 trẻ có tham gia chương trình Trung thu tại chung cư Palm Heights vào tối ngày 29/9 và đã ăn nhiều loại thức ăn tại buổi tiệc.

Bệnh nhi nam 6 tuổi với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy; được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột, nghi ngờ viêm ruột trực khuẩn; được xử trí truyền dịch tại Phòng khám và chỉ định xét nghiệm PCR phân, kết quả dương tính với Salmonella spp. với Ct value là 28.2.

Riêng bệnh nhi nam 12 tuổi, bị đau bụng nhiều, sốt, tiêu chảy, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao, CRP tăng, kết quả siêu âm bụng là viêm ruột, xét nghiệm PCR phân cũng cho kết quả dương tính với Salmonella spp. với Ct value 31.1. Hiện nay, sức khoẻ của 2 trẻ đã phục hồi tốt.

Vi khuẩn Salmonella spp cũng là 1 trong 3 vi khuẩn được Viện Pasteur Nha Trang phát hiện trong mẫu cánh gà chiên khiến 665 học sinh tại Nha Trang đã bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 1 học sinh lớp 1 tử vong, hồi tháng 12/2022.

Ngộ độc thực phẩm cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vào ngày 5/10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, ngay khi nắm thông tin, Ban đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc, tiến hành điều tra dịch tễ, thanh tra toàn diện cửa hàng phân phối, kiểm tra cơ sở sản xuất bánh su kem được dùng trong bữa tiệc. Đơn vị cũng lấy mẫu tất cả các nguyên liệu đầu vào như sữa, trứng, bơ… và mẫu bánh lưu sản xuất ngày 29/9 để xét nghiệm và đang chờ kết quả.

Về việc chỉ tập trung xét nghiệm bánh su kem mà không điều tra nguồn thực phẩm khác trong bữa tiệc như xúc xích, nước ngọt, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM thông tin do có vấn đề tử vong của bé gái 6 tuổi. Nạn nhân này không dự tiệc trung thu tại chung cư mà chỉ ăn bánh su kem mà mẹ đem về từ sự kiện. Bánh su kem là điểm chung của bé gái và các trẻ khác đang nhập viện sau khi dự tiệc.

Theo bà Phong Lan, thực phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng là tốt, nhưng trong trường hợp này chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Hiện chưa có kết luận sau cùng nhưng rõ ràng vẫn có thể xảy ra ngộ độc với thực phẩm có thương hiệu.

tp-2-1671.jpg
Ngay khi nắm thông tin, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM đã tiến hành điều tra dịch tễ, thanh tra toàn diện cửa hàng phân phối, kiểm tra cơ sở sản xuất bánh su kem được dùng trong bữa tiệc. Đơn vị cũng lấy mẫu tất cả các nguyên liệu đầu vào như sữa, trứng, bơ… và mẫu bánh lưu sản xuất ngày 29/9 để xét nghiệm..

Bà Phong Lan khuyến nghị rằng, người dân phải chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách chọn thực phẩm, chế biến và bảo quản phù hợp. Như với loại bánh su kem, người dân cần hiểu loại bánh này phải được bảo quản lạnh, ăn trong ngày, chứ không thể để qua ngày hôm sau.

Quan điểm của bà là không xem nhẹ và đừng bao giờ nghĩ ngộ độc thực phẩm là bất ngờ. Hiểm họa về mất an toàn thực phẩm luôn hiện hữu, đặc biệt khi khí hậu nước ta nóng ẩm, môi trường bị ô nhiễm, khiến vi khuẩn, vi nấm rất dễ phát sinh. Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra với các nhóm cơ địa yếu, dị ứng sẽ nguy hiểm đến tính mạng không kém gì các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Bà Phong Lan nhấn mạnh, cần phải nhận thức ở một thành phố trên 10 triệu dân, ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra và sẽ còn xảy ra. Chúng ta cần phòng ngộ độc thực phẩm bằng thói quen "ăn sạch, uống sạch".

An Quý