Nhiều "thách thức" để nâng cao năng lực cán bộ, công chức phường ở TP Thủ Đức.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức phường tại TP Thủ Đức trong bối cảnh chuyển đổi số tuy đạt được một số kết quả đáng chú ý nhưng vẫn còn những hạn chế, bao gồm việc xác định nhu cầu đào tạo, đánh giá kết quả và áp dụng kết quả đào tạo vào thực tế.
TS Phạm Huỳnh Minh Hùng, Trưởng khoa Khoa Chính trị - Hành chính, ĐH Quốc gia TP.HCM đã đưa ra nhận định trên.
Theo TS Hùng, TP Thủ Đức là địa phương duy nhất của cả nước được thành lập và hoạt động theo mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương ở Việt Nam. Để đóng góp tích cực hơn vào quá trình xây dựng và phát triển chính quyền đô thị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức phường trong bối cảnh chuyển đổi số là một trong những nội dung cần được quan tâm và hoàn thiện hơn nữa. Từ đó, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phê duyệt đề tài “Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức phường trong bối cảnh chuyển đổi số tại TP Thủ Đức, TP.HCM” mã số C2022-46-01 do TS Nguyễn Thị Thu Hòa làm chủ nhiệm đề tài.
Ngày 3/7 vừa qua, Khoa Chính trị - Hành chính và nhóm nghiên cứu đã tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức phường trong bối cảnh chuyển đổi số tại TP Thủ Đức, TP.HCM - thực trạng và giải pháp” với hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, sinh viên chuyên ngành Quản lý công.
Thông tin tại hội thảo, ông Liên Minh Thiện, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thọ, TP Thủ Đức cho biết, tổng kết năm 2022, UBND TP Thủ Đức đã cử 1.748 cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp dài hạn, ngắn hạn và ở nước ngoài do TP.HCM tổ chức. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng tổ chức 85 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 16.176 lượt học viên.
Trong báo cáo hội thảo, ThS Nguyễn Thị Kim Chung, Khoa Chính trị - Hành chính, ĐH Quốc gia TP.HCM nhìn nhận, đội ngũ công chức cấp xã, phường là những chủ thể quản lý rất quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, là “bộ mặt” hành chính tại địa phương và là những người gần dân nhất.
“Mọi hoạt động của công chức xã, phường đều ảnh hưởng tới tâm tư, tình cảm, niềm tin của nhân dân với chính quyền. Vì vậy, việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường có đủ phẩm chất, năng lực là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài”, ThS Chung cho biết.
Trong thời gian tới, TP Thủ Đức dự kiến sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức mỗi năm khoảng 60 - 70 ngàn lượt theo hướng đẩy mạnh bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức và kỹ năng chuyên ngành.
Theo Sở Nội vụ TP.HCM
Đồng quan điểm trên, PGS TS Tạ Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Văn bản và lưu trữ học, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM cho rằng, năng lực của đội ngũ công chức cấp xã, phường có vị trí vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống cơ quan hành chính ở địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Hòa - chủ nhiệm đề tài, TP Thủ Đức vừa qua đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh IOC, triển khai thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ đó, TS Hòa đánh giá, đội ngũ cán bộ công chức các cấp, nhất là cấp phường phải có những kiến thức và kỹ năng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn công việc.
“Trên thực tế, việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phường hiện nay, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức vụ, chức danh tại TP Thủ Đức vẫn còn thách thức không nhỏ, có thể kể đến như: nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về chuyển đổi số; vai trò của lãnh đạo đơn vị trong chuyển đổi số; khung chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công chức cấp phường cũng gặp khó khăn…”, TS Hòa phân tích.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp phường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, TS Nguyễn Thị Hồng Duyên, Khoa Quản lý nhà nước về kinh tế và xã hội, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM đã đưa ra một số kiến nghị: (1) Ban hành chính sách phát triển đội ngũ công chức cấp phường phù hợp với xu thế chuyển đổi số và đảm bảo số lượng và chất lượng; (2) Nâng cao trình độ chuyên môn của công chức cấp phường thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu và đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, đặc biệt là về kỹ năng công nghệ, ứng dụng số, chuyển đổi số; (3) Đổi mới cơ chế tuyển dụng và xây dựng các tiêu chí cụ thể, chi tiết đối với từng vị trí việc làm để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khoa học và khách quan trong hoạt động tuyển dụng; (4) Đổi mới chế độ tiền lương, thưởng và phương thức đánh giá công chức cấp phường nhằm tạo động lực làm việc và thu hút nhân tài vào khu vực công, đồng thời hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám, đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ công chức cấp phường.
Chuyển đổi số đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động quản lý khu vực hành chính công. Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một khung năng lực đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức phường cần bao gồm các yếu tố chính như: tư duy và đặc điểm cá nhân, kỹ năng ra quyết định có đạo đức, giải quyết vấn đề phức tạp, giao tiếp đa văn hóa, đàm phán quốc tế, xây dựng cộng đồng, tạo dựng niềm tin, quản trị sự thay đổi, thích ứng, quản trị bản thân, công nghệ số và ngoại ngữ tiếng Anh. Ngoài ra, cần có kiến thức liên quan đến chuyên môn, quản lý công và các vấn đề quốc tế để đáp ứng được yêu cầu của môi trường làm việc hiện nay.”
ThS Đào Văn Hân, Khoa Chính trị - Hành chính, ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo bà Đặng Thị Bích Thuận, Thành ủy viên, Phó ban Ban tổ chức Thành ủy TP Thủ Đức (TP.HCM), Thủ Đức là một TP mới được xây dựng theo mô hình đặc biệt. Chính điều này đã tạo ra cơ hội để cán bộ, công chức phường tiếp cận với những tri thức mới, tham gia nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của TP.
Qua đó, bà Thuận đánh giá cao đề tài về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức phường trong bối cảnh chuyển đổi số tại TP Thủ Đức do nhóm nghiên cứu là các nhà quản lý, nhà khoa học của Khoa Chính trị - Hành chính, ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Hội thảo diễn ra trong đúng thời điểm quan trọng của TP Thủ Đức, là một trong những diễn đàn mở về vấn đề đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức phường trong bối cảnh chuyển đổi số. Tôi tin sắp tới sẽ có nhiều diễn đàn được mở ra để nối tiếp những ý tưởng về vấn đề này”, bà Thuận phát biểu.