Phố đi bộ Bùi Viện nên là một địa chỉ giao lưu văn hóa
Bây giờ, phố đi bộ Bùi Viện đã là một địa chỉ được lan truyền khá rộng rãi trên internet và các câu chuyện kể của du khách nước ngoài. Người ta review về nơi này rất nhiều với nhiều nét độc đáo cũng như những kinh nghiệm và cả các “lưu ý”.
Ở một số nước, tại thành phố có đông khách du lịch, chính quyền sở tại thường tổ chức một khu vực thu hút khách nước ngoài đến mua sắm, tìm hiểu và giao lưu văn hóa, như là một địa chỉ giới thiệu những nét đặc sắc của quốc gia đó với bạn bè quốc tế. Chẳng hạn, tại phố cổ Arbat của thủ đô Moscow (Nga), nơi đây có những cửa hàng bán hàng lưu niệm đặc trưng của Nga, trong đó có búp bê gỗ Matryoshka, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vẽ tranh… khá hấp dẫn. Hầu như khách đến thăm Nga đều đến khu phố cổ này.
Truyền tai nhau về “4 miễn phí”
Còn phố đi bộ Bùi Viện, không rõ có phải ngẫu nhiên không, được đặt tên của một nhà cải cách, một nhà ngoại giao thời nhà Nguyễn (cùng với các tuyến đường lân cận là Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu). Bùi Viện (1839 – 1878) từng xin với vua Tự Đức được xuất dương xem xét tình hình và tìm cách cầu viện để chống bọn cướp biển và chuẩn bị chống thực dân Pháp xâm lược tiến công ra Bắc. Ngoài việc tổ chức cải cách thủy binh, Bùi Viện được cho là có nhiều đề xuất cải cách khác nhằm mở rộng quan hệ với các nước, từ đó học tập các tiến bộ của họ để phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn ươn hèn, thủ cựu, Bùi Viện mất sớm nên các kiến nghị của ông không được thực hiện và triều Nguyễn chống đỡ yếu ớt cuộc Bắc tiến của quân Pháp, khiến nước rơi vào tay người Pháp từ sau Hòa ước Patenôtre (Hòa ước Giáp Thân, năm 1884).

Điều thú vị là thời gian qua, tại phố đi bộ Bùi Viện, nhiều người đã truyền tai nhau về “4 miễn phí” (four free, gồm nhà vệ sinh, wifi, cung cấp thông tin/hỗ trợ du khách và… “nụ cười miễn phí”). Ở đây, với sự tổ chức và vận động của chính quyền địa phương (trong đó có vai trò nổi bật của chính quyền và Công an phường Phạm Ngũ Lão), sự thân thiện, mến khách đã được thể hiện khá rõ. Đặc biệt, đây cũng là khu vực giới thiệu, quảng bá ẩm thực Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đến với bạn bè các nước. Việc bài trí, trang trí, tổ chức dịch vụ và sinh hoạt ở đây cũng có nhiều nét gần gũi với các du khách Âu Mỹ, tạo cảm giác cho khách phương xa như đang được ở quê nhà. Dẫu vậy, các yếu tố đặc trưng của Việt Nam vẫn được thể hiện, như nét sinh hoạt vỉa hè, cách phục vụ một số loại ẩm thực, cách tổ chức buôn bán…

Trên hành trình trở thành điểm đến đương nhiên của du khách
Bây giờ, phố đi bộ Bùi Viện đã là một địa chỉ được lan truyền khá rộng rãi trên internet và các câu chuyện kể của du khách nước ngoài. Người ta review về nơi này rất nhiều với nhiều nét độc đáo cũng như những kinh nghiệm và cả các “lưu ý”. Làm sao để nơi đây thành một điểm đến đương nhiên của du khách khi đến TP.HCM, là một nơi đáng nhớ trong hành trình khám phá Việt Nam, thành một địa chỉ có ấn tượng sâu sắc… là trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như của người dân tại khu vực này.
Trước hết, khu vực phố đi bộ Bùi Viện (cũng như nhiều nơi khác của thành phố) phải thực sự an toàn, thân thiện. Sự quan tâm của địa phương về vấn đề này thời gian qua là rất tích cực nhưng cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa. Không phải chỉ trộm cắp, cướp giật mới đáng nói, việc tránh chèo kéo, chặt chém, lừa dối khách… cũng cần được chú ý nhiều hơn, cả trong buôn bán, dịch vụ khách sạn, đi lại… Hay việc động viên người dân hỗ trợ du khách khi có các khó khăn cũng cần được thực hiện tốt hơn nữa, như lạc đường, mất giấy tờ, đau bệnh…

