Giấc mơ chuyên sâu cho trạm y tế Bài 1: Bao giờ thành hiện thực?
Trạm Y tế phường 4, quận 10 (TP.HCM) nằm ngay khu vực trung tâm, có hàng loạt các bệnh viện, cơ sở y tế lớn, nhỏ bao quanh. Chức năng của trạm y tế là tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng.
Không thể đi lệch theo hướng chuyên ngành hay chuyên khoa, trạm y tế thực hiện các chức năng rất đặc thù dành cho y tế cơ sở tuyến đầu vốn lâu nay không thay đổi nhiều.
BS Phạm Thị Ái Xuân, Trưởng trạm Y tế phường 4, quận 10 cho biết, nhân sự trạm hiện gồm có: bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ đa khoa, điều dưỡng và dược sĩ. Trạm đang phụ trách chăm sóc sức khỏe ban đầu cho gần 10.000 dân, trong đó, nhiều nhất là độ tuổi từ 18-49, chiếm 45% tổng dân số. Xếp sau là từ 50-65 tuổi chiếm 24%, và từ 65 tuổi trở lên chiếm 10%.
Không chuyên sâu, không bác sĩ chuyên khoa, không thu nhập hấp dẫn
Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần khẳng định rằng trạm y tế không phải là phòng khám chuyên khoa hay bệnh viện thu nhỏ, mà là nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng. Điều này phù hợp với định hướng chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nâng cao năng lực y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu và Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, HĐND TP.HCM về nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Theo BS Ái Xuân, tại phường 4, quận 10, trạm y tế đang thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật bao gồm về y học dự phòng; khám chữa bệnh, kết hợp ứng dụng y học cổ truyền trong phòng và chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cung ứng thuốc thiết yếu; quản lý sức khỏe cộng đồng; và truyền thông giáo dục sức khỏe.
Từ đó cho thấy, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm không hề nhỏ, cũng như không hề đơn giản. Thực tế, theo Sở Y tế, tình trạng số nhân viên y tế của mỗi trạm lại đang có xu hướng giảm do nhân viên nghỉ việc vì phải đảm trách rất nhiều đầu việc và thu nhập của nhân viên trạm y tế rất thấp nếu so sánh với thu nhập của nhân viên y tế tại các bệnh viện và phòng khám.
Điều này đòi hỏi cần có giải pháp tăng cường các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại các bệnh viện lớn của TP về trạm y tế. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa lại không thể đảm trách công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, một công việc vốn chuyên dành cho bác sĩ thực hành tổng quát hay bác sĩ gia đình.
TP.HCM phát triển y tế chuyên sâu có đang gắn với nâng cao năng lực y tế cơ sở?
Ngày 2/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 87/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nêu rõ hàng loạt cốt lõi: “Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; chủ động ứng phó hiệu quả các loại dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.”
Ngày 17/6 vừa qua, ngành y tế TP đã tổ chức hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM”. Tại đây, PGS TS BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra 7 nhóm giải pháp để TP sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của TP về y tế chuyên sâu và tham vọng phát triển y tế du lịch, thu hút khách quốc tế.
Tuy nhiên, trong đó, các giải pháp liên quan đến y tế cơ sở, y tế phường/ xã cũng đã được định hướng, có thể liệt kê như: Nâng cấp, chuẩn hóa cơ sở hạ tầng của tất cả các trạm y tế phường, xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; Phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân; Xây dựng nền y học chính xác, đẩy mạnh phát triển điều trị đúng phương pháp cho đúng người bệnh tại đúng thời điểm với đúng liều lượng; Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở, hình thành mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân đảm bảo cung cấp đủ các loại hình chăm sóc sức khoẻ từ khám sức khoẻ, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao đến chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện, điều trị tại nhà, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc người cao tuổi, cấp cứu ngoài bệnh viện, v.v…
Giám đốc Sở Y tế TP cũng đưa ra các điểm sáng ứng dụng khoa học - công nghệ y tế chuyên sâu tại trạm y tế cũng đã được áp dụng những năm gần đây, như bác sĩ của trạm y tế và người bệnh được kết nối và trao đổi trực tuyến với các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện TP qua ứng dụng Telemedicine; hay bác sĩ công tác tại trạm Y tế xã đảo Thạnh An sử dụng X-quang có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối với các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh của các bệnh viện TP qua hệ thống lưu trữ và truyền thông hình ảnh y tế (PACS) để hội chẩn.
Dù vậy, có thể thấy quy mô, tần suất, hiệu quả của những ứng dụng tiên tiến tại y tế cơ sở này còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thể đáp ứng thực tiễn với hàng loạt các vấn đề của mô hình trạm y tế hiện tại. Y tế chuyên sâu vẫn là một trong những thách thức, nếu không muốn nói là còn “xa tầm tay với” nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở trong bối cảnh chuyển đổi số và đẩy mạnh phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” khi mà nhiều bệnh truyền nhiễm không lây tăng mạnh, nhiều bệnh di truyền phát hiện muộn, đồng thời cũng hướng đến mục tiêu “chia lửa với tuyến cuối” của thực trạng quá tải điều trị hiện nay ở nhiều chuyên khoa tại các bệnh viện TP...
(còn nữa)