Y học

Gam màu sáng trong tranh của bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ

Khởi Nguyên 28/09/2023 - 15:45

Bệnh viện An Bình TP.HCM vừa khai mạc Triển lãm mỹ thuật “Mang ý nghĩa vào cuộc sống” - những bức tranh do các bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ vẽ.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 29/9/2023 với 59 tác phẩm hội họa do 36 bệnh nhân đang điều trị phục hồi chức năng, phục hồi ngôn ngữ, trí nhớ… tại Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện An Bình, thực hiện. Từng bức tranh là cả hành trình phục hồi và sự kiên trì, vượt qua bệnh tật của người bệnh.

z4734493184327_01039ed7c4eb6c36be9ea40f24e2ad7a.jpg
Mỗi nét vẽ, đường cọ, sự giao thoa giữa các mảng màu chính là sự kiên trì, nỗ lực, khát vọng được sống và sống thật ý nghĩa của mỗi bệnh nhân.

Lớp học vẽ dành cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau đột quỵ tại Bệnh viện An Bình ra đời 10 năm qua. Vào thứ sáu hằng tuần, người thân của bệnh nhân đang phục hồi sau đột quỵ lại đưa họ đến với lớp vẽ…

59 bức tranh trưng bày được lựa chọn từ hàng trăm bức vẽ của các bệnh nhân điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện An Bình trong 10 năm qua.

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện An Bình - cho biết: "Năm 2013, Khoa Phục hồi Chức năng mở lớp Hội họa - Giao tiếp dành riêng cho những bệnh nhân đang điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện. Học viên của lớp vẽ là những bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương sọ não, xuất huyết não, hoặc những bệnh nhân gặp vấn đề giao tiếp, suy giảm trí nhớ..."

z4734493183091_d74cd517cc3d9ff5f93eb4d493f0a714.jpg
Ký ức đã ẩn chứa bao buồn vui trong từng tranh vẽ của họ… những bệnh nhân đột quỵ.

Lớp vẽ ban đầu chỉ có một vài bệnh nhân tham gia, không ai nghĩ bệnh nhân tai biến vốn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, cử động lại có thể cầm cọ vẽ tranh. Sau 02 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, tháng 9/2022, lớp học được khởi động trở lại, ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân hơn.

Chị Đoàn Nguyên Thùy, ngụ Quận 05 - TP.HCM chia sẻ: "Xem tranh của chồng, tôi không kìm được nước mắt… Nhớ lại tháng 12/2028, anh phát bệnh ung thư phổi. Anh đã tham gia lớp vẽ trong lúc điều trị, tham gia được 03 năm, anh qua đời."

Trước khi phát hiện mắc bệnh ung thư phổi, anh Phạm Minh Đức, chồng chị Thùy, từng bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên phải khoảng 10 năm. Anh Đức đi tập vật lý trị liệu, sau đó tham gia lớp hội họa tại Bệnh viện An Bình.

z4734493172029_05b2fbaec5de577f30e84e663cbcc499.jpg
Chị Đoàn Nguyên Thùy, ngụ Quận 05 - TP.HCM, bên bức ảnh gia đình do chồng chị vẽ.

"Tôi thích nhất bức gia đình mà chồng tôi đã vẽ. Tôi cũng muốn xin bệnh viện một bức về làm kỷ niệm cho các con," chị Thùy xúc động.

Các tác phẩm mỹ thuật của bệnh nhân, với những gam màu đầy dấu ấn, từ những bàn tay không hoạt động như vốn có của một người bình thường nhưng với nét chấm phá run run, nghiêng nghiêng…

Từ những bàn tay trải qua sự phục hồi của cơ thể đã in đậm dấu ấn về quá khứ của từng cuộc sống riêng tư, bằng ký ức đã ẩn chứa bao buồn vui trong từng tranh vẽ của họ… những bệnh nhân đột quỵ.

Mỗi nét vẽ, đường cọ, sự giao thoa giữa các mảng màu chính là sự kiên trì, nỗ lực, khát vọng được sống và sống thật ý nghĩa của mỗi bệnh nhân.

Khởi Nguyên