Kinh doanh

Chống hàng lậu, hàng giả, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển

Hoàng Nguyễn 11/08/2023 - 17:44

Đại diện các cơ quan chức năng đã chia sẻ thực trạng và giải pháp phòng, chống hàng lậu, hàng giả để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Tọa đàm “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” được tổ chức ngày 11/8 ở TP.HCM.

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm. 6 tháng đầu năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo đánh giá của Google và Temasek tại báo cáo mới nhất mới công bố “Kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022”, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế internet (bao gồm các lĩnh vực: bán lẻ trực tuyến, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến và nội dung nghe nhìn trực tuyến) đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia, Thái Lan), đạt 49 tỷ đô năm 2022. Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022 – 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

toa-dam-hai-quan-2.jpg
Tọa đàm “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” thu hút đông đảo đại biểu, doanh nghiệp tham dự. Ảnh: Hoàng Nguyễn.

Nhức nhối hàng lậu, hàng giả trên các sàn TMĐT

Ông Đỗ Hồng Trung, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Dự báo đến năm 2025 theo Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google TMĐT Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD.

Bên cạnh sự phát triển tích cực của TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách, có thể rất đơn giản khi tìm kiếm mua những mặt hàng này trên các sàn TMĐT.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, trong những tháng đầu năm 2023, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra.

Năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 2.219 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 9,72% so với cùng kỳ); 61.057 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 20,55% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560,609 tỷ đồng (tăng 76,23% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.166 vụ/1.610 đối tượng.

Phòng, chống buôn lậu TMĐT khó khăn

Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, công tác phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT gặp nhiều khó khăn.

Đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch TMĐT do đó gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức “gửi nhầm hàng”, “từ bỏ” nhằm trốn tránh trách nhiệm.

toa-dam-hai-quan-1.jpg
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Hoàng Nguyễn.

Các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch TMĐT thường liên quan đến yếu tố nước ngoài. Do vụ việc có yếu tố nước ngoài, nhiều nội dung cần xác minh làm rõ nhưng đối tượng liên quan đến vụ việc lại ở nước ngoài phụ thuộc vào “sự thiện chí” hợp tác của cơ quan hải quan nước bạn. Thực tiễn nhiều vụ việc yêu cầu cơ quan hải quan nước bạn cung cấp thông tin nhưng không nhận được kết quả trả lời hoặc kết quả trả lời chung chung, không đúng yêu cầu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch TMĐT.

Các giao dịch do các bên ký kết thông qua hình thức giao dịch điện tử gây khó khăn cho công tác “giám định”, đánh giá chứng cứ. Để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, thuận lợi trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng nhà nước quy định nhiều hình thức xác lập giao dịch giữa các bên với nhau. Lợi dụng điều này, các đối tượng vi phạm đã làm giả nhiều hồ sơ, chứng từ, tài liệu để thực hiện các vi phạm. Do các bên thỏa thuận với nhau thông qua hình thức giao dịch điện tử nên gây khó khăn cho công tác giám định, đánh giá chứng cứ trước khi đưa ra quyết định xử lý.

hang-gia-hang-nhai.jpg
Hàng giả nhãn hiệu do Cục Hải quan TPHCM phát hiện. Ảnh: T.H

Giải pháp phòng, chống hàng lậu, hàng giả trên sàn TMĐT

Từ thực trạng nêu trên, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái để thúc đẩy TMĐT phát triển.

Theo ông Đỗ Hồng Trung, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đối với người dân và doanh nghiệp, cần chấp hành pháp luật, Phối hợp với các cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong TMĐT. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải Bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của doanh nghiệp mình, sử dụng công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc hàng hoá trên bao bì giúp người tiêu dùng dễ dàng xác minh sản phẩm chính hãng.

Theo ông Phạm Tấn Đạt, Phó trưởng Ban Logistics - Hiệp hội TMĐT Việt Nam, người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại mua hàng phải tìm hiểu và tham khảo trên các trang web uy tín, thông tin liên lạc rõ ràng địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế rõ ràng. Khi mua hàng hóa, người tiêu dùng phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn hoặc chứng từ và lưu giữ để giải quyết khiếu nại khi có yêu cầu.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương coi công tác truyền thông là một trong những công cụ quan trọng trong công tác quản lý hoạt động TMĐT. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đưa các tin bài, cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng về các hành vi vi phạm trong TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng trên cổng thông tin điện tử của Bộ, của Cục, cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, các phương tiện truyền thông khác như báo, tạp chí ngành công thương.

Hoàng Nguyễn