Chuyển đổi số với doanh nghiệp: “Mạch sống” tích cực của phát triển
Trong tầm nhìn đến 2030, TP.HCM hướng đến đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của chuyển đổi số, xã hội số.
Thông điệp trên được nhắc lại nhiều lần từ năm 2020, khi quá trình chuyển đổi số diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có. Một phần, để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Một phần khác, đây là bước tiến nhảy vọt để thay đổi phương thức làm việc của cả thành phố gần 10 triệu dân.
Tương lai dữ liệu số
Đến bây giờ, chuyển đổi số đã là bức tranh rõ ràng và là con đường mà cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều tự tin tham gia và góp sức. Trong vai trò là nhà quản lý doanh nghiệp, tôi cảm nhận được rõ ràng sức mạnh chuyển đổi số đem lại cho ngành nước của mình.
Các lãnh đạo và đồng nghiệp của tôi đã liên tục tham gia vào các chương trình huấn luyện, cũng như đưa kỹ thuật mới vào để quản lý dữ liệu nguồn nước, thất thoát nước, kiểm soát quy trình cấp nước. Ở quy mô quản lý, chuyển đổi số đã “mở trói” cho nhiều quy trình mà trước đây vì dữ liệu phân mảnh ở nhiều khâu, chúng tôi khó lòng tối ưu hóa trong sản xuất và cấp nước.
Là doanh nghiệp trong ngành hạ tầng, tôi tin rằng chuyển đổi số là mạch sống quan trọng, giúp cho TP.HCM phát triển vượt bậc trong những năm sắp tới. Trong năm 2023 này, chủ đề dữ liệu số được đề cập trong nhiều hội thảo.
Phát huy sức mạnh của dữ liệu số, dịch vụ trực tuyến của thành phố sẽ thông suốt hơn, giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi, khiến người dân hài lòng hơn. Dịch vụ công nhờ đó cũng thông suốt, bảo mật và an toàn hơn cho cả cơ quan nhà nước và nhân dân.
Phát triển, kết nối, khai thác và phân tích dữ liệu số sẽ giúp cơ quan nhà nước ra quyết định đúng đắn dựa trên số liệu, và hoạt động thông suốt hơn giữa các cơ quan ban ngành.
Dữ liệu số cũng giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp. Từ đó, doanh nghiệp có thể phân tích, nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, ra quyết định đúng đắn hơn cho chiến lược sản xuất. Nguồn dữ liệu mở ngày càng đầy đủ cũng giúp chính quyền minh bạch hơn, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, kinh doanh hơn vì có thông tin đầy đủ.
Sau ba năm Ủy ban Nhân dân TP.HCM công bố quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, tôi thực sự nhìn thấy tương lai nhiều cơ hội rộng mở để thành phố tăng tốc độ phát triển, kết nối với các quốc gia trong khu vực, kết nối thông suốt giữa các hệ thống hạ tầng, dịch vụ, quản lý trong toàn thành phố.
Người dân nhiệt tình chuyển đổi số
Điều quý giá nhất mà TP.HCM có được, chính là sự linh hoạt và nhanh chóng học hỏi công nghệ của người dân. Một cô bán bánh mì, chú bán cafe dạo giờ cũng có mã QR thanh toán tài khoản.
Một phụ nữ đang chăm con nhỏ cũng có thể mở sạp hàng trên mạng, mua bán, giao dịch hoàn toàn trên mạng. Một nhóm bạn trẻ có tri thức và đam mê có thể bắt tay làm ngay sản phẩm công nghệ bán được nhờ lướt những làn sóng như AI hiện thời.
Vài tuần trước đây, tôi có tham gia một hội thảo công nghệ. Ở đó, một bạn trẻ đã minh họa sử dụng ChatGPT vào những tác vụ công việc thường thấy ở một doanh nghiệp vừa và nhỏ, như viết báo cáo, trả lời câu hỏi của khách hàng, và tạo hình ảnh.
Tương lai có AI là tương lai có thể nhìn thấy rõ, khi những người trẻ, chuyên gia ở Việt Nam đang háo hức học tập và ứng dụng công nghệ mới trong chuyên môn của mình. Số lượng các nhà nghiên cứu người Việt trong mảng trí tuệ nhân tạo ở các học viện lớn trên thế giới ngày càng nhiều.
Tôi đã được biết về những công ty startup dùng AI cho các sản phẩm họ tạo dựng, với tốc độ nhanh chóng và tiếp thu không ngừng nghỉ.
Chỉ vài năm trước, chúng ta còn nghe nói đến những chatbot chăm sóc khách hàng không biết trả lời, phản hồi những ý không có nội dung, “đối phó” là chính. Thì nay, những chatbot chăm sóc khách hàng đã linh hoạt hơn, câu trả lời được “học” và tạo ra “người” hơn, giúp dịch vụ chăm sóc khách hàng đáp ứng tốt hơn kỳ vọng và giảm thiểu sự bực dọc trước kia.
Và khối doanh nghiệp hạ tầng như chúng tôi, thật sự tự hào vì lãnh đạo và đồng nghiệp rất quyết tâm theo chuyển đổi số, giúp giảm thiểu hao phí, gia tăng năng suất lao động, tăng cường chất lượng dịch vụ.
Nội lực đó là năng lượng tích cực để TP.HCM tiếp tục con đường chuyển đổi số đến 2030. Chúng ta có một giấc mơ thật sự đang thành hình: một thành phố số, những doanh nghiệp số, người dân sành sỏi công nghệ.
Tương lai đó bắt đầu từ ngày chuyển đổi số 10/10 hằng năm.