Kinh doanh

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt ở thị trường quốc tế

Hoàng Nguyễn 19/09/2023 13:48

Khi nhiều công ty, tập đoàn lớn đến Việt Nam tìm đối tác và thương mại điện tử rộng mở, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội để xuất khẩu và vươn ra thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh đơn hàng đến các kênh phân phối trực tiếp

Tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ kỳ vọng lớn để đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu.

Đại diện Tập đoàn TH - đơn vị chuyên sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa cho biết, mục đích tham gia gian hàng tại sự kiện để thúc đẩy kết nối giữa kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và hy vọng sẽ tìm kiếm, kết nối với các đối tác phân phối, bán lẻ uy tín trên toàn thế giới. Việc xuất khẩu hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm TH true MILK nói riêng thông qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Ở mỗi thị trường sẽ có các thách thức và rào cản khác nhau, song với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sẽ tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới.

b2b-cac-nha-thu-mua-dien-dan-xuat-khau-2023-1-.jpg
Các doanh nghiệp thu mua kết nối trực tiến tại Viet Nam International Sourcing 2023.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn chia sẻ, lựa chọn xuất khẩu trực tiếp qua các kênh phân phối, bán buôn, bán lẻ quốc tế là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp bao gồm cơ hội tiếp cận đúng người, đúng việc, là các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt chung tại các thị trường mục tiêu và các yêu cầu rất cao, rất chi tiết của người mua nhằm phục vụ trực tiếp cho khách hàng của họ.

Với xu hướng cắt giảm chi phí trung gian để không dồn hết gánh nặng về giá lên người dùng cuối, các nhà mua sẽ tìm đến những đơn vị tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kiểm soát được chất lượng và có nguồn cung ổn định.

Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn thế giới tìm đối tác

Tham gia Diễn đàn xuất khẩu 2023 vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác. Các tập đoàn lớn của thế giới tham dự gồm: Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE)…

289d4ea1494d9c13c55c.jpg
Gian hàng của Amazon tham dự tại Viet Nam International Sourcing 2023.

Ở lĩnh vực bán lẻ, Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ, Aeon - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản và Central Group - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan đều đánh giá cao Việt Nam và khẳng định muốn tìm kiếm đối tác bền vững tại đây.

Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Walmart cho biết, ông tin tưởng rằng Việt Nam luôn là một nguồn cung ứng quan trọng của Walmart bởi nhiều mặt hàng của Việt Nam như may mặc, thực phẩm, hạt điều, sữa đậu nành, trái cây... đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam là nơi cung cấp sản phẩm rất có tiềm năng và mong muốn có thể mang sản phẩm sản xuất ở Việt Nam sang hệ thống cửa hàng của 14 nước với hơn 18.000 cửa hàng của Tập đoàn Aeon.

Ông Oliver Langlet, Tổng giám đốc Central Retail tại Việt Nam đánh giá ngành sản xuất nội địa tại Việt Nam ngày càng phát triển với đội ngũ lao động lành nghề đã cho ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Trong 30 năm qua, Việt Nam có bước tiến đáng kể và phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến.

Bên cạnh các "ông lớn" quốc tế trong ngành bán lẻ nói trên thì "gã khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử - Amazon cũng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu trên thương mại điện tử.

Có thể thấy, bên cạnh những thách thực hậu Covid-19, hiện các doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu vào các hệ thống bán lẻ quốc tế và trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, để thành công thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn quốc tế của từng tập đoàn, từng thị trường.

ong-ta-hoang-linh.jpg
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ - Bộ Công Thương.

Đơn cử, để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Aeon, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ - Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường, lựa chọn những mặt hàng phù hợp với thị trường Nhật Bản, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Nhật Bản thì mới có thể tiếp cận sâu hơn, gia tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu vào chuỗi hệ thống này.

Hoàng Nguyễn