Sống xanh

Dự án phục hồi đại dương lớn nhất thế giới ở Dubai

Trang Nhung/Tạp chí Khoa học Phổ thông - Sống Xanh 27/06/2023 - 10:52

Dự án Dubai Reefs (Rạn san hô Dubai) đang được triển khai tại Dubai - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Dự án biến nơi đây thành thành phố đại dương thông minh, sinh thái biển lớn nhất thế giới.

Dubai Reefs - Dự án khôi phục đại dương lớn nhất thế giới

Trang tin công nghệ New Atlas của Mỹ cho biết, hãng URB, nhà phát triển hạ tầng UAE vừa công bố Dự án khôi phục đại dương lớn nhất thế giới ở vùng ven biển Dubai, có tên Dubai Reefs.

URB trước đây đã tham gia thiết kế và xây dựng các thành phố bền vững thuộc dự án The Loop Dubai và Agri Hub Dubai ở Yiti, Oman và Đảo Yas ở Abu Dhabi. Giờ đây, URB tiếp tục nhắm đến bờ biển Dubai với công trình Dubai Reefs.

Tương lai Dubai Reefs là một cộng đồng nổi bền vững sẽ cung cấp một loạt các cơ sở dân cư, khách sạn, bán lẻ, giáo dục và nghiên cứu. URB đặt mục tiêu biến Dubai thành trung tâm nghiên cứu biển, tái tạo sinh thái và du lịch sinh thái trên toàn thế giới trong tương lai.

anh-3.jpg
Sau khi hoàn thành, Dubai Reefs sẽ trở điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương. Nguồn: Whatson.ae

Theo giám đốc điều hành URB, Baharash Bagherian, trong quá trình triển khai Dubai Reefs, URB tập trung vào tầm quan trọng của đại dương trong duy trì môi trường lành mạnh. Theo tầm nhìn xanh của Bagherian, các khu vực sinh sống của Dubai Reefs sẽ sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thủy điện và trang trại sóng. Du khách tới Dubai Reefs có thể trải nghiệm du lịch sinh thái ở biển trong những nhà nổi hiện đại.

Trung tâm của dự án là một viện hải dương nhằm bảo vệ môi trường biển và ven biển của Dubai. Một rạn san hô nhân tạo rộng 199 km2 sẽ tạo ra môi trường tự nhiên cho hơn một tỷ cây san hô và 100 triệu cây đước. Hệ sinh thái ven biển này sẽ phục vụ thu thập và lưu trữ carbon, khắc phục thiệt hại gây ra bởi hoạt động khai thác dầu ở ven biển Dubai trong những thập kỷ qua.

Lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội của Dubai Reefs

Theo Baharash Bagherian, về cơ bản Dubai Reefs sẽ là thành phố nổi bền vững đầu tiên kiểu này cung cấp sự kết hợp của các cơ sở giáo dục, nghiên cứu, dân cư, bán lẻ, khách sạn, giải trí và cộng đồng. Mục tiêu dự án là phát minh lại cách chúng ta quy hoạch các thành phố, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sống hài hòa với đại dương.

Dubai Reefs sẽ được vận hành bằng năng lượng tái tạo từ các trang trại năng lượng mặt trời, thủy điện và sóng. Dự án tập trung vào giáo dục và bảo tồn, và dọn rác thải nhựa trên đại dương, đảm bảo hệ sinh thái ven biển và đóng vai trò như bồn chứa carbon dài hạn. Dự án nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sống hài hòa với đại dương.

1.jpg
Dubai Reefs sẽ là trung tâm nghiên cứu biển và sinh thái biển lớn nhất thế giới.
Nguồn: Whatson.ae

Dubai Reefs có nhiều nhà nghỉ sinh thái nổi khác nhau, tất cả đều được cung cấp 100% năng lượng tái tạo thông qua việc sử dụng nhiều loại năng lượng mặt trời và thủy điện, và năng lượng sóng biển.

Trung tâm du lịch sinh thái sẽ cung cấp một số lợi ích trị liệu cho du khách như tắm rừng - tương tự như tập tục của Nhật Bản được gọi là Shinrin Yoku. Ngoài ra, trung tâm này còn giúp nâng cao tầm quan trọng của việc phục hồi rạn san hô và giáo dục về sinh vật biển.

