Trái cây Việt Nam xuất khẩu cần bộ tiêu chuẩn cụ thể
Hàng trăm container sầu riêng, mít, chuối, thanh long… chuẩn bị xuất đi Trung Quốc nhưng bị tạm dừng do “mã cơ sở đóng gói bị tạm dừng vì vi phạm quy định bảo vệ thực vật”. Nhiều ý kiến chia sẻ liên quan xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Trước đó, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) đã gửi văn bản đề nghị Sở NN & PTNT các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và các chi cục kiểm dịch thực vật vùng tăng cường kiểm soát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nguyên nhân, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về việc phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (nhiễm các loài sâu bệnh như rệp sáp) trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Nông dân cần có biện pháp canh tác tốt hơn
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho rằng việc tạm dừng xuất khẩu những lô hàng vi phạm và mã số vùng trồng không tuân thủ đúng quy định là biện pháp cần thiết để nhắc nhở, cảnh báo doanh nghiệp làm tốt hơn; giữ uy tín cho thương hiệu nông sản Việt và những nơi làm ăn chân chính. Đồng thời, động thái này để Trung Quốc thấy rằng việc kiểm soát trái cây xuất khẩu tại Việt Nam rất nghiêm ngặt, cách quản lý này cần được ủng hộ.
Trước đó, Bộ NN & PTNT cũng đã nói rõ những lô hàng vi phạm 1 - 2 lần có trong danh sách Trung Quốc gửi về phải tạm dừng xuất khẩu, có biện pháp khắc phục. Còn những lô hàng vi phạm nhiều lần, phải tạm dừng mã số vùng trồng là đúng theo Nghị định, Thông tư. Cục Bảo vệ Thực vật đã có thông báo trước đó chứ không phải đột ngột tạm dừng xuất khẩu lô hàng vi phạm.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, những vi phạm thường gặp từ vùng nguyên liệu là chính, còn phần lớn doanh nghiệp cũng đã cố gắng kiểm soát kỹ hàng hóa tại nhà máy. Tuy nhiên, có những loại trứng côn trùng rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường và nở ra trong quá trình vận chuyển hàng.
Mặc dù doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, song nông dân cũng cần phải có biện pháp canh tác tốt hơn để hạn chế côn trùng và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần có biện pháp hỗ trợ nông dân, như chỉ rõ những côn trùng có thể phát sinh trên sầu riêng là gì? Biện pháp khắc phục và cách loại bỏ côn trùng ra sao?...
Cần bộ TCVN dành riêng cho sầu riêng, chuối
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng cần giải quyết gốc vấn đề, nếu chỉ xử lý phần ngọn không giải quyết được mà lại ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Ông nhấn mạnh cần đẩy mạnh liên kết sản xuất và trong quá trình làm, vướng chỗ nào gỡ chỗ ấy; dùng biện pháp thuyết phục hơn chứ không phải dùng biện pháp răn đe kiểu “ai không liên kết thì chết”.
Theo ông Huy, cần có tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể để nông dân tuân thủ nghiêm túc, như cắt sầu riêng phải đủ tuổi để đảm bảo chất lượng sầu riêng… “Cần xây dựng 1 bộ tiêu chuẩn TCVN có tính chất khoa học để xét chất lượng sầu riêng khi xuất khẩu phải đảm bảo chất bột, xơ, đường…Đơn vị nào làm đạt tiêu chuẩn, được xuất khẩu; đơn vị nào không đạt lần 1, 2, 3… bị “thổi còi”; tránh tạm dừng xuất khẩu đột ngột khiến doanh nghiệp bị động, thiệt hại.”
Thực tế, trong quá trình kiểm tra hàng hóa không tránh khỏi sơ suất, cơ quan chức năng cần đánh giá xác suất vi phạm và xuống trực tiếp nhà máy xem doanh nghiệp có thực hiện tốt không, từ đó thông cảm với những rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải. Tiêu chí áp đặt hiện nay hơi khắc nghiệt, không có tính chất chia sẻ.
“Hàng hóa của công ty tôi cũng có khi có rệp (dưới 5%/tổng lô hàng) vì trong kẽ trái chuối dù qua nhiều công đoạn rửa, kiểm tra nhưng khó tránh khỏi bỏ sót. Tôi đã mời đơn vị kiểm dịch thực vật xuống để trình bày, chia sẻ khó khăn và nhờ họ có cách nào khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cách nào để tránh được tuyệt đối tình trạng còn sót rệp trên trái cây. Điều doanh nghiệp cần là giải pháp khắc phục những rủi ro này”, ông Huy kiến nghị.
Ông Hoàng Phục - Chủ tịch HTX Nông Nghiệp Tân Phú (Bến Tre; chuyên trồng, xuất khẩu sầu riêng) cũng cho rằng Việt Nam cần ban hành luật như Thái Lan, thu hoạch trái cây phải đúng tuổi, đúng độ chín của trái để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Việc này sẽ tránh được tình trạng người trước sai làm ảnh hưởng đến người sau.
“Ví dụ thu hoạch sầu riêng thường kéo dài trong 1 tháng, nếu nhà vườn nào làm ăn ẩu, đầu tháng cắt trái non bán cho đủ sản lượng hợp đồng, những nhà vườn làm ăn đàng hoàng cắt trái giữa hay cuối tháng sẽ bị ảnh hưởng, rớt giá, thiệt hại oan uổng. Thái Lan có quy định rõ ràng, nhà vườn nào cắt sầu riêng bán non không những bị phạt, nếu gây ảnh hưởng mức độ nghiêm trọng còn bị truy tố”, ông dẫn chứng.
Theo ông Phục, những quy định về thuốc bảo vệ thực vật và 6 loại côn trùng trên trái sầu riêng mà Trung Quốc quy định, nông dân đều tuân thủ hết, chỉ còn tồn tại tình trạng thu hoạch trái chưa đủ tuổi, dư đạm…
Để đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu, HTX quán triệt xã viên không được cắt sầu riêng chưa đủ tuổi, tránh dư đạm…và hầu hết xã viên đã làm được vậy. Hiện, HTX có 253 thành viên, diện tích 700 ha trồng sầu riêng, sản lượng thu hoạch 6.000 tấn/năm.
“Bộ NN &PTNT nên tham mưu Chính Phủ đề nghị Quốc hội ra quy định nghiêm ngặt, cụ thể đối với những mặt hàng trái cây xuất khẩu chiến lược như sầu riêng, vú sữa, chôm chôm…để nông dân chấp hành sản xuất đạt tiêu chuẩn trái cây, nông nghiệp Việt Nam mới phát triển được.
Vừa rồi, HTX cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng, chuyên môn tỉnh Bến Tre cùng ngồi lại với nhau, ra được quy trình sản xuất sầu riêng để người dân áp dụng làm; đồng thời tổ chức bộ phận kiểm tra chất lượng, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc… Nếu nhiều HTX cùng làm như vậy, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững, nông sản cả nước sẽ giữ được thương hiệu nông sản Việt, đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Phục kiến nghị.