Ông Phan Văn Mãi: TPHCM triển khai nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, TPHCM quyết liệt triển khai nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM đã phát biểu như trên tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vào ngày 4/7/2023.
Hội nghị trực tuyến và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM nói riêng, cả nước nói chung có những chuyển biến tích cực, nhất là trong quý II.
Chính phủ, các địa phương đã nỗ lực hỗ trợ mọi mặt đối với doanh nghiệp và người dân, như hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn; từ đó thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đến cuối tháng 6/2023: TP.HCM đã giải ngân trên 15.400 tỷ đồng
Theo báo cáo của ông Phan Văn Mãi, trong quý II, TPHCM tăng trưởng trở lại. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu… chuyển biến tích cực.
"Thành phố tập trung, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Thành phố đã và đang giải quyết 113/232 kiến nghị của nhóm doanh nghiệp nhà nước, 169/189 kiến nghị thuộc 148 dự án bất động sản và 20/44 dự án về chủ trương đầu tư, gia hạn chủ trương đầu tư,” Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30/6/2023, thành phố đã giải ngân trên 15.400 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm, cao gấp 9 lần so với quý I và gấp 2,4 lần so cùng kỳ 2022. Ngoài ra, tổng doanh thu dịch vụ tăng 7,1%, du lịch tăng 62,7%. Đặc biệt, dự án đường Vành đai 3 đã được khởi công.
Đồng thời, TPHCM tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân; triển khai chương trình kích cầu khuyến mãi tiêu dùng, du lịch; tăng cường các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung điều hành chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành trong 6 tháng đầu năm; đồng thời tiếp tục giải quyết các tồn đọng về thị trường bất động sản, trái phiếu, các thủ tục về đăng kiểm; sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của thành phố.
TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục phối hợp cùng TPHCM hoàn thiện đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.
Tình hình thế giới và trong nước: Đối mặt với nhiều khó khăn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2023, đồng thời cũng đi được nửa nhiệm kỳ 2021 - 2025, trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ tích cực của toàn xã hội; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 có xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, làm đủ ăn, thu đủ chi, xuất đủ nhập, năng lượng đủ để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Trong đó, TPHCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn; tình hình kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.
Tại hội nghị này, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác như giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự kiến sau phiên họp, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết phiên họp và Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật “6 cơn gió ngược” của kinh tế toàn cầu hiện nay
1, Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn;
2, Hậu quả của đại dịch COVID-19 còn kéo dài;
3, Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ;
4, Các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu;
5, Các nước đang phát triển có khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài;
6, Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.