Sống xanh

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Đánh đổi lợi nhuận để có được lối sống xanh

Tường Phong (thực hiện) 05/07/2023 - 19:05

Tại Lễ phát động chiến dịch “Race to Net zero” và Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường Carbon”, chị Nguyễn Thị Thanh Tú - Chủ tịch Tập đoàn Bất Động Sản TLM được chọn là đại sứ của chiến dịch.

Trước những cơ hội và thách thức cùng những vấn đề mới mẻ, Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc phỏng vấn nhanh cùng chị Thanh Tú.

1dx_6257.jpg

PV: Chào chị. Chị quan tâm đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 từ khi nào và đã đồng hành, đưa vào áp dụng trong thực tiễn từ khi nào?

Doanh nghiệp chúng tôi đã đã tự chuyển đổi xanh nhiều năm. Nhưng thật ra mọi thứ mới chỉ nằm ở việc chuyển đổi dần dần chứ không phải tất cả, bởi khung văn bản pháp lý vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây thì tôi nhận ra đây là xu thế bắt buộc để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh. Chúng tôi chính thức chuyển đổi sang hình thức đầu tư các khu du lịch sinh thái nghĩ dưỡng kết hợp với bảo tồn và bền vững các khu thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng, đó là cơ hội rất tốt để mình vừa làm kinh doanh đồng thời có thể phát triển bền vững cùng với môi trường.

PV: Là một tập đoàn xây dựng thì chị có thấy khó khăn trong việc tìm ra nguồn nguyên liệu xanh, nguyên liệu thân thiện với môi trường không?

Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, rất nhiều loại vật liệu phù hợp và gần gũi thiên nhiên nên chúng tôi thấy không có quá nhiều khó khăn. Chúng tôi có những khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng hoàn toàn sử nguyên liệu tự nhiên, thiên nhiên và các loại vật liệu chúng tôi chọn theo tiêu chí gần gũi, phát triển tại địa phương như tre, nứa và chúng tôi sử dụng năng lượng điện Mặt Trời do đặc thù các dự án của chúng tôi hầu hết đều nằm ở khu vực có rừng và biển.

Cái gọi là khí thải và chất thải đều có thể tuần hoàn, phế phẩm của quy trình này trở thành nguyên liệu đầu vào đối với lại quy trình khác. Ví dụ như nước thải sau khi được xử lý có thể tái sử dụng, tưới tiêu cho các khu rừng hay trồng rau organic. Chúng tôi đặc biệt nói không với các túi rác thải nhựa hoặc áp dụng các mỹ phẩm, vật dụng từ thiên nhiên, ưu tiên sử dụng những sản phẩm với nguyên liệu có thể tái sinh được.

mg4b8791.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh Tú - Chủ tịch Tập đoàn Bất Động Sản TLM phát biểu tại sự kiện trong vai trò Đại sự của chiến dịch Race to Net zero

Là doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi cũng rất cần những vật liệu từ các doanh nghiệp mà họ hướng tới sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Hiện nay, theo tôi, trên thị trường cũng không có nhiều sự lựa chọn lắm. Đó sẽ là những rào cản khó khăn đối với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là xây dựng, muốn tới Net zero cùng với Chính phủ. Tôi rất mong các doanh nghiệp, các nhà khoa học có thể nghiên cứu ra thêm nhiều nguyên vật liệu thân thiện môi trường, để chúng tôi có thêm nhiều sự lựa chọn hơn. Nhất là về khoản giá thành hợp lý, có thể giảm xuống để các doanh nghiệp như chúng tôi mạnh dạn lựa chọn, đưa vào áp dụng.

PV: Có một thực tế là những sản phẩm hay công trình xanh thường có giá thành cao do chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao. Là một doanh nghiệp, chị có dám đánh đổi lợi nhuận để có được một lối sống xanh?

Thực ra đó là một thách thức vô cùng to lớn, đặc biệt là đối với vấn đề tài chính và cạnh tranh. Bởi trong thực tế, Việt Nam cũng chỉ mới đang bắt đầu mở ra xu hướng, nên hầu hết doanh nghiệp đều đắn đo. Riêng với doanh nghiệp của chúng tôi, chúng tôi kiên quyết và mạnh dạn chuyển đổi xanh mặc dù có thể bị đội chi phí ban đầu. Nhưng tôi nghĩ, khi áp dụng và đưa vào vận hành, chúng tôi sẽ góp phần giảm thải ra môi trường và tin tưởng lợi nhuận theo năm tháng sẽ tăng dần lên.

Trước những băn khoăn chung đó, tôi cũng mong Chính phủ sớm ban hành các chính sách cũng như thuế bắt buộc. Ví dụ như, những doanh nghiệp không sử dụng vật liệu xanh sẽ phải trả khoản thế bắt buộc, hay sớm áp dụng các chứng chỉ carbon, Net zero để cân bằng carbon. Khi đó, mặt bằng chung như nhau sẽ tạo ra những những cơ hội cạnh tranh lành mạnh.

1dx_6273.jpg
Tập đoàn Bất Động Sản TLM là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh

PV: Chị nhận xét gì về việc dự kiến sẽ ban hành các chứng chỉ carbon?

Đó là điều rất thiết thực cũng sớm nên áp dụng. Theo tôi, có thể vẫn còn có nhiều doanh nghiệp trên thị trường chưa thực sự hiểu hay sớm nắm bắt vấn đề, nhất là một số chính sách và nghị định bắt buộc có thể áp dụng trong tương lai. Tôi tin những sự kiện, hội thảo như Lễ phát động chiến dịch “Race to Net zero” và Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường Carbon” là rất cần thiết. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ đi sâu đi sát hơn và người dân cũng sẽ bắt đầu có những ý thức hơn về việc chuyển đổi xanh.

PV: Chị có nghĩ đây là cơ hội lớn cho chính mình khi doanh nghiệp của chị là những đại diện tiên phong sẽ sớm sở hữu những tín chỉ carbon?

Tôi nghĩ, không chỉ bản thân hay doanh nghiệp của tôi mà đây còn là cơ hội rất lớn đối với mọi doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi vì để gia tăng năng lực cạnh tranh, nhất là trên toàn cầu, các doanh nghiệp cần phải bắt kịp xu hướng. Việc này ở các nước phát triển họ đã áp dụng rồi.

1dx_6148.jpg

PV: Chị nghĩ gì và sẽ làm gì trong vai trò của một đại sứ cho Chiến dịch “Race to Net zero”?

Đối với tôi đó thật sự là một sứ mệnh và là vinh dự, đồng thời cũng là điều tự hào. Bởi bản thân tôi cũng như doanh nghiệp của chúng tôi từ lâu đã miệt mài thực hành lối sống xanh. Khi nhận lời trở thành đại sứ, tôi có nhiều cơ hội để tiếp cận các nguồn tin, cập nhật nhanh các thông tin, sát sao hơn nữa với những nghị định, chính sách mới để có thể áp dụng và phát triển cho doanh nghiệp. Trong cương vị đại sứ, tôi sẽ cùng các doanh nghiệp tại Việt Nam cập nhật và sớm áp dụng các nghị định, chính sách hướng tới mục tiêu chung Net zero. Không chỉ tuyên truyền, chúng tôi sẽ cùng nhau sát cánh, quyết tâm chuyển đổi xanh.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Tường Phong (thực hiện)