Việc tổ chức quảng bá ẩm thực Việt Nam cần được thực hiện bài bản và khoa học hơn nữa, theo hướng không chỉ để bán được hàng hóa mà còn giới thiệu được một nét văn hóa. Do đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ thông tin, động viên người dân tại đây không chỉ là những người hoạt động dịch vụ có tâm, có trách nhiệm mà còn là những “đại sứ văn hóa ẩm thực”. Đương nhiên bên cạnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, người bán hàng cần có óc thẩm mỹ để tổ chức quầy hàng của mình sao cho bắt mắt và hợp lý, có sự giới thiệu đúng cách về những món ăn Việt Nam, có cách chia sẻ với du khách những thông tin về ẩm thực Việt Nam để họ có thể tiếp tục quảng bá với người khác…

Việc bán hàng lưu niệm cũng cần được chú ý nhiều hơn tính văn hóa, tính dân tộc. Ở đây, việc bán được một món hàng, có được những khoản lời nên được đặt song song với việc giới thiệu một nét riêng của văn hóa Việt Nam, văn hóa TP.HCM đến với bè bạn. Như vậy, món hàng với hình thức và giá trị của nó, cách bán món hàng đó đều được quan tâm, để khi về nước, du khách nhìn thấy vật lưu niệm thì vẫn còn nhớ về Việt Nam, nghĩ về TP.HCM bằng sự quý mến, trân trọng và nhung nhớ chứ không phải ngược lại.
.jpg)

Đặc biệt, nên quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hoạt động âm nhạc đường phố, trong sự gắn kết với các hoạt động biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, ở khu vực trước Nhà hát thành phố. Địa phương nên có các chương trình biểu diễn định kỳ với các tiết mục đặc sắc, giới thiệu các loại hình âm nhạc độc đáo của Việt Nam và thành phố, nhất là các tiết mục dân ca, đờn ca tài tử… Việc biểu diễn mang tính cá nhân, riêng lẻ của các nhóm dù dưới cách thức và mục đích nào cũng cần được quản lý chặt chẽ để tránh phát sinh những tiết mục không phù hợp về nội dung, hình thức, nhất là việc biểu diễn đó làm bình phong để phục vụ các mục đích không lành mạnh.


Mở rộng vòng tay với nghệ sĩ nước ngoài
Đương nhiên, phố đi bộ Bùi Viện không chỉ có giới thiệu, quảng bá mà còn có tiếp thu, đón nhận, trên tinh thần giao lưu văn hóa, trao đổi nếp sinh hoạt giữa người dân địa phương và du khách từ nơi khác đến. Một nghệ sĩ đường phố, một họa sĩ tự do, một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư… là người nước ngoài có thể hoạt động tại phố đi bộ trên tinh thần chia sẻ, trao đổi, giao lưu với nhau. Đương nhiên, cần có giải pháp tránh những biến tướng không lành mạnh có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của phố đi bộ nói riêng và thành phố nói chung.
Để phố đi bộ là một địa chỉ giao lưu văn hóa, cần sự quan tâm hỗ trợ, định hướng, tổ chức của chính quyền địa phương. Trên hết, các cơ quan chức năng của phường, của quận nên nhìn ra đây là một cơ hội, một công cụ có thể gắn hoạt động giới thiệu, quảng bá về văn hóa với hoạt động kinh doanh. Do đó, cán bộ phụ trách tại địa phương bên cạnh cần có vốn về ngoại ngữ thì phải có vốn về văn hóa, để góp phần tham gia xây dựng địa chỉ văn hóa tại phố đi bộ Bùi Viện nói riêng và các địa điểm khác của Quận 1, của thành phố nói chung.