Giáo dục

PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Y Dược TP.HCM: “Bộ nhận diện thương hiệu của nhà trường để phù hợp với xu thế mới”

Công Chương (thực hiện) 01/09/2023 - 12:07

Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức lễ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu của nhà trường. Theo PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách, điều hành Đại học Y Dược TP.HCM, trong xu thế phát triển chung của ngành, của quốc gia, khu vực và thế giới, đặc biệt là gắn với định hướng, mục tiêu của nhà trường, trong đó hướng đến thực hiện quản trị đại học tự chủ và hiệu quả, thì việc nhận thức về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của trường là vấn đề cần thiết.

dat-2.jpg
PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách, điều hành Đại học Y Dược TP.HCM.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với đại diện nhà trường.

Không thể tiếp tục theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương”

Thưa ông, lý do nào dẫn tới việc nhà trường công bố bộ nhận diện thương hiệu lần này?

PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt: Nhà trường có thâm niên 76 năm hình thành và phát triển. Với khoảng thời gian này, nhà trường đã tạo dựng thương hiệu và chất lượng được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới cùng với xu thế phát triển chung của ngành, của quốc gia, khu vực và thế giới, đặc biệt là gắn với định hướng, mục tiêu của nhà trường, trong đó hướng đến thực hiện quản trị đại học tự chủ và hiệu quả, thì việc nhận thức về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của trường là vấn đề cấp thiết. Chúng ta không thể tiếp cận theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương” như ngày xưa nữa.

dh-y-duoc-hcm-1a.jpg
Đại diện nhà trường thực hiện nghi thức ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu.

Đặc biệt trong năm 2020, nhà trường thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tức tự chủ chi thường xuyên. Cũng trong năm này nhà trường đã ban hành kế hoạch chiến lược năm 2020-2025, trong đó có đổi mới chương trình đào tạo mà nhà trường đã, đang làm rất quyết liệt và chương trình đào tạo y khoa đã được đổi mới theo hướng chuẩn năng lực. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường số lượng các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế... Tất cả những điều này thể hiện sự cam kết của nhà trường đối với xã hội về chất lượng đào tạo của mình.

Một điểm mới đối với nhà trường là quản trị đại học. Cụ thể, trong năm 2020, Đại học Y Dược TP.HCM là cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe đầu tiên thành lập Hội đồng trường theo đúng luật Giáo dục ĐH. Trong quá trình vận hành bộ máy, nhà trường mong muốn làm sao gia tăng giá trị thương hiệu của nhà trường. Theo đó, nhà trường đã có những quy định cụ thể về truyền thông, phát triển thương hiệu. Đồng thời, logo của nhà trường đã có từ lâu, tuy nhiên ở trong chừng mực nào đó thì việc quản lý chưa được thống nhất, xuyên suốt, đồng thời chưa truyền tải được hết các triết lý của nhà trường. Đó cũng là lý do sâu xa mà nhà trường tổ chức công bố Bộ nhận diện thương hiệu vừa qua.

Như vậy, sắp tới nhà trường chắc sẽ có những chiến lược phát triển mạnh hơn?

- Đúng vậy. Việc công bố Bộ nhận diện thương hiệu chỉ là bước khởi đầu. Bên cạnh các đơn vị trực thuộc thực hiện rất tốt việc truyền thông, thì nhà trường cũng sẽ có chiến lược cụ thể về truyền thông thương hiệu chung. Việc làm này sẽ gắn kết chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông truyền thống và phi truyền thống theo xu hướng bùng nổ khoa học công nghệ như hiện nay.

dh-y-duoc-hcm-3a.jpg
PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Y Dược TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Hướng đến đa dạng phương thức tuyển sinh

Ông có thể chia sẻ những điểm nổi bật về kỳ tuyển sinh 2023 này của nhà trường?

- Những năm vừa qua, Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị có nhiều đổi mới trong phương thức tuyển sinh, như tuyển sinh gắn liền với môn tiếng Anh, sắp tới nhà trường sẽ mở rộng thêm các phương thức tuyển sinh khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh. Ví dụ đối với những học sinh trường quốc tế có điểm SAT, đối với hệ thống trường công thì các bạn này khó tiếp cận. Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh cũng sẽ gắn chặt cùng kế hoạch đào tạo, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Một trong những điểm nổi bật của công tác tuyển sinh là nhà trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu cho phép, thậm chí có nhiều ngành số lượng thí sinh đăng ký khá đông, nhưng đảm bảo đúng quy định nhà trường chỉ tuyển đủ số lượng cho phép để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dành 15% số tiền thu học phí để làm quỹ học bổng dành cho sinh viên của mình.

Việc đổi mới công tác tuyển sinh này dự tính sẽ như thế nào, thưa ông?

