Sống xanh

Việt Nam đề xuất chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình

Theo Tùng Lâm/Môi trường và Đô thị 15/08/2023 - 13:13

Tại Hội thảo Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Kết quả đàm phán phiên thứ 2 và định hướng của Việt Nam cho các phiên tiếp theo, Việt Nam đề xuất giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình; phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia.

Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương phối hợp tổ chức ngày 11/8.

9877-1692004550-dt-14820231612-hoi-thao-ve-thoa-thuan-o-nhiem-nhua-1-.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: monre

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.

Các quốc gia đã trải qua 2 phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp năm 2023. Quá trình đàm phán kỹ thuật xây dựng Thỏa thuận hiện đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, xây dựng lời văn cho Thỏa thuận để tiến hành đàm phán tại Phiên thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11 năm 2023 tại Nairobi, Kenya và các phiên tiếp theo trước khi thông qua trong vào cuối năm 2024.

Website chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa tin, tại phiên đàm phán thứ 2 này, ý kiến của Việt Nam là giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình; phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng các nghĩa vụ bắt buộc, tránh tạo ra gánh nặng và nghĩa vụ quá cao cho các nước đang phát triển. Việt Nam đề xuất hiện chưa đặt ra mốc thời gian 2040 để chấm dứt ô nhiễm nhựa tại Phát biểu chung của Nhóm các nước châu Á Thái Bình Dương (APG) và cần xây dựng báo cáo hiện trạng cơ sở và đề xuất Lộ trình tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các quốc gia thành viên; đề nghị hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và công nghệ, tăng cường xây dựng năng lực song song với tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Bên cạnh đó, xây dựng phương án đàm phán tổng thể trên cơ sở tham vấn các bên liên quan, đặc biệt tham vấn và đồng hành của khối tư nhân ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi Bản thảo đầu tiên của văn kiện sắp được ban hành.

Theo ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TN&MT, trong bối cảnh quá trình đàm phán bước vào giai đoạn quyết định, để chủ động chuẩn bị và tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, Việt Nam cần xác định rõ định hướng tham gia của Ban công tác đàm phán tại các Phiên tiếp theo, trong đó có việc xây dựng Bản đệ trình của Việt Nam gửi Ủy ban đàm phán thỏa thuận cũng như khả năng tham gia một số cơ chế hợp tác quốc tế như Liên minh tham vọng cao nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa để tận dụng được các cơ hội hợp tác tăng cường năng lực, hỗ trợ nguồn lực cho quá trình triển khai thực hiện Thỏa thuận sau khi được thông qua và ký kết.

Theo Tùng Lâm/Môi trường và Đô thị