Một tính năng quan trọng khác của dự án là thực hành nuôi trồng đại dương tái tạo. Đây là một kỹ thuật sản xuất thực phẩm thân thiện với khí hậu. Chưa hết, theo nghiên cứu, hơn một nửa lượng oxy chúng ta hít thở được tạo ra bởi các đại dương. Chưa hết đại dương cũng là một bể chứa carbon, hấp thụ nhiều CO2 hơn là thải ra.

Theo Baharash Bagherian, sức khỏe của một thành phố phụ thuộc vào sức khỏe của các đại dương, nếu chúng ta không thay đổi, đại dương sẽ rất khác vào cuối thế kỷ này. “Chúng ta cần một tinh thần kinh doanh trong quy hoạch các thành phố ven biển và các loại hình cơ sở hạ tầng cũng như sự phát triển hài hòa với đại dương.

Là một thành phố ven biển sáng tạo, Dubai có vị trí tốt nhất để dẫn đầu sự chuyển đổi như vậy. Ngoài việc tạo ra một điểm đến có khả năng phục hồi độc đáo cho du lịch sinh thái và nghiên cứu biển, Dubai Reefs còn hướng đến mục tiêu trở thành một bản thiết kế ‘mẫu’ cho cuộc sống đại dương, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu’, giám đốc Baharash Bagherian nhấn mạnh thêm.

Bảo tồn hệ sinh thái san hô ở vùng biển Việt Nam

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để bảo tồn hệ sinh thái biển nói chung và bảo tồn hệ sinh thái san hô ở Việt Nam nói riêng, nhiều năm qua các địa phương đã có nhiều cố gắng.

Theo thống kê, vùng biển Việt Nam có 23 khu vực bảo vệ đa dạng sinh học, chiếm gần 1% diện tích biển Việt Nam. Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cũng chỉ rõ, hiện trạng rạn san hô ở vùng biển Việt Nam đã bị suy thoái từ mức rạn phát triển trung bình (bậc 3) xuống mức rạn phát triển nghèo (bậc 1, bậc 2).

Hiện tượng suy thoái rạn san hô ở các khu bảo tồn biển nhẹ hơn các khu vực khác khoảng từ 2 - 3 lần. Một số khu bảo tồn biển rạn san hô ở mức duy trì hoặc có xu hướng tăng nhẹ trong 4 năm gần đây, điển hình như vịnh Hạ Long.

Nhờ những cách làm quyết liệt, đến nay rạn san hô ở nhiều tỉnh có dấu hiệu phục hồi tốt, có độ phủ cao (60 - 70%), có nhiều san hô cành phát triển như ở vịnh Hạ Long. Để giúp khôi phục các rạn san hô giới chuyên gia cho rằng các địa phương cần phải đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và mức độ rạn san hô bị suy thoái. Khoanh vùng, lựa chọn những nơi cần bảo tồn cấp bách và những nơi có nguy cơ cao để thiết lập vùng, khu bảo tồn.

san-ho.jpg
Rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương, được ví như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Các rạn san hô của Việt Nam được phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam với diện tích khoảng hơn 1100km2 với khoảng 400 loài san hô cứng thuộc 79 giống.

Lập dự án và tổ chức bố trí ngân sách bảo tồn theo chiến lược dài hơi thay vì thói làm việc manh mún, nặng về tuyên truyền giải thích xưa cũ. Cần kêu gọi các tổ chức quốc tế chung tay giúp các địa phương có biển bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, trong đó nổi bật là bố trí nguồn lực tài chính để người dân địa phương thay đổi sinh kế, giảm tối đa hiện tượng đánh bắt hải sản trong các khu bảo tồn hoặc sử dụng các phương tiện mang tính tận diệt.

Cần nhân rộng mô hình người dân tự bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô thông qua các câu lạc bộ lặn biển như một số nơi đã thực hiện thành công như ở Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa.

Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình quản lý Nhà nước có sự tham gia của cộng đồng; khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Kiểm soát chất lượng thủy, hải sản theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học; áp dụng đánh bắt hải sản có giới hạn thông qua kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Bảo tồn hệ sinh thái san hô cũng cần phải có chiến lược cụ thể, trong đó phải gắn với phát triển du lịch, nuôi trồng thủy, hải sản bền vững.  Trong tương lai, sự cân bằng sinh thái biển sẽ trở lại và là nguồn lực lớn phục vụ phát triển kinh tế biển như kỳ vọng.

Trang Nhung/Tạp chí Khoa học Phổ thông - Sống Xanh