Y học

Ứng dụng ECMO cứu sống bệnh nhân sốt xuất huyết suy đa tạng, rối loạn đông máu

An Quý 22/09/2023 16:04

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan được điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

Dùng ECMO cứu bệnh nhân sốt xuất huyết bị rối loạn đông máu

Trước đó, bệnh nhân nam Trần Đình Ph (36 tuổi, Gò Vấp, TPHCM) bị sốt và điều trị sốt ngoại trú tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue và được bù dịch. Sau đó khi về nhà, bệnh nhân bị đau thượng vị, nôn nhiều, đi cầu phân lỏng nước 2 - 3 lần nhưng do chủ quan nên bệnh nhân chỉ tự theo dõi.

Báo cáo tại Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023 ngày 22/9, Đại úy, bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Quân y 175) Nguyễn Cảnh Chung, đã chia sẻ về một ca sốt xuất huyết nặng bị tổn thương đa cơ quan.

benh-nhan-sxh.jpg
Đại úy, bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Quân y 175) Nguyễn Cảnh Chung, đã chia sẻ ứng dụng kỹ thuật ECMO để cứu một ca sốt xuất huyết nặng bị tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân được thở máy, mở khí quản, duy trì ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể - extracorporeal membrane oxygenation).

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ còn thực hiện bù các chế phẩm máu, thay huyết tương, duy trì chống đông phù hợp; duy trì biện pháp cầm máu cơ học do bệnh nhân bị chảy máu mũi; sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng nấm…; cân bằng dịch.

“Vấn đề khó khăn nhất khi chỉ định ECMO ở bệnh nhân rối loạn đông máu/ Sốt xuất huyết Dengue là vấn đề sử dụng thuốc chống đông. Khi máu của mỗi người được lấy ra khỏi lòng mạch, ngay lập tức sẽ hoạt hóa quá trình đông máu, nếu không can thiệp vào quá trình này, những màng của các kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ đông lại và không đảm bảo chức năng. Nhưng nếu sử dụng chống đông, nguy cơ chảy máu nguy hiểm trên bệnh nhân sốt xuất huyết rất cao,” BS Cảnh Chung chia sẻ thêm.

z4707179989094_9fbeb69ce2b7d6b6eaec497ee9122af3.jpg
Thực hành cấp cứu hồi sức đóng một vai trò rất quan trọng trong chất lượng cứu chữa, điều trị.

BS Chung cho biết, khi tìm kiếm từ khóa ECMO ở bệnh nhân sốt xuất huyết trên tạp chí Pubmed, chỉ có 4 kết quả trong 8 năm qua. Chỉ định các biện pháp như ECMO ở bệnh nhân sốt xuất huyết là hết sức hi hữu. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Bộ Y tế, Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 175 đã triển khai thành công các kỹ thuật này cứu sống bệnh nhân sốt xuất huyết bị suy đa tạng, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân đã điều trị khoảng 1 tháng 20 ngày, trong đó 10 ngày chạy ECMO, truyền 11,2 l hồng cầu, gần 100l huyết tương tươi.

BS Chung cho biết, theo báo cáo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đã có sự thay đổi trong kiểu hình bệnh nhân sốt xuất huyết tại bệnh viện. Nếu như trước đây bệnh nhân đến khám và điều trị chiếm đa số (62%) vào năm 2017 đến năm 2022 chỉ còn là 12%; thay vào đó là số lượng bệnh nhân mức độ nặng hơn (dấu hiệu cảnh báo tăng từ 32 lên 72%) và nặng chiếm 5 - 16%. Trong nhóm bệnh nhân nặng, tỷ lệ sốc cũng tăng lên.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe

Ngày 22/9, Cục Quân y, phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023.

thieu-tuong-giang.jpg
Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Quân y

“Thực hành cấp cứu hồi sức đóng một vai trò rất quan trọng trong chất lượng cứu chữa, điều trị. Trong những năm qua, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chuyên ngành hồi sức cấp cứu phát triển nhanh chóng, góp phần rất lớn nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội và nhân dân.” Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Quân y, nói.

Thiếu tướng, TTUT.TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, các hội nghị chuyên ngành như hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023 này góp phần nâng cao trình độ, nâng lực cấp cứu ngoại viện, hồi sức...

thieu-tuong-tran-quoc-viet.jpg
Thiếu tướng, TTUT.TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175

Trong hội nghị, nhiều chuyên gia đầu ngành đã báo cáo các chuyên đề liên quan đến cấp cứu ngoài bệnh viện, các kỹ thuật cấp cứu hồi sức tích cực.

Thiếu tướng, TTND.PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Miền nam, Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đã trình bày tổng quan về “Cấp cứu và vận chuyển đường không”. Tại Việt Nam, những năm gần đây, cấp cứu đường không đã được chú ý đến và có những bước phát triển đầu tiên (phục vụ vận chuyển trong ghép tạng, cứu hộ, cứu nạn…).

thieu-tuong-nguyen-hong-son-1.jpg
Thiếu tướng, TTND.PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Miền nam, Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

“Cấp cứu đường không vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển và hải đảo của tổ quốc về đất liền điều trị, góp phần to lớn vào công tác y tế biển đảo. Loại hình cấp cứu này đã khắc phục trở ngại về địa hình, tranh thủ được thời gian vàng trong cửa sổ điều trị,” Thiếu tướng, TTND.PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

bsckii-tran-thanh-linh.jpg
BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy

BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo về thành tựu của Trung tâm ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong 13 năm qua. Điển hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã sử dụng ECMO cứu sống một bệnh nhân nữ bị hội chứng trái tim tan vỡ (hội chứng Takotsubo) và một bệnh nhân nam nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện nặng trên tim.

An Quý