Đời sống

Trải nghiệm cà phê để hiểu thêm những vùng đất

Nguyễn Minh Hải 04/07/2023 - 17:41

Tôi uống cà phê lần đầu vào năm 7 - 8 tuổi gì đó, cách đây khoảng 40 năm. Vị cà phê đăng đắng, hương thơm thơm, màu cánh gián.

Vị đăng đắng của cà phê theo cùng năm tháng

Lần đó tôi theo gia đình đi từ quê tôi ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, để lên trên Đồng Nai khai hoang. Trên chuyến đò dọc chạy máy dầu, lúc ghé một bến nào đó ba tôi đã mua một bịch cà phê đá và tôi đã nếm được vị cà phê đăng đắng, hương thơm thơm, màu cánh gián.

Ba tôi nói uống cà phê thì không ngủ được, nhưng không biết có phải vì cà phê lợt quá hay vì tôi còn đang tuổi ăn tuổi ngủ nên chỉ lát sau đã dựa người vào mẹ tôi ngủ thiếp đi, mặc cho tiếng máy phành phạch, tiếng ồn ào của hành khách. Tới chừng tôi giật mình thức dậy, đò đã cập bến Mỹ Tho, trời đã xế chiều. Chúng tôi lên bờ, đi bộ đến nhà một người bà con ngủ tạm để sáng hôm sau đón xe đò đi lên Đồng Nai. Chặng đường có hơn 250 cây số mà chúng tôi phải đi những hai ngày!

ca-phe-via-he.jpg
Vị cà phê đăng đắng, hương thơm thơm, màu cánh gián. Ảnh minh họa

Ly cà phê ngon nhất của tôi diễn ra mười mấy năm sau đó. Khi tôi đang sinh viên năm thứ ba, một người bạn rủ về Sóc Trăng ăn tết Dolta. Nhà bạn tôi ở một xã vùng sâu thuộc huyện Mỹ Tú, xung quanh có nhiều người Khmer.

Chỗ này nhà cửa đông đúc, ẩn khuất sau những đám tre, không khác mấy so với quê tôi… Mới 4 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng nhạc Khmer rộn ràng từ những chiếc cassette của hàng xóm vọng lại. Bạn tôi thấy tôi thức giấc nên rủ đi uống cà phê. Chúng tôi đi lọ mọ trên con đường đầy cát để đến một cái quán nhỏ, nằm ngay ngã ba. Tôi gọi một ly cà phê sữa nóng.

Người ta pha cà phê bằng một cái phin đặt trên một cái ly thủy tinh nhỏ, bên dưới đã chế sẵn sữa. Cái ly được đặt trong một cái chén đã đổ nước nóng, để giữ ấm cà phê và giúp cà phê thơm hơn. Buổi sớm có sương nên hơi se lạnh, tôi hớp từng ngụm nhỏ cà phê sữa sóng sánh mà cảm nhận vị đậm đà của cà phê, vị ngọt béo của sữa, trong cái mùi thơm nồng nàn dễ chịu…

Giữa những tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng nói không biết cái nào là điệu lâm thôn, cái nào là kịch dù kê… Uống hết ly cà phê, người tôi như ấm lại, nhất là khi nghe các câu chuyện của những người Khmer chất phác nói về cuộc sống của họ.

ca-phe-2.jpg
Sau này, do công việc, tôi có dịp đi nhiều nơi. Dù không ghiền cà phê nhưng tôi đến đâu tôi cũng hay trải nghiệm cà phê ở đó. Ảnh minh họa

Sau này, tôi càng nhớ lại ly cà phê ấy khi nghe thầy giáo cũ kể về ly cà phê sữa ngon nhất đời của thầy. Hồi đầu những năm 1980, thầy từ Hà Tĩnh vào dạy ở Tân Phú (bây giờ là huyện Định Quán, Đồng Nai), gia đình còn khó khăn.

Ngày nghỉ, thầy thường đi làm thuê cho mấy chủ rẫy với đủ thứ việc: làm cỏ, cắt đậu, tỉa bắp, trồng thuốc lá…, mùa nào việc ấy. Một hôm, thầy làm cho một bà chủ rẫy người Hoa; đến giờ trưa, bà chủ mời thầy vô nhà ăn cơm. Ăn xong, bà chủ pha cho thầy một ly cà phê sữa. Thầy kể, đó là ly cà phê ngon nhất của thầy. Mãi sau thầy mới biết, bà chủ đó là phụ huynh của một học sinh của thầy…

Mỗi miền đất, một vị riêng cà phê

Sau này, do công việc, tôi có dịp đi nhiều nơi. Dù không ghiền cà phê nhưng tôi đến đâu tôi cũng hay trải nghiệm cà phê ở đó. Có những nơi, hương vị cà phê làm tôi nhớ mãi.

