Công nghệ

Giải bài toán nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn

Bình Minh 28/09/2023 - 15:46

Mới đây, nhiều trường đại học (ĐH) của Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ vi mạch, nhằm mục đích tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Tiến sĩ Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH-ĐT), cho biết thông tin về việc Chính phủ đã giao Bộ TT-TT xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên tới nay, hiện vẫn chưa có chiến lược cụ thể.

Trên cả nước, có quá ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Đáng tiếc là ngay cả khi có thì các chương trình đào tạo lại thiếu phòng thí nghiệm, thiếu thực hành thực tế, thiếu liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực.

Hiện chỉ có Viettel High Tech và FPT Semicondcutor bắt đầu tham gia thiết kế, sản xuất một số chip dùng cho điện tử viễn thông, y tế nhưng nhân lực ít và chưa chuẩn hóa.

4b-1504.jpg
Sinh viên cùng giảng viên trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: SGGP

Tiến sĩ Võ Xuân Hoài cho rằng lúc này cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch. Lúc này, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu công việc với khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Với chiến lược phát triển ngành vi mạch của Việt Nam thì số lượng kỹ sư còn rất khiêm tốn, trong khi chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tầm quốc gia. Tới năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 55.000 nhân lực chất lượng cao cho công nghệ vi mạch, do đó cần phải ưu tiên tập trung vào nhóm các trường ĐH có thế mạnh như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội... để đào tạo.

PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn có 4 khâu trong chuỗi cung ứng, bao gồm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói và kiểm tra vi mạch, chế tạo thiết bị. Việt Nam chỉ có thể tham gia vào khâu thiết kế chip trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đây là khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao cho vi mạch.

Được biết, nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng đến Việt Nam và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn, do đó Việt Nam phải phát triển công nghiệp vi mạch bằng chính nội lực để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước. Và muốn phát triển công nghệ vi mạch thì đầu tiên là phải đào tạo nhân lực và có chiến lược tầm quốc gia.

Theo đó, từ năm 2023, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch (mã ngành 108), thuộc ngành Điện tử - Viễn thông. Đây là một trong những ngành đào tạo chất lượng cao, có tính ứng dụng cao và mang tính xu hướng toàn cầu.

Theo PGS-TS Đỗ Hồng Tuấn, Trưởng khoa Điện - Điện tử, với những tiến bộ của khoa học - công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, việc áp dụng các kỹ thuật điện tử - viễn thông vào đời sống yêu cầu sự gia tăng đột biến việc sử dụng các chip, vi mạch điện tử trên toàn cầu.

Bình Minh