- Nhà trường luôn cố gắng giữ ổn định hình thức tuyển sinh. Đồng thời, mở rộng phương thức tuyển sinh để tạo cơ hội cho nhiều đối tượng học sinh có thể tiếp cận với ngành học phù hợp với năng lực sở thích của mình. Thời gian qua, nhà trường đã tổ chức các hội thảo nội bộ lẫn mở rộng với các trường khối ngành sức khỏe. Theo đó, trong tương lai các trường khối ngành sức khỏe có thể hợp tác xây dụng ngân hàng câu hỏi và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực dành cho việc tuyển sinh riêng của mình. Điều này cũng mới ở dự tính riêng của trường, để triển khai cũng cần có lộ trình đáp ứng đúng theo quy định của ngành. Tuy nhiên thời gian 2025 cũng không còn xa nên chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng.

dh-y-duoc-hcm-2a.jpg
PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt tặng quà cám ơn TS. Lê Quan Anh Tuấn (Giảng viên Bộ môn Ngoại Tổng quát, khoa Y, ĐH Y Dược TP.HCM) - tác giả của logo ĐH Y Dược TP.HCM.

Cơ hội và thách thức của tự chủ đại học

Việc tự chủ đại học đặt ra những cơ hội và thách thức nào đối với nhà trường?

- Đây là một chủ đề lớn. Tự chủ đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức trong sự phát triển trường. Tự chủ giúp cho trường linh hoạt hơn trong các việc như: mở các chương trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự, tuyển sinh và cơ chế tài chính... giúp cho nhà trường tạo ra nguồn lực về cơ sở vật chất, con người được tốt hơn.

Tuy nhiên, tự chủ ĐH cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó có nhận thức của xã hội, của các cơ quan quản lý. Chẳng hạn như một số quan điểm nhận thức chưa phù hợp cho rằng “tự chủ là tự lo”. Do đó, tôi nghĩ vấn đề này cũng cần có lộ trình. Như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Tự chủ đại học là con đường một chiều và không có chiều ngược lại”.

367950841_1291546588321668_3102940905995017324_n.jpg
Niềm vui của tập thể sư phạm trường tại lễ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu.

Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM lần đầu tiên tổ chức ngày hội việc làm để các cơ sở y tế, bệnh viện tuyển dụng nhân sự và các bác sĩ trẻ ứng tuyển việc làm mà mình mong muốn. Ông thấy thế nào?

- 18 tháng trước, UBND TP.HCM có chủ trương tuyển sinh viên y khoa mới ra trường đến làm việc ở các cơ sở y tế. Tôi cùng tham gia đưa các sinh viên của trường đi đến cơ sở y tế để ứng tuyển. Điều này hết sức ý nghĩa và tiện lợi đôi đường. Vì theo quy định, sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp bác sĩ phải thực hành thêm 18 tháng tại các cơ sở y tế thì mới được cấp chính chỉ hành nghề bác sĩ.

Sau khi dịch được kiểm soát thì cho thấy có nhiều điểm của hệ thống y tế cần được điều chỉnh, cải thiện lại ở cấp độ hệ thống. Có những điểm thực tế cuộc sống đi nhanh hơn quy định. Và điều này, một lần nữa chứng tỏ TP có những mô hình mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Theo tôi, trong bối cảnh vừa rồi cần phải bổ sung nguồn lực nhanh thì đây là điểm rất phù hợp. Tuy nhiên chúng ta cũng cần theo dõi để xem tính bền vững của mô hình và việc thực hiện chính sách như thế nào để thu hút được nguồn lực tham gia vào chương trình vừa thực hành 18 tháng ở cơ sở, vừa đảm bảo được quyền lợi của các bạn.

Hiện việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo của nhà trường diễn ra như thế nào?

- Đối với lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhà trường áp dụng nhiều ở đào tạo trình độ sau đại học. Hiện trường đang có những hợp tác, nghiên cứu, ví dụ ở ngành chuẩn đoán hình ảnh, hay giải phẫu bệnh... thì AI, Bigdata giúp cho việc chuẩn đoán, xử lý bệnh được chính xác hơn... Điều này cũng là lộ trình để đi đến y học cá thể hóa, điều trị sẽ chuyên nghiệp đến từng người bệnh.

Bên cạnh đó, nhà trường có Trung tâm Đổi mới sáng tạo nằm ngay vị trí trung tâm của trường, luôn khuyến khích sinh viên tiếp cận, trải nghiệm và ứng dụng AI vào học tập nghiên cứu khoa học.

Xin cám ơn ông.

“Bộ nhận diện thương hiệu Đại học Y Dược TP.HCM là sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và những sáng tạo theo hướng hiện đại, trong đó sử dụng gam màu Cyan: màu trung gian giữa màu xanh biển và màu xanh lá, tạo cảm giác êm dịu, thoải mái. Bên cạnh đó, các chi tiết nhận diện thương hiệu của nhà trường được lấy ý tưởng từ việc mô phỏng cấu trúc ADN dưới dạng nét, dạng màu, dạng chuyển sắc - biểu thị cho sự kế thừa truyền thống, đồng thời là nền tảng của sự phát triển của nhà trường với sự liên kết thống nhất của tất cả các nhân tố. Mặc khác, ADN còn là hình ảnh biểu tượng đặc trưng ngành y tế, thể hiện chuyên ngành đào tạo của nhà trường...”

PGS.TS.BS Ngô Quốc Đạt

Công Chương (thực hiện)