Như có lần ở Cao Bằng, trong một tối khá lạnh, tôi lại chọn cà phê sữa nóng và khi nhấm nháp từng muỗng nhỏ, tôi cứ tưởng nơi đây là xứ sở cà phê. Lần đầu tiên đến nơi này, tôi bỡ ngỡ và đầy thú vị với chiếc đàn tính và những điệu hát then của dân tộc Tày rồi cũng đắm đuối với ly cà phê ấm nồng nơi đất khách. Đêm đó, tôi thao thức, không biết vì cà phê hay vì một giọng ca ngọt ngào của một cô gái Tày có cái tên rất Việt…

Đến Buôn Ma Thuột, Pleiku, xứ sở cà phê, dĩ nhiên tôi cũng không thể bỏ qua hương vị cà phê ở đây. Nhưng tôi lại nhớ nhiều hơn đến cà phê của Đà Lạt. Cà phê ở đây ngon tuyệt, nhất là trong cái không khí se lạnh dịu dàng. Lần nào cũng vậy, dù ngồi quán cóc hay vào các quán sang trọng, kể cả quán bờ hồ Xuân Hương, cà phê tôi uống đều rất đậm đà. Đặc biệt, các ly cà phê đá luôn ít đá. Mới đây, tôi còn trải nghiệm cà phê tỏi đen, được đun dưới ngọn nến nên cà phê đã đậm càng đậm hơn cùng với vị tỏi đen rất lạ…

Đi miền Tây, dù ở Bến Tre, An Giang hay Cà Mau, cà phê đá hay cà phê sữa đều rất đậm và ngọt, nếu không để ý dặn trước là ít ngọt, khiến có lần tôi giật mình mà thốt lên: Đây là chè cà phê thì đúng hơn!

ca-phe-1.jpg
Cà phê Sài Gòn vẫn có nét rất riêng. Những quán vỉa hè rất đông khách, cà phê rất ngon... Ảnh minh họa

Dĩ nhiên, cà phê Sài Gòn vẫn có nét rất riêng. Có những quán vỉa hè rất đông khách, cà phê rất ngon, dù khách ngồi lê lết trên những cái ghế nhỏ dưới gốc cây hay dưới tán dù mà chốc chốc lại dời chỗ để tránh nắng.

Ở nhiều quán cóc, cà phê được pha sẵn trong các cái chai lớn, ai uống “đá” hoặc “sữa đá”, người ta chế ra ly rồi bỏ đá, bỏ sữa vào. Có những xe cà phê mà ai cũng biết có nhiều phần bắp và đậu nành rang khét nhưng vẫn uống như một thói quen và có chỗ để trò chuyện, để nhìn người ta qua lại…

Tôi cũng không ít lần vào những quán cà phê sang trọng với tên bằng tiếng nước ngoài hoặc cà phê có thương hiệu nước ngoài. Vào đó, có nơi còn được chọn loại cà phê theo hương vị, độ đậm nhạt, kiểu pha nữa…

ca-phe(1).jpg
Có nhiều quán cà phê, ta không chỉ mua cà phê mà còn mua cả chỗ ngồi! Ảnh: Chí Khôi

Tất nhiên, ở đó, ta có thể ngồi hàng giờ liền, uống nhiều ly nước trà, sử dụng wifi miễn phí, tha hồ trò chuyện, ngắm nghía, làm việc…, và giá có thể gấp chục lần ly cà phê ở vỉa hè mà độ ngon hoặc thích chưa chắc tương đương! Thì ra ở đây, ta không chỉ mua cà phê mà còn mua cả chỗ ngồi!

Vì tôi không sành cà phê nên đôi lần “ta đây” chọn một loại cà phê gì đó tên nước ngoài, bị say caffein, lâng lâng cả ngày!

Bây giờ, nhiều nơi còn có “cà phê take away”, tưởng như một loại cà phê mới. Nhưng không, đó là “cà phê mang đi”, đựng trong các ly nhựa, dần dần đổi qua ly giấy và có ống hút bột, ống hút cỏ. Kể ra cũng tiện, nhưng ở ngoài đường, ở công viên, lắm khi thấy người ta uống xong, vứt ly bừa bãi…

Tôi hay lấy trải nghiệm cà phê để hiểu thêm về cuộc sống ở nơi mình đặt chân đến, bởi điều tôi nghe, thấy và cảm nhận ở quán cà phê giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống của những vùng đất thân yêu của đất nước này…

Nguyễn Minh Hải