Khoa học

Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 3:Nhiều công trình chất lượng, mang lại giá trị thực tiễn to lớn

Hồng Ân 01/09/2023 12:06

Trong 58 hồ sơ đạt giải do Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ, Cơ quan Thường trực Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 3 - năm 2023 vừa công bố, các lĩnh vực quốc phòng an ninh, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật đã có những công trình được đánh giá xuất sắc, ý nghĩa, nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thực tiễn cao.

UBND TP dự kiến trao giải vào ngày 8/9 tới tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, Quận 1).

h-gtst-thumb(1).jpg
TP.HCM nhìn từ Bến Bạch Đằng. Ảnh: Hồng Ân

Lĩnh vực quốc phòng an ninh: Ghi nhận các giải pháp đột phá

Quốc phòng an ninh là lĩnh vực có các hồ sơ gửi tham gia đã được đánh giá rất cao khi đạt 1 giải nhất, 3 giải nhì và 1 giải ba, bao gồm các giải pháp: “Đảm bảo quốc phòng và an ninh cho phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM trong thời kỳ mới”; “Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố”; “Sử dụng mạng xã hội trong phục vụ công tác của Lực lượng Công an TP.HCM”; “Sử dụng Drone (thiết bị bay không người lái) trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn TP Thủ Đức”; “Ứng dụng bản đồ số tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Thành phố phục vụ công tác chỉ huy, điều hành, triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự thuộc Công an Thành phố (Tổ Công tác 363).”

Trong đó, giải pháp “Đảm bảo quốc phòng và an ninh cho phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM trong thời kỳ mới” của nhóm tác giả Bộ Tư lệnh TP.HCM và Công an TP.HCM là một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện, có hệ thống và chuyên sâu. Công trình đã góp phần xây dựng những luận cứ khoa học làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, quản lý, hoạch định các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo quốc phòng và an ninh cho phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

h-gtst-drone-ca-td(1).jpg
Công an TP Thủ Đức sử dụng thiết bị Drone tuần tra, kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: CATP

Đồng thời, giải pháp “Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của Ban chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố” của nhóm tác giả Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng là công trình khoa học nghiên cứu cung cấp những luận cứ khoa học mạnh mẽ, từ đó giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng vững mạnh. Thông qua việc triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu của Công trình đã trực tiếp góp phần giúp Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh TP trong chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng phương án tác chiến phòng thủ và nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nhằm xử trí kịp thời các tình huống về quốc phòng xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, giải pháp sử dụng Drone trong hàng loạt công tác an ninh, trật tự, dân sinh trên địa bàn TP Thủ Đức của nhóm tác giả Đảng ủy - Ban Chỉ huy Công an TP Thủ Đức cũng đã nhận được sự đánh giá cao. Áp dụng vào thực tiễn từ ngày 1/7/2022, dự án đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm kịp thời, bí mật, an toàn, chính xác cho lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm trên địa bàn, nhất là TP Thủ Đức trong bối cảnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, và Thủ Đức, với địa bàn rộng 211 km2, dân số hơn 1,5 triệu người, nằm ở cửa ngõ phía đông của TP.HCM, là địa bàn tập trung nhiều dự án trọng điểm, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn với lực lượng công an.

h3-hop-hoi-dong-xet-chon-linh-vuc-van-hoc-nghe-thuat.jpg
Họp Hội đồng xét chọn vòng sơ khảo về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ảnh: BTC

Lĩnh vực văn học nghệ thuật: 9 tác phẩm nặng ký “ẵm” giải

Theo BTC, văn học nghệ thuật là lĩnh vực có 9 tác phẩm đạt giải, với 1 giải nhất, 2 giải nhì và 6 giải ba, gồm có 3 tập thể và 6 cá nhân. Đó là các tác phẩm: kịch múa “Kiều”; sách ảnh “Hành trình cùng Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng”; vở diễn hát bội “Chiếc áo Thiên Nga”; Tập bút ký “Ký sự xứ người”; thiết kế kiến trúc Công trình nhà ở đô thị “Nhà Hóc Môn”; bộ 3 tác phẩm hội họa, chất liệu màu nước trên giấy “Nơi các thành phố hội tụ”; giao hưởng “Người lính đảo”; sách ảnh song ngữ “Cười - Smile”; và tiểu thuyết “Hồ sơ lửa”.

