Chi hàng trăm triệu đồng tiêm filler, người phụ nữ bị áp-xe mông
Người phụ nữ đã bỏ 200 triệu đồng tiêm 700 cc filler sở hữu cặp mông quả đào phiên bản lỗi, nạo vét 3 lần vẫn không khỏi áp xe.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận mổ nạo áp-xe mông cho bệnh nhân N.D.T. (42 tuổi, ngụ TP.HCM).
Chị T. cho biết, chị nhờ người thân mua 700cc filler châu Âu để tiêm vào mông, tạo bờ mông quả đào sexy thay vì phải đến bệnh viện thẩm mỹ lớn để làm.
Tháng 1/2022, chị T. đã được một người quen (không phải bác sĩ hay nhân viên y tế) mời đến nhà riêng để tiêm 300cc filler “châu Âu” vào mông.
Bẵng đi một thời gian, 9 tháng sau, chị T. lại đến nhà người quen để dặm thêm 400cc filler “châu Âu” vào vòng ba với mong muốn cặp mông quả đào thêm căng tròn và sexy.
Ba ngày sau đó, chị T. lên cơn sốt cao, cặp mông bỗng dưng sưng phù, đau nhức dữ dội. Không thể cầm cự trong suốt 10 ngày liên tục nên chị T. đã 1 trạm y tế cấp cứu xử lý nạo áp-xe.
Vài tháng sau đó khối áp-xe lại tiếp tục tái phát, đau nhức liên tục nhiều ngày nên chị T. tìm đến một thẩm mỹ viện để chữa trị. Tại đây, chị T. được tư vấn nạo hút áp-xe kết hợp đặt túi độn mông tái tạo lại vòng 3 với giá 70 triệu đồng.
Chị T. được bác sĩ rạch 3 đường mổ dài 15cm trên hai bên mông để nạo hút dịch mủ. Tuy nhiên, chị T. không được đặt túi mông và áp-xe mông vẫn không hoàn toàn khỏi mà vẫn còn đau nhức liên lục, các vết rạch hút áp xe không lành, thường xuyên nhỏ dịch hôi thối.
Qua khai thác bệnh sử và chẩn đoán chụp cộng hưởng từ MRI, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện JW cho biết: “Ổ viêm nhiễm xuất hiện cả hai bên mông bệnh nhân, filler khu trú và xâm lấn xung quanh, tới cả bờ mông sau.
Dù đã nạo áp-xe hai lần nhưng do filler đã len lỏi sâu vào các mô cơ ở khắp nơi, nên bên trong mông vẫn còn tàn dư filler, khiến mông hiện tại bị sưng phồng, nhiều vùng vón cục lồi lõm. Miệng vết khâu của các lần nạo filler trước đó vẫn còn rò rỉ dịch mủ”.
Lập tức, BS Tú Dung thực hiện mổ khẩn tránh để filler tiếp tục lan rộng hay tắc nghẽn mạch máu. Ca phẫu thuật gặp nhiều thách thức vì filler dường như đã khu trú khắp nơi trong mông, tạo thành cấu trúc tổ ong cực kỳ khó nạo hút, ăn đến tận xương đùi và xương cùng cụt buộc ekip phải thực hiện xử lý từng khu vực để nạo hút toàn bộ khối áp-xe.
Trải qua quá trình cấp cứu, ekip thu về tới gần 1000cc gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định. Bệnh nhân sẽ được điều trị tích cực bằng kháng sinh mạch và đặt máy VAC chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 7 - 10 ngày mới hy vọng giải quyết tình trạng áp-xe triệt để.
TS.BS Tú Dung cảnh báo: “Filler bản chất là hyaluronic acid, chất làm đầy được sử dụng trong làm đẹp. Tuy nhiên, khi tiêm filler phải cực kỳ lưu ý phải tiêm đúng loại filler chất lượng được cấp phép không thể tiêm một lượng quá nhiều.
Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ da liễu hoặc tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo chính quy. Cơ sở thực hiện cũng phải được cấp phép chứng nhận. Đặc biệt, tuyệt đối không nên tiêm filler để nâng ngực hoặc nâng mông vì có thể gây ra nhiều tình trạng thương tâm. Cần ưu tiên lựa chọn những phương pháp an toàn hơn như cấy mỡ hoặc đặt túi.”
Trước đó, theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hoạt động “thẩm mỹ chui” đang ngày càng tinh vi và hỗn loạn. TPHCM có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Nhưng chỉ gần 600 cơ sở do Bộ và Sở Y tế cấp phép, chiếm chưa đến 15%. Còn lại 85% do quận, huyện, TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo, người dân khi muốn làm đẹp nên tra cứu cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại thongtin.medinet.org.vn; không nên lựa chọn cơ sở làm đẹp dựa vào tên gọi như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”...