Kinh doanh

Đẩy mạnh kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững

Việt Thy 07/09/2023 18:58

Ngày 7/9, Sở TT&TT TP.HCM phối hợp cùng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT, Báo Người lao động tổ chức Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững.

Kinh tế số trong nền kinh tế - hướng phát triển tất yếu và bền vững

Theo GS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi: công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số.

Tại TP.HCM, so với năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 có nhiều tín hiệu khả quan: bình quân đầu người (GRDP) tăng 9,03%; khu vực nông - lâm – thủy sản tăng 3,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,95%, trong đó công nghiệp tăng 12,92%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,37%; thuế sản phẩm tăng 7,41%...

Hiện nay, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế TP.HCM ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột chính đó là: Công nghiệp công nghệ TT&TT (ICT) tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định; Chuyển đổi số (CĐS) các ngành công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững; Quản trị số đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng ổn định; Giá trị hóa dữ liệu tạo ra sức mạnh mới cho tăng trưởng ổn định. Muốn tăng trưởng kinh tế số nhanh hơn, cao hơn thì cần các thành tố chủ yếu: Không gian mới là kinh tế số; Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Hầu hết các ngành công nghiệp, dịch vụ đều cần đột phá về CĐS, cũng theo GS.TS. Trần Minh Tuấn, TP.HCM cần tiên phong chọn triển khai CĐS một số khâu trong từng ngành, lĩnh vực sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc và thúc đẩy các khâu còn lại trong các ngành công nghiệp; Tiên phong ứng dụng trợ lý ảo, AI (trí tuệ nhân tạo) phát triển bởi Việt Nam tới tất cả các khâu sản xuất; Thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, Hub (trung tâm kết nối các thiết bị trong hệ thống mạng) dữ liệu của khu vực; Thí điểm đánh giá kinh tế số tới cấp Thành phố (TP) và quận huyện trực thuộc TP.

hinh-ong-tuan_7.9.jpg
GS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), báo cáo tại hội thảo.

Những kết quả khả quan từ kinh tế số nhìn từ TP.HCM

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thực hiện CĐS một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.

Trên địa bàn TP, hạ tầng cáp quang Internet băng thông rộng đến 100% xã; hạ tầng di động 3G, 4G được phủ khắp TP. TP cũng là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm hạ tầng và dịch vụ 5G, hiện tỷ lệ thuê bao có smartphone đạt 96%.

Theo ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, trong năm 2022, TP đã tập trung cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến nhu cầu bức thiết của người dân, doanh nghiệp để tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Vào ngày 29/10/2022, UBND TP.HCM đã ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với phương châm: “Công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”… Hệ thống mới này thiết lập 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được UBND TP.HCM phê duyệt để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Ngoài ra, hệ thống mới cho phép các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất. Từ đó, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống hồ sơ điện tử.

ong-vo-m-thanh_7.9.jpg
Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, "trong năm 2022, TP đã tập trung cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến nhu cầu bức thiết của người dân, doanh nghiệp để tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến".

Đặc biệt, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hệ thống còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử… Đến cuối năm 2022, hệ thống đảm bảo thiết lập 100% thủ tục hành chính để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ và cung cấp 452 dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, Cổng thông tin 1022 tiếp tục phát huy vai trò là kênh tương tác đa phương tiện, thống nhất tiếp nhận và xử lý mọi ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân ,tổ chức và doanh nghiệp.

TP cũng đồng thời có nhiều hoạt động, chương trình tôn vinh các sản phẩm chuyển đổi số tiêu biểu , thông qua các chương trình bình chọn sản phẩm tiêu biểu, chủ lực TP; Giải thưởng Công nghệ thông tin – Truyền thông; Giải thưởng Đổi mới sáng tạo; Ngày hội Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo; Tuần lễ Đổi mới sáng tạo...

Cũng theo ông Minh Thành, TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số: hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế ... và việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt và làm việc của người dân. Thương mại điện tử tại TP.HCM đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường

Năm 2023, TP sẽ sơ kết, đánh giá các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian qua và có tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công các chỉ tiêu nhiệm vụ trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và Kế hoạch của TP, hình thành hệ sinh thái kinh tế số để thúc đẩy kinh tế TP phát triển bền vững.

Những hạn chế cần nhìn nhận

Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế cần được nhìn nhận và có các giải pháp cụ thể. Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, hiện TP đang đứng trước những thách thức lớn để phát triển kinh tế số, đó là nhận thức về kinh tế số ở nhiều nơi còn chưa cao, chưa đầy đủ và chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh tế số vẫn chưa thu hút các đơn vị quan tâm và tìm hiểu.

Một số các chuyên gia nhìn nhận, về phương diện công nghệ, kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dịch vụ trọng yếu tại TP.HCM có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đều trên mức 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp. Do vậy, TP.HCM cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

quang-canh-ht_7.9.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo.

Để làm được điều này, sẽ hữu ích khi tìm câu trả lời cho một số câu hỏi quản lý đặt ra: Chính sách và công cụ tài chính nào để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp nâng cấp năng lực thông qua việc áp dụng công nghệ số? Các công cụ, chính sách nào thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, kiến thức hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ các công ty đa quốc gia và công ty công nghệ? v.v...

Về phương diện đào tạo: Chính sách nào để thúc đẩy đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số? Làm thế nào để khuyến khích sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động để tăng cường đào tạo nhân lực số, kỹ năng số cho người lao động? Cơ quan nào sẽ thúc đẩy chương trình hợp tác này và nguồn lực việc triển khai đào tạo này là từ đâu? v.v...

Việt Thy