Được công chúng biết đến nhiều là tác phẩm kịch múa ballet “Kiều” đã ra mắt công chúng vào tháng 6/2022, của nhóm tác giả gồm biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, biên đạo Nguyễn Phúc Hải, biên đạo Th.S Nguyễn Tuyết Minh (thuộc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch). Tác phẩm được dàn dựng theo nguyên tác truyện thơ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, kết hợp tinh tế của những loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp với những thủ pháp sáng tạo nghệ thuật múa hiện đại với múa truyền thống - dân gian Việt Nam và tinh hoa cổ nhạc dân tộc làm nền tảng, thăng hoa trong kết cấu tác phẩm nghệ thuật sân khấu đương đại. Đặc biệt vở diễn đã tổ chức bán vé 7 suất diễn tại TP.HCM và Hà Nội đều “cháy vé”.

Ngoài ra, tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” gồm 6 tập của nhà văn Lại Văn Long cũng là một tác phẩm “nặng đô” với nội dung tái hiện lịch sử đấu tranh gian khổ hào hùng của quân, dân miền Đông Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ... giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tiểu thuyết cũng mang lại cho độc giả cái nhìn bao quát và thấu đáo về những vụ án từng gây chấn động dư luận tại TP.HCM từ năm 1975 đến nay. Qua đó, ngợi ca những chiến công hiển hách, phản ánh khí phách, bản lĩnh của lực lượng Công an Thành phố trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Tác phẩm đã giành nhiều kỷ lục, trong đó, tập 1 của bộ tiểu thuyết có tên “Mật danh Đ9” được chuyển thể phim 38 tập, chiếu trên gần 40 kênh truyền hình của tỉnh, thành, ngành với hàng triệu khán giả cả nước từ tháng 3/2017.

h3-hop-hoi-dong-xet-chon.jpg
Họp Hội đồng xét chọn lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ảnh: BTC

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật thu hút nhiều đề tài giá trị

Khoa học kỹ thuật là lĩnh vực thu hút nhiều tác giả tham gia nhất với 52 hồ sơ. Qua xét chọn, có 10 đề tài đạt giải cho 10 tập thể.

Ở lĩnh vực này, các đề tài về y học chiếm đến 5 giải, gồm: “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư”; “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr”; “Khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu trong Bệnh Bạch cầu cấp dòng Lympho B ở trẻ em”; “Phẫu thuật bảo tồn tử cung trong điều trị bệnh lý thai kỳ có nhau cài răng lược”; “Áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) kết hợp hệ thống phân cực ánh sáng và hình ảnh mô bệnh học trong chẩn đoán ung thư vú”.

Trong đó, “Phẫu thuật bảo tồn tử cung trong điều trị bệnh lý thai kỳ có nhau cài răng lược” của nhóm tác giả thuộc BV Hùng Vương là công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn từ 2020 đến nay, đã không chỉ giúp cứu sống hàng trăm thai phụ, giúp hàng trăm trẻ sơ sinh không phải mồ côi mẹ ngay những giây phút đầu tiên chào đời mà còn giúp giữ được hàng trăm tử cung cho các thai phụ bị bệnh lý nhau cài răng lược, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

h-tu-cung-nhau-cai-rang-luoc.jpg
Phẫu thuật bảo tồn tử cung cho phụ nữ bị nhau cài răng lược. Ảnh: BV Hùng Vương

Các đề tài khoa học kỹ thuật còn lại đạt giải là: “Cửa thu - thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi”; “Thiết kế và chế tạo cảm biến áp suất sử dụng vật liệu Silicon Carbide (SiC) ứng dụng trong hệ thống trạm quan trắc ngập lụt đô thị trực tuyến”; “Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng mỏng dựa trên nền ô-xít kẽm ứng dụng chuyển hóa nhiệt thải dư thành năng lượng điện và bảo vệ môi trường”; “Nghiên cứu và phát triển sản phẩm giống ưu thế lai trên đối tượng hoa lan, dưa lưới và cà chua bi phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị”; và “Quy trình kết hợp chế phẩm probiotic và vaccine, giải pháp phòng bệnh gan thận mủ và xuất huyết cho cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)”.

Năm nay, BTC giải thưởng đã tiếp nhận được 191 hồ sơ của các tác giả/ nhóm tác giả đăng ký tham gia. Tại vòng sơ khảo, Hội đồng xét tặng Giải thưởng của 7 lĩnh vực đã họp, cho ý kiến nhận xét, đánh giá công khai, khách quan từng hồ sơ và đề xuất cơ quan phụ trách 7 lĩnh vực chọn ra 59 giải pháp, đề tài, tác phẩm đạt từ 75/100 điểm trở lên để trình Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Thành phố và Ban Tổ chức Giải thưởng.

Được biết, mức tiền thưởng cho giải nhất là 200 triệu đồng, giải nhì 150 triệu đồng và giải ba 100 triệu đồng.

Hồng Ân