ĐBQH Hà Phước Thắng:Hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM trước cơ hội phát huy mạnh mẽ tiềm năng vốn có
Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH&CN-ĐMST) là một trong 7 nội dung quan trọng của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (NQ-98).
Trao đổi cùng Khoa học phổ thông, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP.HCM, đã phân tích, làm rõ thêm các điểm chính yếu của nội dung NQ-98 về quản lý KH&CN-ĐMST (Điều 8) sẽ được áp dụng thí điểm trên địa bàn TP.HCM từ 1/8.

BỎ ÁP GIỚI HẠN VỐN & DOANH THU CHO "DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO"
* Thưa ông, tại sao NQ-98 lại có định nghĩa về “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, trong khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 đã có quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo?
ĐBQH Hà Phước Thắng:
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 quy định rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh, có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước không quá 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ thực tiễn năng động, sáng tạo ở TP.HCM, để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và có quy mô lớn, trong lĩnh vực KH&CN, cần thiết phải định nghĩa lại "doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" là doanh nghiệp thực hiện ý tưởng dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh, mà không có yêu cầu về vốn hoặc doanh thu trong năm trước như quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, NQ-98 đã định nghĩa lại để làm cơ sở pháp lý cho TP triển khai.
* Việc miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Báo cáo thực tế cho thấy, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một hình thức đầu tư mạo hiểm, có nhiều rủi ro. Do vậy, TP chưa đạt được mức thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư như mong đợi. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mang lại từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công là rất lớn. Để tạo động lực và thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư, từ đó khuyến khích sự phát triển của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cần thiết phải áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, đây cũng là một chính sách hấp dẫn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tái đầu tư, phát triển. Trong thời gian ngắn hạn có thể sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nâng cao năng lực tích lũy, năng lực cạnh tranh qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo ra “hiệu ứng lan tỏa” khác cho nền kinh tế.

VIỆN, TRƯỜNG CÓ THỂ LẬP DOANH NGHIỆP ĐỂ ĐƯỢC ƯU ĐÃI THUẾ
* Về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, ông đánh giá thế nào về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với các chuyên gia, nhà khoa học từ tiền lương, tiền công? Bên cạnh đó, NQ-98 chỉ quy định các cá nhân làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH&CN, trung tâm ĐMST và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn TP. Vậy còn những cá nhân làm việc về hoạt động KH&CN-ĐMST trong các trường đại học thì có chính sách như thế nào?
- Chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH&CN, trung tâm ĐMST và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn TP nhằm thu hút nhân tài và phát triển thị trường KH&CN theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Thời hạn miễn thuế là 5 năm để thí điểm và xem xét hiệu quả, và có thể áp dụng lâu dài trên phạm vi rộng hơn nếu chính sách này phát huy hiệu quả.
Đối với hoạt động ĐMST trong các trường đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có thể thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp và góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ KH&CN có nguồn gốc ngân sách nhà nước. Như vậy, nếu các cơ sở giáo dục đại học thấy cần thiết và đáp ứng yêu cầu, họ có thể thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các giáo viên, giảng viên có thể ký hợp đồng với các doanh nghiệp này để được hưởng ưu đãi miễn thuế. Chính sách này giúp khơi thông nguồn lực về trí tuệ vô cùng lớn từ các giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học trong cơ sở giáo dục.
* Về hỗ trợ hoạt động ĐMST và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP (khoản 1, Điều 8 của NQ-98), xin ông cho biết tại sao lại miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp, mà không phải dài hơn, chẳng hạn tăng thời hạn lên 8-13 năm?
- Chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của NQ-98 hiện đang áp dụng theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ (miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). Tuy nhiên, để đồng bộ thời gian miễn thuế trong nội dung NQ-98 với thời gian hiệu lực của nghị quyết, thời gian miễn thuế 5 năm là phù hợp.
Thời gian khởi nghiệp và phát triển một start-up tùy thuộc vào lĩnh vực phát triển, có thể dao động từ 5-15 năm (trung bình, trong lĩnh vực công nghệ là 5 năm; nông nghiệp, công nghệ cao 10-15 năm). Do đó, miễn thuế tính từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp ĐMST của nhóm đối tượng này là phù hợp.

SỚM BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẶC THÙ THU HÚT NHÂN TÀI
* NQ-98 đã cho phép TP được quy định, quyết định tiêu chí, điều kiện, lĩnh vực, mức hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Điều này sẽ tháo gỡ, tạo điều kiện cho TP như thế nào nhằm phát triển lĩnh vực khởi nghiệp, ĐMST trong thời gian tới, thưa ông?
- Hiện thống kê cho thấy, TP.HCM có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 65% tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Có hơn 44 cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp, bao gồm cả nhà nước và tư nhân.
Các cơ sở ươm tạo nhà nước hầu hết tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ khí tự động hóa. Tuy cần thời gian ươm tạo dài và vốn đầu tư lớn, nhưng các lĩnh vực này mới tạo ra được các công nghệ lõi cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đây là yếu tố quan trọng để hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM phát triển bền vững và có lợi thế cạnh tranh.
Trong khi đó, các cơ sở ươm tạo tư nhân phần lớn tập trung vào ươm mầm và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ĐMST trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Do chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn và thoái vốn nhanh. Đây là các nhóm đối tượng quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho TP.
Vì vậy, chính sách linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế để thu hút và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là rất quan trọng. Việc giao cho HĐND TP.HCM quy định, quyết định tiêu chí, điều kiện, lĩnh vực và mức hỗ trợ đối với tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong thu hút nhân tài, phù hợp với thực tiễn của TP, từ đó giúp phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của TP, tạo điều kiện để TP xây dựng một hệ sinh thái ĐMST có lợi thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
* Chính sách tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập (khoản 2, Điều 8) sẽ do HĐND TP.HCM quy định. Theo ông, điều này có bảo đảm công bằng đối với những chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt chỉ làm công tác chuyên môn trong tổ chức này?
- Việc thu hút nhân tài, giữ nhân được nguồn nhân lực chất lượng cao vào một số chức danh lãnh đạo trong các tổ chức KH&CN công lập là cần thiết trong bối cảnh tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN công lập theo Nghị quyết số 19 thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng và ĐMST phục vụ cho các ưu tiên phát triển kinh tế - kỹ thuật của TP, góp phần thay đổi mô hình quản trị mới, hiệu quả hơn tại các tổ chức KH&CN công lập. Chính sách này đã được Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Với chính sách ưu đãi thù lao trong nghiên cứu khoa học, TP sẽ có nhiều cơ hội khuyến khích, thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học chất lượng cao làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thương mại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên của TP, hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực trọng điểm của TP.
* Xin cảm ơn ông.
>> Từ 1/8, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM được mở rộng đến đâu?