Y học

Liên tục nâng cao kỹ năng hồi sức, cấp cứu, chống độc, giành lấy giờ vàng

An Quý 19/09/2023 12:32

Thiếu tướng, TTUT.TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhấn mạnh, một hệ thống hồi sức, cấp cứu, chống độc luôn được nâng cao, củng cố kiến thức và kỹ năng càng giành “giờ vàng” nhằm góp phần cứu sống bệnh nhân.

Ngày 19/9, Cục Quân y phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tổ chức lớp Tập huấn và Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023.

tran-quoc-viet.jpg
Thiếu tướng, TTUT.TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng)

Thiếu tướng, TTUT.TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhấn mạnh, việc cập nhật, nâng cao kỹ năng trong hồi sức cấp cứu, chống độc không phải chỉ dành riêng cho các bác sĩ hay bộ phận trực tiếp tham gia vào công tác cấp cứu mà dành cho tất cả lực lượng nhân viên y tế và người có liên quan.

“Đơn cử như đối với 63 người tham gia Bệnh viện dã chiến thuộc Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, kỹ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản và nâng cao, cấp cứu chấn thương ban đầu và nâng cao đều phải nằm lòng, để sẵn sàng bất kỳ lúc nào, bất kỳ người nào, tại bệnh viện hay hiện trường đều có thể thực hiện cấp cứu người bệnh,” Thiếu tướng, TTUT.TS.BS Trần Quốc Việt chia sẻ.

cap-cuu-1.jpg
Tổ chức một hệ thống cấp cứu ban đầu tốt và luôn được đào tạo liên tục góp phần giành “giờ vàng” cứu sống bệnh nhân, nâng cao chất lượng bệnh nhân sau điều trị.

Thiếu tướng Trần Quốc Việt nhấn mạnh, tổ chức một hệ thống cấp cứu ban đầu tốt và luôn được đào tạo liên tục góp phần giành “giờ vàng” cứu sống bệnh nhân, nâng cao chất lượng bệnh nhân sau điều trị. Thực tế, trong năm 2023, một số ca ở tuyến dưới chưa xử trí ban đầu tốt trước khi chuyển lên tuyến trên, nên dẫn đến một số biến chứng.

“Đây là cơ hội để các bác sĩ được nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, thực hành từ cơ bản đến nâng cao trong chuyên ngành hồi sức, cấp cứu và chống độc,” Thiếu tướng Trần Quốc Việt cho biết.

le-van-dong.jpg
Đại tá PGS.TS Lê Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quân y

Theo Đại tá PGS.TS Lê Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quân y, trong những năm qua, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới, ngành quân y đã không ngừng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ngành quân y ở các tuyến được đầu tư trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, đi đôi với phát triển các chuyên ngành sâu, trong đó có chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, chống độc.

“Hội nghị Tập huấn hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023, được tổ chức nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thực hành hồi sức, cấp cứu, chống độc cơ bản và nâng cao; nâng cao năng lực xử trí cấp cứu, hồi sức, chống độc cho cán bộ, nhân viên quân y trong thực hành lâm sàng; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân,” Đại tá PGS.TS. Lê Văn Đông cho biết.

Lớp tập huấn và Hội nghị khoa học chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân 2023 đã đón tiếp các quý đại biểu, các giảng viên thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Đại học Y Dược TPHCM...

thieu-tuong-nguyen-hong-son.jpg
Thiếu tướng, TTND.PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Miền nam, Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175

Thiếu tướng, TTND.PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Miền nam, Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, hồi sức cấp cứu và chống độc chính là phải đủ kiến thức và kỹ năng để nhận diện bệnh, “phản ứng nhanh” giành lấy sự sống cho bệnh nhân trong “khung giờ vàng” điều trị.

Tại lớp tập huấn hồi sức, cấp cứu và chống độc, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã cập nhật vấn đề mới trong phát hiện sớm, chẩn đoán và xử trí bệnh nhân đột quỵ não.

“Đột quỵ não là một hội chứng đặc trưng bởi hiện tượng mất chức năng não cục bộ cấp tính và nguyên nhân của đột quỵ não là do hệ thống mạch máu não bị tắc nghẽn dẫn đến việc giảm lưu lượng máu nuôi não; hoặc mạch máu bị vỡ gây chảy máu vào trong nhu mô não, não thất,” PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc cho biết.

z4707053721733_e435e8f92d777f71d6b821ecbeecd962.jpg
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ não như: lẫn lộn ý thức (tiếp xúc chậm, khó tiếp xúc…), chóng mặt, mất thăng bằng, tê bì, giảm cảm giác nửa người, đau đầu dữ dội, nói khó, đi lại khó khăn…

Hay chẩn đoán sớm và xử trí đợt cấp hen phế quản, PGS.TS Tạ Bá Thắng, Bệnh viện Quân y 103, đã chia sẻ, theo báo cáo hen toàn cầu, khoảng 334 triệu người trên thế giới mắc hen. Các đợt cấp của hen phế quản thường đặc trưng bởi sự gia tăng tiến triển của triệu chứng khó thở, ho, thở khò khè hoặc tức ngực và giảm dần chức năng phổi.

“Cấp cứu và điều trị đợt cấp hen phế quản có ý nghĩa quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh. Thầy thuốc cần xác định nhanh mức độ nặng, các yếu tố nguy cơ để áp dụng biện pháp điều trị cấp cứu hợp lý. Vấn đề quan trọng sau đó là cần hướng dẫn bệnh nhân điều trị kiểm soát hen tốt, tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến đợt cấp, giảm tai biến biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong,” PGS.TS Tạ Bá Thắng nói.

An Quý