Giáo dục

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm giải pháp thực hiện chuyển đổi số

Hoàng Nguyễn 11/08/2023 - 17:44

Đại diện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nhìn nhận thực trạng và cùng nhau chia sẻ, tìm giải pháp thực hiện chuyển đổi giáo dục sao cho hiệu quả.

Xu thế hội nhập quốc tế, chuyển đổi số được xem là hướng đi tất yếu, là vấn đề sống còn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhằm đưa ra những giải pháp khoa học để định hướng phát triển công tác chuyển đổi số một cách hiệu quả và đúng mục tiêu, Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (CĐ Kinh tế TP.HCM) vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Hội thảo với sự tham dự của đại diện nhiều trường cao đẳng, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Sóc Trăng, các nhà khoa học và hơn 200 cán bộ, giảng viên.

Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Trần Văn Tú – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho biết, hai năm trở lại đây, gần như tất cả chúng ta đã quá quen với thuật ngữ “chuyển đổi số” khi mà tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực và các đơn vị cơ sở đều đã nói tới, thực hiện rất nhiều các hội thảo lớn nhỏ, các cấp cũng có những chủ trương thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thực hiện chuyển đổi số ở từng lĩnh vực, vẫn chưa có sự thống nhất chung, chưa có hình mẫu.

1.-phat-bieu-khai-mac-hoi-thao-cua-hieu-truong.jpg
ThS.Trần Văn Tú – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM phát biểu khai mạc.

“Thực tiễn tại các cấp cơ sở nói chung hay cụ thể là cấp cơ sở trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chúng ta vẫn đang dừng ở mức độ nghiên cứu và tìm hướng đi dựa trên nền tảng cơ sở là việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong các mặt công tác từ trước đến nay. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở mỗi cơ sở do tính lịch sử, đặc thù nên mỗi đơn vị cũng không có sự tương đồng trong ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cũng như những mặt công tác khác”, ThS.Trần Văn Tú cho biết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu đã chia sẻ các hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị, kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số, tổ chức lớp học hiện đại và sử dụng công nghệ số trong đào tạo nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo lập và quản lý tài liệu điện tử,… Từ đó, đưa ra các giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay sao cho hiệu quả.

TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho biết, nhà trường đã từng bước nâng cao nâng cao nhận thức về chuyển đổi số giáo dục và đẩy mạnh sử dụng công nghệ số để đổi mới phương thức quản lý và phương thức dạy học của nhà trường. Theo TS. Nguyễn Đặng An Long, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cần có sự quyết tâm và đoàn kết của cả tập thể cùng sự đầu tư xây dựng nền tảng số đảm bảo có thể hỗ trợ tất cả các hình thức dạy và học (trực tuyến, trực tiếp, kết hợp...).

7.-doan-chu-toa-dieu-hanh-phien-thao-luan(1).jpg
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo.

ThS. Võ Thành Trung, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong quản lý đào tạo của trường kể từ năm 2011 với việc đưa phần mềm quản lý quản lý đào tạo đã làm thay đổi cơ bản cách thức và tư duy quản lý đào tạo truyền thống. Việc quản lý học sinh, sinh viên, quản lý chương trình, tổ chức đào tạo, quản lý thu phí, đánh giá người học… đều đồng bộ, được tin học hóa. Tuy vậy, phải đến năm học 2020 - 2021, trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 thì việc chuyển đổi số trong quản lý đào tạo mới thể hiện vai trò quan trọng. Trường đã xây dựng website đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến dành cho tân sinh viên, thực hiện số hóa dữ liệu gốc, cung cấp dịch vụ quản lý đào tạo, hỗ trợ sinh viên đã tốt nghiệp, số hóa toàn bộ dữ liệu gốc là các bản in/sổ sách gốc bằng giấy qua các thời kỳ khác nhau,…

Theo ThS. Võ Thành Trung, để thực hiện thành công chuyển đổi số cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn bộ hoạt động, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, đầu tư trang thiết bị và có các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số cụ thể, kịp thời.

Tại Hội thảo, ThS. Chung Ngọc Quế Chi, Trường Cao đẳng Kinh Tế Kỹ Thuật TP.HCM đã phân tích và đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy quá trình phát triển năng lực số cho đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, nhà quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi số và phát triển năng lực số cho đội ngũ giảng viên là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược; xây dựng và triển khai các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tạo môi trường thuận lợi và chính sách đãi ngộ phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cần ý thức được mỗi giảng viên là một mắt xích quan trọng trong chuyển hoạt động chuyển đổi số và phát triển năng lực số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hoàng Nguyễn