TP.HCM: Xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, đảm bảo an ninh nguồn nước
Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, đảm bảo an toàn, an ninh cấp nước, hiện đại hóa công nghệ.
Theo ông Trần Quang Minh, Phó Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu SAWACO lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Ðảng bộ Tổng Công ty đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTrHÐ/ÐU ngày 22/3/2021 về “Ðảm bảo an toàn, an ninh cấp nước, hiện đại hóa công nghệ, hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh” nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
SAWACO chỉ đạo triển khai các thủ tục để chuẩn bị đầu tư xây dựng Nhà máy nước Kênh Ðông II (công suất 250.000 m3/ngày đêm) và Nhà máy nước Thủ Ðức IV (công suất 300.000 m3/ngày đêm) nhằm nâng cao công suất phát nước phục vụ nhu cầu phát triển thành phố, đồng thời giúp bổ sung nguồn nước dự phòng sẵn sàng bổ trợ cho hệ thống cấp nước theo các kịch bản (biến đổi khí hậu, mất nước do sự cố, phá hoại...) trong tương lai.
SAWACO triển khai chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm
SAWACO đã tham mưu và đề xuất Thành phố trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Ngày 16/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì. Ngày 25/5/2023, Bộ Xây dựng có Thông báo số 66/TB-BXD thông báo kết luận của Bộ Xây dựng tại Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
SAWACO cũng đã tham gia nghiên cứu đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050 và Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TPHCM giai đoạn 2020 - 2030.
Ðể thực hiện theo chủ trương giảm khai thác nước ngầm của UBND TPHCM, Tổng Công ty đã xây dựng Kế hoạch giảm khai thác theo lộ trình đến năm 2025 (2872/TCT-KTCN, ngày 30/03/2018). Theo kế hoạch 2872/TCT-KTCN, ngày 30/03/2018, dự kiến trong điều kiện cho phép, đến cuối năm 2025, chỉ còn duy trì sản lượng khai thác từ 02 đơn vị có sản lượng khai thác lớn và công nghệ tương đối hoàn chỉnh, gồm: Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn là 25.000 m3 (từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú) và Xí nghiệp Cấp nước nông thôn là 5.000 m3 (từ Nhà máy nước ngầm Bình Hưng).
Vừa qua, Tổng Công ty đã gửi văn bản sơ kết lộ trình thực hiện theo Quyết định 1242 cho Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, trong đó Tổng Công ty đã kiến nghị được hỗ trợ kéo dài lộ trình giảm khai thác nước ngầm đến năm 2030 để duy trì cung cấp nước sạch ổn định liên tục cho người dân tại các khu vực thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.
Bên cạnh đó, về dài hạn, Tổng Công ty cũng đã kiến nghị Sở tham mưu cho UBND TPHCM ưu tiên toàn bộ sản lượng nước ngầm được phép khai thác 100.000 m3/ngày (tại Quyết định 203/QÐ-UBND) cho Tổng Công ty để bổ sung lượng nước cấp vào mạng lưới cấp nước.
Với vai trò quản lý hệ thống cấp nước, SAWACO đã tham mưu UBND TPHCM ban hành các văn bản yêu cầu đến các đơn vị quận huyện nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thô, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác nước sinh hoạt. Tổng Công ty đã nhận được Quyết định số 1053/QÐ-STNMT-TNNKS ngày 21/10/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho trạm bơm nước thô Hòa Phú, bảo vệ hàng lang tuyến ống.
SAWACO tham mưu cho UBND TPHCM ban hành các chính sách quản lý hệ thống cấp nước an toàn, an ninh nguồn nước, phù hợp với quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư phát triển đồng bộ về kinh tế kỹ thuật giữa phát triển nguồn nước và mạng lưới cấp nước. Theo đó áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành nước tiên tiến cũng như các ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình đầu tư phát triển hệ thống cấp nước.
Quản lý chương trình “cấp nước an toàn”
Ðồng thời, SAWACO đã triển khai chương trình “cấp nước an toàn” sâu rộng trong toàn Tổng Công ty thông qua các hình thức: Diễn tập phương án cấp nước đã xây dựng như điều tiết an toàn cấp nước cho cụm khu vực Thủ Ðức và cụm khu vực Tân Hiệp để khi có sự cố xảy ra, các nhà máy trong cụm có thể tăng cường bổ sung để hỗ trợ nguồn nước; các hội thảo chuyên đề tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài nước…
SAWACO triển khai lắp đặt các thiết bị giám sát chất lượng nước trực tuyến (online) cho những chỉ tiêu mang tính đặc trưng dễ biến động tại nguồn nước, các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước như: độ đục, pH, clo dư, thiết bị giám sát định tính về độc chất có trong nguồn nước, tổng hữu cơ trong nước,... Từ đó đưa ra các giới hạn cảnh báo để có các phương án ứng phó kịp thời khi nguồn nước bị biến động, đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp luôn ổn định và đạt theo quy định.
Cũng theo ông Quang Minh, SAWACO không ngừng kiểm soát hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch tại các nhà máy nước thông qua các ứng dụng công nghệ Scada, tự động hóa các công đoạn sản xuất, giám sát online chất lượng nước trên từng công đoạn xử lý, sử dụng năng lượng và hóa chất tối ưu trong sản xuất và cung cấp nước.
“SAWACO khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Trong nửa nhiệm kỳ qua, đã có 124 hồ sơ được xem xét, trong đó, công nhận 23 sáng kiến cấp Tổng Công ty, 07 sáng kiến cấp cơ sở, 63 giải pháp khắc phục khó khăn, có 03 đề tài khoa học công nghệ đã nghiệm thu với số tiền 2,37 tỉ đồng và chi trả một phần cho 01 đề tài hợp tác với Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam với số tiền 320 triệu đồng”, Ông Minh cho biết thêm.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật chung được ban hành từ Tổng Công ty các đơn vị trực thuộc, nhằm đồng bộ hoá các dữ liệu, phục vụ cho việc khai thác dữ liệu lớn Big Data, phục vụ cho việc quản lý các thiết bị thông minh trên hệ thống cấp nước. Thống nhất dữ liệu GIS, Data Logger, đồng hồ nước thông minh, hệ thống Scada và hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh.
Ðặc biệt, Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng Công ty đã lãnh đạo ban hành đề án Phát triển Công nghệ Thông tin giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số hệ thống cấp nước của Tổng Công ty đang quản lý; cũng như tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện bộ cấu trúc cơ sở dữ liệu số hệ thống cấp nước phục vụ cho công tác chia sẻ và đồng bộ dữ liệu số của Tổng Công ty về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố, góp phần hiện đại hóa quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và hướng đến xây dựng Ðô thị thông minh.
Giảm nước thất thoát thất thu giai đoạn 2020-2025
Tổng Công ty đã lãnh đạo ban hành Ðề án giảm thất thoát nước trên hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030) theo hướng bền vững, hiệu quả xác định duy trì “tỷ lệ thất thoát nước kinh tế”.
Ngoài việc lập kế hoạch giao chỉ tiêu tỉ lệ thất thoát nước đến từng đơn vị, hàng tháng giám sát chặt chẽ tiến độ đơn vị nhằm theo dõi góp ý kịp thời, SAWACO đã xây dựng phương pháp luận cho công tác thực hiện giảm thất thoát nước phù hợp với điều kiện thực tế mạng lưới như phân vùng tách mạng, thiết lập khu vực quản lý đồng hồ tổng nhằm thúc đẩy đơn vị thiết lập khu vực DMA, phân chia khu vực dễ theo dõi và kiểm soát.
“Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật như cải tạo thay thế ống cũ, mục; tăng cường duy tu sửa chữa dò tìm rò rỉ, khắc phục nhanh sự cố trên mạng lưới; không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành mạng lưới cấp nước. Tỷ lệ thất thoát nước năm 2020 là 19.97%, năm 2021 là 19.96%, năm 2022 là 18.24% và 6 tháng đầu năm 2023 là 14,44 %”, ông Minh cho biết.
Những khó khăn của ngành cấp nước
Giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Các hoạt động bị ngưng trệ làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ cũng như các hoạt động triển khai liên quan bị chậm tiến độ.
Quá trình đô thị hoá tại một số quận/huyện của Thành phố diễn ra nhanh chóng, các thông tin quy hoạch còn chậm chia sẻ, thiếu kịp thời dẫn đến nhu cầu sử dụng nước ở các khu vực thay đổi, tạo áp lực lớn trong nhiệm vụ phát triển hệ thống cấp nước, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ theo yêu cầu ngày càng cao hơn.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý giao cắt, di dời, cải tạo và phát triển các tuyến ống cấp nước trong phạm vi công trình ngầm ngày càng thu hẹp, dẫn đến gây khó khăn trong công tác thỏa thuận hướng tuyến, xin phép đào đường phục vụ cho công tác phát triển và cải tạo nâng cấp mạng lưới cấp nước (đặc biệt là khu vực nội ô trung tâm Thành phố).
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, hoạt động xả thải đầu nguồn gây ảnh hưởng lớn đến các công đoạn xử lý từ nước thô, sản xuất nước sạch đến các nhà máy nước. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu gây sức ép đến quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước cũng như các khó khăn trong công tác quản lý vận hành để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định, liên tục.
Việc thực hiện cấp nước an toàn hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc như: vùng bảo vệ nguồn nước vẫn còn tình trạng ô nhiễm (chất thải, dầu, hàm lượng chất ô nhiễm) từ các công trình/tàu bè khai thác nguồn nước sông và xả thải, hành lang tuyến ống nước thô bị lấn chiếm, chưa có chính sách bố trí quy hoạch cho các công trình bể chứa trung gian, mặt bằng tập kết vật tư tiếp cận nhanh sự cố, các quy định về di dời giao cắt đối với hạ tầng cấp nước còn nhiều bất cập...
Vì vậy, trong thời gian tới, SAWACO tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý cấp nước thông minh như xây dựng Trung tâm vận hành hệ thống cấp nước (SWOC: Smart Water Operation Center), Trung tâm quản lý chất lượng nước, bố trí các nguồn lực và xây dựng quy trình quản lý vận hành hệ thống nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý toàn diện hệ thống cấp nước từ nguồn sản xuất để phân phối trên mạng lưới.
Ðánh giá tổng thể về công tác thử nghiệm đồng hồ nước thông minh cỡ nhỏ lắp đặt cho khách hàng tại các đơn vị và có định hướng cho công tác này nhằm hướng tới cấp nước thông minh của Tổng Công ty. Ðồng thời nâng cao công tác phục vụ khách hàng toàn diện qua hệ thống Call Center, ứng dụng chăm sóc khách hàng đa phương tiện, xử lý các sự cố phía sau đồng hồ nước;
Xây dựng hệ thống Văn phòng điện tử liên thông đến các Công ty Cổ phần và đơn vị trực thuộc nhằm tối ưu hóa công tác quản lý văn bản, chỉ đạo không giấy tờ. Xây dựng hệ thống chương trình khai thác dữ liệu và thực hiện các dự đoán trong hoạt động sản xuất kinh doanh (doanh thu, đồng hồ nước gắn mới, sản lượng nước tiêu thụ, thất thoát.
Nguyễn Khởi
Triển khai chương trình thí điểm uống nước tại vòi giai đoạn 2020 - 2025.
Chương trình “Nâng cao chất lượng nước, tiến tới cung cấp nước uống trực tiếp tại vòi trên hệ thống cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giai đoạn 2021 - 2025” đã triển khai thí điểm các khu vực nước uống trực tiếp và lắp đặt các trụ nước uống công cộng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 công bố nước uống trực tiếp tại vòi tại các khu vực được lựa chọn thí điểm; hoàn thiện và vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm soát Chất lượng nước của Tổng Công ty; hoàn thành lắp đặt 1.500 - 2.000 trụ nước uống công cộng, đảm bảo chất lượng nước uống trực tiếp; nâng cao chất lượng nước sạch sau xử lý của các nhà máy nước trong Tổng Công ty và các đơn vị cung cấp nước sạch cho Tổng Công ty.